PVN: Có thể tính đến phương án phá sản PVFI

VietTimes – Chi tiết này đã được Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh đề cập rõ trong văn bản gửi cho Bộ Công thương ngày 30/7/2018, về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ/ngành và bổ sung, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017 – 2025.
PVN: Có thể tính đến phương án phá sản PVFI. (Ảnh: Internet)
PVN: Có thể tính đến phương án phá sản PVFI. (Ảnh: Internet)

Theo đó, khi đề cập đến kế hoạch thoái toàn bộ vốn của tập đoàn tại các đơn vị trong giai đoạn 2018-2019 (gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI), Tổng công ty Cổ phần Bảo dưỡng – Sửa chữa công trình dầu khí (PVMR) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/8/2017), Chủ tịch PVN báo cáo: “Trong bối cảnh hiện tại việc thoái toàn bộ vốn của Tập đoàn tại các đơn vị này là rất khó khả thi”.

“Thậm chí đối với PVFI có thể tính đến phương án phá sản” – ông Thanh nêu rõ.

PVFI

“Đường tình” PVN – Ocean Bank

PVFI là tên viết tắt của Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí, chính thức hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 01/6/2007.

“PVFI là đơn vị duy nhất đại diện cho Cán bộ CNV Tập đoàn thực hiện đầu tư vào các dự án, các công ty cổ phần; đại diện quản lý phần vốn góp của Cán bộ CNV Tập đoàn tại các công ty cổ phần/dự án; đồng thời thực hiện đầu tư tài chính, cung cấp các loại hình dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp và phát triển kinh doanh” - website của PVFI đã từng một thời tự giới thiệu về doanh nghiệp này như vậy.

Nếu PVFI phá sản, 105 tỷ đồng vốn góp của PVN sẽ ra sao (?). Chưa kể hàng trăm tỷ đồng vốn góp "đứng tên" cán bộ, công nhân viên; Công đoàn; GPBank; PSI, liệu nó có liên quan hay nguồn gốc gì từ PVN (?)...
Nếu PVFI phá sản, 105 tỷ đồng vốn góp của PVN sẽ ra sao (?). Chưa kể hàng trăm tỷ đồng vốn góp "đứng tên" cán bộ, công nhân viên; Công đoàn; GPBank; PSI, liệu nó có liên quan hay nguồn gốc gì từ PVN  (?)...  

Khi mới thành lập PVFI có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp 15 tỷ đồng, chiếm 5%; PVN đóng góp 105 tỷ đồng, chiếm 35%; Cán bộ, công nhân viên PVN đóng góp 105 tỷ đồng, chiếm 35%; Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đóng góp 33 tỷ đồng; chiếm 11%; Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) đóng góp 17,595 tỷ đồng chiếm 6%; Các cổ đông khác đóng góp 24,405 tỷ đồng, chiếm 8%.

Được kỳ vọng trở thành một công cụ tài chính để thực hiện chính sách cho nhân viên PVN, nhưng trên thực tế, đôi khi PVFI lại trở thành nơi để xử lý các nghiệp vụ tài chính lỡ dở của tập đoàn mẹ.

PVFI và “mối tình” PVN – Ocean Bank...

Nổi bật trong số đó có thể kể đến thương vụ nhận chuyển nhượng 9.753.900 cổ phần GPBank từ PVN, vào đầu năm 2009.  Thậm chí một cách xuống xã hơn, có thể nói rằng PVN đã “dúi” lô cổ phần GPBank này vào PVFI (bất chấp việc GPBank chính là một trong các cổ đông đã sáng lập nên PVFI). Nên hiểu về tình thế khi ấy: các lãnh đạo PVN (đứng đầu là Chủ tịch Đinh La Thăng) cần tập đoàn ở trong trạng thái “không sở hữu vốn của ngân hàng nào”, để đáp ứng điều kiện cần cho việc trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank).

Việc phải thực hiện những thương vụ phi thị trường, cùng cung cách quản trị có vấn đề, đã đưa PVFI sớm rơi vào suy thoái. 3 năm sau ngày thành lập, PVFI bắt đầu báo lỗ. Đầu tiên - năm 2010, nó lỗ 43 tỷ đồng; Rồi năm 2011, lỗ 155 tỷ đồng; Năm 2012, lỗ 68 tỷ đồng…

Tuy vậy, "sự nghiệp" thua lỗ của PVFI, suốt nhiều năm, diễn ra âm thầm, và chẳng được mấy người để ý.

Rồi giữa năm 2016, trong cao trào thông tin về cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, PVFI đột nhiên được nhắc đến nhiều. Tình trạng thua lỗ của nó được truyền thông xới tung. Trưởng nam của cựu Bộ trưởng Hoàng – ông Vũ Quang Hải - từng có hai năm (2011 - 2012) làm Tổng Giám đốc ở đây, trước khi được kéo lên Bộ Công thương, rồi bổ về Sabeco.

Một số cho rằng ông Hải phải chịu trách nhiệm cho khoản lỗ lũy kế 220 tỷ đồng của PVFI, còn ông Hải thì phân bua rằng “công ty này đã phát sinh lỗ từ trước, với số tiền hơn 200 tỷ đồng”. “Thực tế, qua hai năm Hải làm ở PVFI đã chặn được, không lỗ tiếp nữa, Và hai năm 2012 - 2013, tôi nhớ không chính xác, công ty đã có một chút lãi”, cựu CEO PVFI Vũ Quang Hải nói. Thông tin trong BCTC của PVFI phần nào ủng hộ những chia sẻ của ông Hải.

Chuyện PVFI  rộ lên vài tuần, rồi cũng lại hầu như chẳng mấy người nhớ và nhắc đến PVFI.

Dù vẫn là một công ty đại chúng nhưng vài năm trở lại đây, PVFI bê trễ nghĩa vụ công bố thông tin. Vì không có báo cáo tài chính, báo cáo thường niên,… nên chẳng rõ hồi này PVFI làm ăn như thế nào, tình hình tài chính ra sao.

Và giờ đây, khi được Chính phủ yêu cầu thoái toàn bộ vốn ở PVFI thì Chủ tịch PVN cho rằng “là rất khó khả thi”. Và: “Thậm chí đối với PVFI có thể tính đến phương án phá sản”…

Đề nghị Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian thoái vốn tại PVC

“Về việc thoái vốn của Tập đoàn tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC): Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/8/2017, Tập đoàn phải thực hiện thoái vốn toàn bộ tại PVC trong giai đoạn 2018-2019. Tuy nhiên, thực tế hiện tại PVC đang là tổng thầu triển khai dự án Nhà máu nhiệt điện Thái Bình 2 và một số hạng mục của ngành công thương, vì vậy nếu thoái toàn bộ phần vốn góp của Tập đoàn tại PVC trong giai đoạn các dự án này đang dở dang, chưa hoàn thành sẽ dẫn đến tiến độ dự án bị chậm (khi đó Tập đoàn không còn là cổ đông là hoàn toàn phụ thuộc và các cổ đông khác). Do đó, Tập đoàn kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét cho phép kéo dài thời gian hoàn thành thoái vốn tại PVC sang giai đoạn sau năm 2020”, trính Báo cáo “khẩn” của PVN./.