QBS: Công ty vừa được công nhận cảng cạn ICD tại Đình Vũ là ai ?

VietTimes -- Bộ GTVT vừa có công bố mở cảng cạn (ICD) Đình Vũ – Quảng Bình tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng). Chủ đầu tư của cảng cạn này là Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình – một doanh nghiệp có những chủ nhân quen mặt trong làng buôn phân bón Hải Phòng.
Cổng ICD Đình Vũ – Quảng Bình. Nguồn: quangbinhjsc.com.vn
Cổng ICD Đình Vũ – Quảng Bình. Nguồn: quangbinhjsc.com.vn

ICD Đình Vũ - Quảng Bình nằm trong KCN Đình Vũ – một liên doanh nước ngoài với UBND thành phố Hải Phòng. Cảng cạn này có diện tích dự kiến hơn 26 ha, vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

Dự án được đầu tư theo 3 giai đoạn và dự kiến sau khi hoàn thành ICD Quảng Bình - Đình Vũ đạt công suất kho hàng 100.000 tấn/năm, bãi chứa là 400.000-500.000 TEU/năm.

ICD Đình Vũ-Quảng Bình là dự án cảng cạn đầu tiên trên địa bàn Hải Phòng và là một trong những cảng cạn lớn nhất khu vực phía Bắc.

Chủ đầu tư của dự án này là Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình – một công ty của Hải Phòng và đang là đại lý phân bón DAP lớn của cả hai dự án DAP hiện nay đặt tại Đình Vũ, Lào Cai.

Trong lời giới thiệu, Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã chứng khoán: QBS) cho biết được thành lập năm 2007. Đây là công ty được thành lập trên cơ sở tách ra từ Công ty CP Hảo Mỳ - một công ty đã có trên 30 năm kinh nghiệm kinh doanh thương mại nội địa về phân bón, hóa chất và nông sản.

Thực tế, những chủ nhân của Công ty CP Hảo Mỳ xuất thân từ giới buôn phân bón tư nhân tại Hải Phòng, nhưng không phải là tay buôn lớn nhất. Trong vài chục năm, với lợi thế cảng biển và sự thiếu hụt nguồn cung trong nước, Hải Phòng trở thành trung tâm nhập khẩu phân bón phía Bắc, với Tổng công ty Vật tư nông nghiệp 1 (Bộ NNPTNT) là nhà nhập khẩu phân bón lớn nhất.

Cùng với đó, là sự hình thành một một số doanh nghiệp, cá nhân buôn phân bón – chủ yếu là phân bón nhập từ Trung Quốc – và bán trong mạng lưới đại lý tại các tỉnh. Công ty CP Hảo Mỳ là một doanh nghiệp gia đình kiểu đó. Lãnh đạo chủ chốt của QBS cũng xuất thân từ Công ty CP Hảo Mỳ.

Vậy tại sao Hảo Mỳ phải chia tách, và nhiệm vụ khi thành lập QBS là gì?

Trong lời giới thiệu, QBS nói tiếp: công ty “là nhà xuất khẩu lớn nhất cả nước về mặt hàng phân bón DAP với khoảng 60% thị phần xuất khẩu phân DAP và khoảng 20% thị phần xuất khẩu các loại phân bón còn lại của cả nước. Đồng thời là nhà nhập khẩu và phân phối hàng đầu về lưu huỳnh và axit Sulfuric với khoảng 50% thị phần nhập khẩu, phân phối lưu huỳnh và 40% thị phần nhập khẩu phân phối axit Sulfuric tại Việt Nam”.

Thực tế, sự thành lập QBS gắn chặt với một doanh nghiệp lớn sản xuất phân bón DAP, đó là Công ty Cổ phần DAP – VINACHEM (UPCoM: DDV), hay còn gọi với tên dễ nhớ hơn là DAP Đình Vũ – một trong 12 dự án trọng điểm của ngành Công thương bị thua lỗ nặng, đang phải tái cấu trúc.

DAP Đình Vũ được khởi công tháng 7/2003, hoàn thành vào tháng 4/2009, công suất thiết kế 330.000 tấn/năm, tương đương 30% nhu cầu phân bón DAP cả nước.

Để xây dựng nhà máy, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (chủ đầu tư khi ấy), đã đi vay khoảng 1.500 tỷ đồng. Theo một cựu lãnh đạo của DAP Đình Vũ, ngay trong giai đoạn chạy thử (1 năm, từ cuối 2009 tới đầu năm 2011), nhà máy đã trả được trên 35% tổng số vốn vay thương mại để đầu tư.

Thời điểm này, kiếm được một suất mua hàng của DAP Đình Vũ là cực khó khăn, do nhu cầu lớn hơn sản lượng sản xuất. QBS đã trở thành đại lý của DAP Đình Vũ chính trong giai đoạn này.

QBS vừa là người bán và cũng vừa là người mua đối với DDV. (Ảnh: Trích BCTC bán niên 2018 của DDV).
 QBS vừa là người bán và cũng vừa là người mua đối với DDV. (Ảnh: Trích BCTC bán niên 2018 của DDV).

