Thông tin nêu trên được ông Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - PTIT cho biết khi chia sẻ về định hướng phát triển của nhà trường với nền giáo dục 4.0.
Cùng với việc kết hợp đào tạo, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng đã đẩy mạnh kết hợp với các doanh nghiệp ICT trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (Trong ảnh: Hội nghị khoa học sinh viên lần thứ 11 của Học viện với chủ đề “Sinh viên PTIT ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp”)
Đề cập đến vấn đề giáo dục, đào tạo trong thời kỳ 4.0, đại diện PTIT cho rằng, vấn đề nguồn nhân lực đặt ra đối với Việt Nam là làm sao dịch chuyển nguồn nhân lực trong phân khúc lao động chân tay và công nghệ thấp lên các tầng cao hơn hay vấn đề nâng cao chất lượng nhân lực trong các ngành công nghệ cao để không rơi vào trạng thái bị động trước các thách thức do CMCN 4.0 đưa lại. Từ góc độ vĩ mô, giáo dục và đào tạo là giải pháp hữu hiệu nhất để có thể giải bài toán cấp thiết này và bản thân ngành giáo dục, đào tạo cũng phải vận động không ngừng để bắt kịp xu thế và giải quyết các nhu cầu của thời kì 4.0.
“Muốn đổi mới đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của CMCN 4.0, các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học cần thường xuyên nghiên cứu, khảo sát để nắm bắt nhu cầu xã hội gắn với phát triển các chương trình, đổi mới phương thức và phương pháp đào tạo… Đặc biệt, vấn đề đổi mới công tác quản lý cần đề cao tính chủ động của các khoa trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; ứng dụng triệt để ICT trong mọi hoạt động, đồng thời đẩy mạnh quốc tế hóa trong đào tạo và các hoạt động khoa học công nghệ…”, đại diện PTIT nêu quan điểm.
Đối với riêng PTIT, Phó giám đốc Học viện, ông Đặng Hoài Bắc cũng cho biết, với vị thế của một trong những trường đai học hàng đầu cả nước về nghiên cứu, đào tạo ngành CNTT-TT (ICT), nhận thức được sứ mệnh và vai trò của đơn vị mình, PTIT đã xây dựng, thuyết minh và được Bộ KH&CN giao trực tiếp thực hiện dự án cấp quốc gia thuộc chương trình công nghệ nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao: “Nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực về ICT tiếp cận CMCN 4.0”.
Theo Danh mục nhiệm vụ thuộc Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao được ban hành kèm theo quyết định phê duyệt dự án “Nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực về ICT tiếp cận CMCN 4.0”, Bộ KH&CN cũng nêu rõ định hướng mục tiêu đặt ra với dự án giao cho Học viện là: xây dựng được chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, đội ngũ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ sản phẩm về Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Robot và điều khiển công nghiệp; xây dựng được các đề cương môn học cho các chương trình đào tạo; xây dựng được hệ thống bài giảng và bài giảng trực tuyến, bài thí nghiệm cho các môn học; đồng thời triển khai đào tạo được nguồn nhân lực về IoT, Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Robot và điều khiển công nghiệp.
Đại điện PTIT cho biết, trong dự án nêu trên, Học viện hướng tới hình thành một Cổng thông tin quốc gia về nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu, trên đó các nhà khoa học trong cả nước có thể tiếp cận và chia sẻ kiến thức, thông tin và sản phẩm công nghệ liên quan đến CMCN 4.0. Đây sẽ là nền tảng bước đầu cho việc xây dựng một mạng lưới chia sẻ thông tin quốc gia về khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tế, Học viện đã xây dựng thí điểm mô hình đào tạo kết hợp với doanh nghiệp. Theo đó, mở ra những chương trình đào tạo kỹ sư theo đặt hàng của doanh nghiệp. Tùy theo nhu cầu về nguồn nhân lực của đơn vị mình trong kế hoạch ngắn, trung và dài hạn, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành. “Các sinh viên được đào tạo theo các chương trình trên sẽ được các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện thực tập và ưu tiên tuyển dụng khi ra trường. Đây là xu hướng chung của các nền giáo dục của các nước phát triển trên thế giới”, đại diện PTIT chia sẻ.
Cùng với việc kết hợp đào tạo, Học viện cũng đẩy mạnh kết hợp với các doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển. Thời điểm hiện tại, Học viện đang xây dựng mô hình kết hợp kiểu mới, theo đó các giảng viên của Học viện sẽ có thể tham gia vào các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu của các doanh nghiệp; và ngược lại, các doanh nghiệp cũng có thể cử những cán bộ, chuyên gia tham gia vào công tác giảng dạy của nhà trường. Mô hình này sẽ giúp các giảng viên của nhà trường bắt kịp với xu hướng phát triển và các nhu cầu của công nghệ trong thực tế, đồng thời cung cấp cho sinh viên những kiến thức và thông tin cập nhật, sẵn sàng bước vào môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
Đáng chú ý, theo chia sẻ của đại diện Học viện, nhà trường đang xây dựng dự án kết hợp với các doanh nghiệp lớn trong ngành để thiết lập Quỹ khoa học công nghệ, lấy đây làm nguồn để phát triển các mô hình hỗ trợ phong trào nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cũng như phong trào khởi nghiệp trong sinh viên. “Chúng tôi hướng tới xây dựng vườn ươm khoa học công nghệ với đầy đủ cơ sở vật chất và dịch vụ hỗ trợ, giúp sinh viên hình thành và hiện thực hóa các doanh nghiệp startup ngay trong khuôn viên trường đại học”, đại diện Học viện nhấn mạnh.
Theo ICT News