PVFI và “mối tình” PVN – Ocean Bank...

VietTimes -- PVN “dứt tình” GP Bank để đến với Ocean Bank. Không thể không nhắc tới vai trò của PVFI.
PVFI trong “mối tình” PVN – Ocean Bank... (Ảnh: Internet)
PVFI trong “mối tình” PVN – Ocean Bank... (Ảnh: Internet)

Phần vốn góp của PVN tại Ocean Bank vốn được hoài thai thất bại của tập đoàn này trong kế hoạch thành lập một ngân hàng hoàn toàn mới, mang tên Ngân hàng TMCP Dầu khí (sau đổi tên thành Ngân hàng TMCP Hồng Việt).

Tuy nhiên, như VietTimes đã đề cập, Ocean Bank lại chẳng phải là cái tên đầu tiên mà PVN nghĩ đến, sau dự định bất thành với Hồng Việt.

Ban đầu, họ muốn chuyển phần vốn chuẩn bị cho Hồng Việt vào GP-Bank. Thậm chí còn sắp sẵn nhân sự cho kế hoạch này: “Để thúc đẩy quá trình chuyển góp vốn của CBCNV, Tập đoàn đã có quyết định cử đ/c Nguyễn Ngọc Sự - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn và đ/c Nguyễn Xuân Sơn – Trưởng Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Dầu khí tham gia quản trị điều hành ngân hàng GP-Bank, đ/c Nguyễn Xuân Sơn được đề cử làm Tổng Giám đốc GP-Bank từ 1/8/2008”.

Nhìn nhận một cách khách quan, việc góp vốn vào GP-Bank tỏ ra phù hợp và có nhiều điểm thuận lợi. Bởi tại thời điểm đó, PVN đang là một trong những cổ đông lớn nhất của GP-Bank, với tỷ lệ sở hữu 9,5%.

Thứ nữa, GP-Bank cũng là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên mà PVN tham gia góp vốn.

Nhưng rất nhanh sau đó, PVN lại thông báo, rằng đối tác được họ lựa chọn góp vốn là Ocean Bank; Chứ không phải là GP-Bank.

Không những vậy, PVN còn tuyên bố: “Đến ngày 08/09/2008 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần mà Tập đoàn hiện đang tham gia góp vốn tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP-Bank)”.

“Như vậy, hiện nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện không tham gia, góp vốn, mua cổ phần của bất cứ ngân hàng thương mại cổ phần nào”, PVN như muốn chứng minh cho tính hợp lý trong quyết định đầu tư vào Ocean Bank.

Theo tìm hiểu, đối tác của PVN trong thương vụ chuyển nhượng trên là Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) – pháp nhân do PVN sáng lập vào giữa năm 2007 và trực tiếp sở hữu 35% vốn. Trong khi, phần vốn còn lại cũng chủ yếu được nắm giữ bởi các cổ đông có liên quan đến PVN.

Dù PVN tuyên bố hoàn tất chuyển nhượng cổ phần GP-Bank vào từ ngày 08/09/2008 nhưng thực tế, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần lại được PVN và PVFI ký kết vào ngày 12/03/2009, mang số hiệu 1592/HĐ-DKVN.

Theo hợp đồng này, PVN chuyển nhượng lại cho PVFI toàn bộ 9.753.900 cổ phần GP-Bank với điều kiện tương đối ưu đãi.

Theo đó, PVFI được phép trả chậm trong vòng 3 năm kể từ ngày 08/09/2008. Lãi suất trả chậm được xác định bằng 80% tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ (ROE) của GP-Bank và không thấp hơn 3%/năm trên thời gian thực tế trả chậm.

Cần phải nói rằng, cách tính lãi suất này là rất “tạo điều kiện”. Bởi nếu kết quả kinh doanh của GP-Bank tốt, PVFI sẽ nghiễm nhiên sẽ được hưởng phần chênh lệch 20%; Còn trong trường hợp xấu, PVFI tối đa cũng chỉ cần trả lãi suất 3%/năm.

Ở một khía cạnh nào đó, nói PFVI đứng tên cổ phần GP Bank cho PVN có thể cũng không sai. Đáng nói, GP-Bank cũng chính là một cổ đông sáng lập nên PVFI.

Được biết, tính đến cuối năm 2011, tức là đã quá thời hạn 3 năm trả chậm (từ 08/09/2008 đến 08/09/2011), vẫn chưa thấy PVFI thanh toán khoản chuyển nhượng cổ phần GP-Bank cho PVN.

Trong khi đó với GP Bank, năm 2012, qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hiện GP-Bank bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành ngân hàng kém hiệu quả.

Sau hơn 3 năm tạo điều kiện để GP-Bank tự tái cấu trúc nhưng không hiệu quả, ngày 7/7/2015, NHNN đã ban hành Quyết định 1304/QĐ-NHNN mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu tại GP-Bank với giá 0 đồng/cổ phần.

Chưa rõ khi GP-Bank bị mua lại 0 đồng, PVFI đã kịp bán lô cổ phần GP-Bank được nhượng lại từ PVN hay chưa (?); PVFI đã thanh toán nghĩa vụ hợp đồng chuyển nhượng cho PVN (?); Thiệt hại (nếu có) đã được xử lý như thế nào (?).

Thực tế, PVFI có quan hệ khá bền chặt, nếu không muốn nói là phụ thuộc, vào PVN. Bởi, PVFI chuyên cung cấp các dịch vụ ủy thác đầu tư cho PVN và các thành viên của Tập đoàn này. Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài chính của PVFI chính là các khoản tiền có nguồn gốc từ PVN và đây cũng là kênh kiến tạo lợi nhuận chủ yếu cho PVFI.

"Ngày 01/06/2007, Công ty PVFI chính thức hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu với chức năng là công cụ tài chính thực hiện chính sách nhân viên của Tập đoàn.
PVFI là đơn vị duy nhất đại diện cho Cán bộ CNV Tập đoàn thực hiện đầu tư vào các dự án, các công ty cổ phần; đại diện quản lý phần vốn góp của Cán bộ CNV Tập đoàn tại các công ty cổ phần/dự án; đồng thời thực hiện đầu tư tài chính, cung cấp các loại hình dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp và phát triển kinh doanh”, PVFI đã tự giới thiệu về lịch sử phát triển của mình như vậy./.