Lưu ý là, không chỉ bán hàng cho DAP Đình Vũ, QBS còn là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp này. Các báo cáo của QBS thể hiện rõ  quan hệ sâu đậm, vừa mua và vừa bán với nhà máy DAP Đình Vũ, nhà máy DAP Lào Cai. Doanh thu từ quan hệ này chiếm một phần đáng kể trong cơ cấu tổng doanh thu của QBS.

Không chỉ vậy, về sau, QBS còn là cổ đông chiến lược, và hiện đang nắm 19,7% vốn điều lệ của DAP Đình Vũ. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương  - người xuất thân từ Công ty CP Hảo Mỳ và đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc QBS – cũng đồng thời là Thành viên HĐQT của DAP Đình Vũ. Cáo bạch niêm yết của QBS vào năm 2014 ghi rõ, từ năm 1999 đến năm 2006, bà Hương là "nhân viên kinh doanh - Công ty CP XNK Hảo Mỳ"; Và sau khi rời Hảo Mỳ, bà Hương trở thành Giám đốc QBS.

Khác biệt lớn nhất trong quan hệ sâu đậm QBS với DAP Đình Vũ, là trong khi QBS luôn có lãi, thì DAP Đình Vũ đã lỗ lớn suốt nhiều năm, đến mức nằm trong danh sách 12 dự án trọng điểm thua lỗ lớn của Bộ Công thương.

Điều đáng mừng, là bắt đầu từ năm 2017, DDV đã biết lãi - dù rất khiêm tốn, chưa đầy 15 tỷ đồng. Con số lợi nhuận ròng được cải thiện mạnh trong nửa đầu 2018 - đạt 145 tỷ đồng.

Đó là những tín hiệu tích cực. Nhưng để xóa hết số nợ lũy kế đang mang, DDV còn phải mất thêm nhiều nhiều thời gian nữa. Và đó là một tính toán trong giả định thuận lợi.

"Mối tình" QBS - DDV

Không chỉ là mối quan hệ làm ăn khăng khít theo kiểu kẻ bán - người mua, sau khi DAP chuyển đổi mô hình, QBS đã trở thành một trong hai cổ đông lớn nhất của bạn hàng - chỉ sau cổ đông Nhà nước (Vinachem).

Cụ thể, khi DAP Đình Vũ được cổ phần hóa vào năm 2014, QBS chính là nhà đầu tư chiến lược duy nhất được lựa chọn. Theo đó, QBS đã chi ra 219 tỷ đồng để đổi lấy 21,9 triệu cổ phiếu DDV – tương tương với 15% vốn điều lệ của đối tác mà họ đã quan hệ lâu năm.

Doanh nghiệp tách ra từ Hảo Mỳ không chỉ muốn sở hữu ở mức đó. Ngày 5/11/2015, HĐQT QBS thông qua phương án gom thêm 13,88 triệu cổ phiếu DDV, để nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,5%. Nhưng họ chỉ được thỏa mãn một phần, khi chỉ gom thêm được hơn 6 triệu cổ phiếu, và tạm bằng lòng với mức nắm giữ 19,7%. Nên nhớ, để đạt được số lượng cổ phần trên, QBS đã đăng ký mua đến 4 lần với 19,8 triệu cổ phần, trong đó có hai lần trắng tay do đàm phán giá bất thành.

Những tưởng QBS sẽ kiên trì với kế hoạch gia tăng sở hữu DDV và chờ đợi lúc thị trường thuận lợi. Nhưng mới đây – ngày 26/6/2018, HĐQT QBS quyết nghị thông qua phương án thoái vốn ở DAP Đình Vũ. Vấn đề là trong số hơn 28 triệu cổ phiếu DDV của QBS, thì chỉ có 6,1 triệu cổ phiếu được tự do chuyển nhượng – là những cổ phiếu được mua gom sau này.

Còn 21,9 triệu cổ phiếu nhận phân phối dưới hình thức Nhà đầu tư chiến lược trước đây, sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm. Song cần phải nói rằng, nếu muốn, không thiếu cách để “dỡ” ràng buộc hạn chế chuyển nhượng vừa nêu.

HĐQT QBS đã giao cho bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần nêu trên; đàm phán, quyết định giá trị chuyển nhượng, ký kết và triển khai thực hiện hoàn thiện tất cả hồ sơ liên quan đến việc thực hiện chuyển nhượng.

Dễ hiểu khi bà Hương đã chọn làm việc dễ hơn trước – đó là đăng bán lô 6,1 triệu cổ phiếu DDV được tự do chuyển nhượng.

Tuy nhiên, báo cáo vừa mới đây (ngày 12/10) của QBS cho thấy, kế hoạch thoái vốn trên đã chưa thành. Công ty này đã không bán được cổ phiếu nào trong số 6,1 triệu cổ phiếu đã đăng ký giao dịch. Lý do nêu ra là “chưa thống nhất được giá và đang tiếp tục đàm phán”.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, QBS vẫn là cổ đông lớn thứ 2 của DAP Đình Vũ – sau Vinachem, với quy mô sở hữu hơn 28 triệu cổ phiếu, tương ứng 19,2% vốn điều lệ./.