“Profile” công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở của nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc

VietTimes -- Metran phát triển thêm nhiều dòng máy hô hấp nhân tạo nhưng không cho biết cụ thể về số lượng máy đã bán được. Dù vậy, quy mô vốn và hoạt động kinh doanh của các công ty con tại Việt Nam phần nào cho thấy thực lực của doanh nghiệp này.
GS Trần Ngọc Phúc bên cạnh máy trợ thở Hummingbird của Metran (Ảnh: Internet)
GS Trần Ngọc Phúc bên cạnh máy trợ thở Hummingbird của Metran (Ảnh: Internet)

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 1/6 số người bệnh Covid-19 sẽ chuyển bệnh nặng hơn, tới giai đoạn khó thở và có thể phải dùng tới các thiết bị thở nhân tạo để hỗ trợ hô hấp, duy trì sự sống. 

Vì vậy, nhiều nước và các tập đoàn lớn trên thế giới đang chạy đua sản xuất máy thở, máy trợ thở nhằm hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.

Mới đây, GS. Trần Văn Thọ đã có những tư vấn riêng dành cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Vị giáo sư khuyến nghị Chính phủ chuẩn bị cho sản xuất ngay một số lượng máy trợ thở cần thiết, bổ sung cho số thiếu hụt hiện tại nhằm chuẩn bị đối phó với tính huống dịch bệnh lây lan nhanh, kéo theo hiện tượng sụp đổ của hệ thống y tế (medical collapse).

Số lượng sản xuất trước mắt là 2.000 chiếc, sau đó sẽ tăng lên 10.000 chiếc trong vòng 3 tháng.

Để sản xuất máy trợ thở, GS. Trần Văn Thọ đã đến gặp nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc (Chủ tịch Công ty Metran - một doanh nghiệp chuyên sản xuất máy trợ thở). 

"Rất may là Metran vừa phát minh một loại máy trợ thở nhỏ, dễ thao tác và giá thành thấp. Mừng là anh Trần Ngọc Phúc đồng ý chuyển giao công nghệ này về Việt Nam” - vị giáo sư tường thuật. Bên cạnh đó, Công ty Metran (Metran) sẽ cùng với phía Việt Nam triển khai sản xuất ngay trong tháng tới (tháng 4/2020).

Những thông tin kể trên về Công ty Metran sản xuất máy trợ thở cho Việt Nam đang được dư luận trong nước hết sức quan tâm.

Theo tìm hiểu của VietTimes, nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc (tên Nhật: Kazufuku NITTA) được vinh danh như là “cha đẻ” của dòng máy trợ thở, với phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO). Ông cũng chính là nhà sáng lập Metran vào tháng 7/1984 và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT (từ năm 2014).

Công ty Metran có quy mô vốn góp (paid-in capital) là 87,5 triệu Yên (tương đương khoảng 18,5 tỷ đồng, theo tỷ giá Vietcombank ngày 2/4/2020) với 38 nhân viên.

Metran cho biết có 4 đơn vị thành viên, trong đó có 3 công ty tại Việt Nam là: Me Tran Co., Ltd (Tp. HCM); Metran Vietnam Co., Ltd (Tp. HCM) và Metran Vitec (Bình Dương).

Trong đó, Công ty Metran Vietnam (Công ty TNHH Metran Việt Nam) thành lập năm 2007, quy mô vốn góp là 100.000 USD, Tổng Giám đốc là ông Hoang Khoi Ngoc (Quốc tịch Mỹ, SN 1968). Hoạt động chính trong lĩnh vực xuất bản phần mềm (chi tiết: lập trình và sản xuất phần mềm).

Công ty Me Tran Co (Công ty TNHH Mê Trần) thành lập 1 năm sau đó, quy mô vốn góp là 800 triệu đồng. Giám đốc của Me Tran Co là ông Dan Nitta (Quốc tịch Nhật Bản - SN 1980). Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế.

Ông Dan Nitta cũng là người đại diện của Metran Vitec (Công ty TNHH Metran Vitec). Metran cho biết công ty này có quy mô vốn góp 100.000 USD, thành lập vào tháng 12/2012, sản xuất và xuất khẩu các thiết bị, dụng cụ y tế, nước vô trùng cho các thiết bị y tế.

Năm 1984, Metran phát triển dòng máy Hummingbird và tham gia cuộc thi máy hô hấp nhân tạo do Sở Nghiên cứu Vệ sinh quốc lập Mỹ tổ chức và chiếm giải nhất. Công ty nhận đơn đặt hàng 85 máy.

Những năm sau đó, Metran phát triển thêm nhiều dòng máy hô hấp nhân tạo nhưng không cho biết cụ thể về số lượng máy đã bán được.

Chân dung đại gia Nguyễn Cao Trí “Capella Holdings”

Ở một diễn biến khác, ngày 1/4, truyền thông trong nước đưa tin cho biết Đại học Văn Lang và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã cam kết tài trợ 2.000 máy trợ thở để sử dụng trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona.

Theo đó, Hội Doanh nghiệp quận 1, TP.HCM đã chủ động làm việc với các nhà tài trợ là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam và được biết CTCP Metran (Metran) là một trong những công ty chuyên sản xuất máy hô hấp, máy thở có tiếng của Nhật Bản.

Qua trao đổi, Đại học Văn Lang (hiện do "đại gia" Nguyễn Cao Trí "Capella Holdings" làm Chủ tịch HĐQT) và Vạn Thịnh Phát muốn tài trợ toàn bộ kinh phí trang bị 2.000 máy trợ thở hiệu Humming Plus+, dòng máy trợ thở mới nhất được chế tạo đa năng đặc biệt thích hợp điều trị Covid-19 để tặng Chính phủ nhằm chia sẻ gánh nặng chống dịch.

Các nhà tài trợ đã thanh toán toàn bộ giá trị 2.000 bộ máy trợ thở cho công ty Metran. Nếu thuận lợi, dự kiến cuối tháng 5/2020, công ty Metran sẽ giao 2.000 bộ máy trợ thở này cho Việt Nam.

Theo khảo sát, máy trợ thở (có giá thành chỉ từ 10 đến 50 triệu đồng) rẻ hơn rất nhiều lần so với máy thở - thiết bị y tế quý và đặc biệt quan trọng cho việc chống dịch Covid-19, với giá thành dao động từ vài trăm triệu tới cả tỷ đồng/máy.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội ngày 1/4/2020 vừa qua, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố có số dân cư tương tự Vũ Hán, New York nhưng điều kiện cơ sở vật chất thua kém rất nhiều.

Hà Nội hiện có ổ dịch lớn nhất cả nước và mức độ nguy hiểm nhất nhưng toàn thành phố 8 triệu dân chỉ có 300 máy thở./.