PLA nửa đêm tố cáo tàu chiến Mỹ “xâm nhập”, Bộ trưởng Esper tuyên bố không nhượng bộ dù một tấc đất

VietTimes – Tình hình Biển Đông tiếp tục nóng lên với sự kiện tàu khu trục tên lửa Mỹ đi vào vùng biển Hoàng Sa gần nơi Trung Quốc đang tập trận và bị Hải quân Trung Quốc xua đuổi.
Tàu USS DDG-89 Mustin đi vào vùng biển Hoàng Sa ngày 27/8. (Ảnh: .nanhai.org).
Tàu USS DDG-89 Mustin đi vào vùng biển Hoàng Sa ngày 27/8. (Ảnh: .nanhai.org).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 28/8, tài khoản Weibo chính thức của Chiến khu Miền Nam PLA lúc 0h00 giờ Bắc Kinh ngày 28/8 đã đưa tin: vào ngày 27/8, Lý Hoa Mẫn, người phát ngôn của Chiến khu Miền Nam thông báo chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS DDG-89 Mustin của Mỹ “đã xâm nhập lãnh hải Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm giữ trái phép từ tay quân đội Sài Gòn trước đây); gọi đây là “hành động không được phép”. Lý Hoa Mẫn nói, Chiến khu Miền Nam PLA “đã tổ chức lực lượng hải quân và không quân để theo dõi và giám sát, xác minh và nhận dạng họ, đồng thời cảnh cáo xua đuổi”.

Lý Hoa Mẫn cho rằng phía Mỹ đã phớt lờ các quy tắc của luật pháp quốc tế, liên tục khiêu khích gây rối ở Biển Đông và “nhân danh ‘tự do hàng hải’ thực hiện bá quyền hàng hải, gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời phá hoại nghiêm trọng trật tự hàng hải quốc tế” ở Biển Đông.

Bản tin về hoạt động của tàu khu trục Mỹ Mustin được weibo của Chiến khu Miền Nam PLA đưa lên lúc 0h00 ngày 28/8 (Ảnh: .nanhai.org).
Bản tin về hoạt động của tàu khu trục Mỹ Mustin được weibo của Chiến khu Miền Nam PLA đưa lên lúc 0h00 ngày 28/8 (Ảnh: .nanhai.org).

Lý Hoa Mẫn nói, Trung Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt ngay các hành động khiêu khích, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quân sự của hải quân và không quân, quản chế nghiêm ngặt hành vi của lực lượng hải quân và không quân ở tuyến trước để tránh xảy ra sự cố bất trắc. Ông ta lặp lại luận điệu cũ rích: “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở Nam Hải (Biển Đông) và vùng biển lân cận”, “quân đội Chiến khu miền Nam luôn duy trì cảnh giác cao độ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, kiên quyết duy trì hòa bình, ổn định khu vực”.

Đa Chiều cho biết, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Mustine đã đi vào vào vùng biển Hoàng Sa ngày 27/8, sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Ralph Johnson đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh các đá Châu Viên và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14/7, cách một tháng rưỡi.

Đây là lần thứ 7 tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển gần các đảo, bãi đá trên Biển Đông trong năm 2020, đồng thời cũng là lần thứ hai tàu Mustin đi vào vùng biển Hoàng Sa trong năm 2020. Lần gần đây nhất là vào ngày 28/5.

Cũng theo Đa Chiều, theo tin của Trung tâm tư vấn "Nhận thức tình hình chiến lược Biển Đông" (SCSPI) của Trung Quốc, ngày 27/8, một máy bay tuần tra chống ngầm P-8A (kí hiệu AE67E5) của Hải quân Mỹ đã bay vào Biển Đông để thực hiện các hoạt động do thám. Một máy bay trinh sát điện tử RC-135W (kí hiệu AE01CE) của Không quân Mỹ đã bay từ Alaska chuyển trường đến Okinawa, dự kiến sẽ tới Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.

Đa Chiều nhận xét, tình hình Biển Đông liên tục nóng lên trong thời gian gần đây, Mỹ đã điều hai tàu sân bay đến Biển Đông diễn tập, còn cho nhiều máy bay thường xuyên áp sát Trung Quốc để do thám. Phía quân đội Trung Quốc đã phóng thử nghiệm nhiều tên lửa vào ngày 26/8.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper: Mỹ quyết không nhượng bộ Trung Quốc, dù một tấc đất (Ảnh: AP).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  Mark Esper: Mỹ quyết không nhượng bộ Trung Quốc, dù một tấc đất (Ảnh: AP).

Tờ SCMP (Bưu điện Hoa nam Buổi sáng) của Hồng Kông ngày 26/8 đưa tin, một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc tiết lộ rằng PLA đã phóng hai tên lửa xuống Biển Đông vào sáng ngày 26, trong đó có một tên lửa “sát thủ tàu sân bay”, nhằm đưa ra lời cảnh báo rõ ràng với Mỹ.

Ngày 26/8, Bộ Thương mại Mỹ đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì tham gia hoạt động quân sự hóa Biển Đông; cùng ngày Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế thị thực đối với 12 cá nhân người Trung Quốc chịu trách nhiệm hoặc tham gia vào hoạt động cải tạo, xây dựng hoặc quân sự hóa Biển Đông.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng  Mỹ Mark Esper đã nghiêm khắc cảnh cáo Trung Quốc “Mỹ quyết không nhượng bộ, dù một tấc đất”.

Theo VOA tiếng Trung ngày 27/8, khi phát biểu ở Hawaii, ông Esper, dù không nêu tên, đã cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ có trách nhiệm chủ đạo các vấn đề Thái Bình Dương và sẽ “không nhường một tấc đất” cho các nước khác cho rằng họ có hệ thống chính trị tốt hơn.

Ông Esper nói hôm thứ Tư (26/8) rằng Mỹ hy vọng cùng với Trung Quốc tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, dù cho Bắc Kinh nhiều lần nuốt lời cam kết  và theo đuổi hiện đại hóa quân sự, chèn ép nước khác.

Ông Esper chỉ ra rằng, Trung Quốc đã không thực hiện các lời hứa của mình, không tuân thủ luật pháp quốc tế, các quy tắc và các chuẩn mực quốc tế, và cố gắng đưa quyền lực của mình ra toàn cầu.

Ông nói: “PLA tiếp tục thực hiện kế hoạch hiện đại hóa tấn công nhằm thúc đẩy các mục tiêu của ĐCS Trung Quốc - xây dựng một lực lượng quân sự đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ này”. Ông cho rằng “điều này chắc chắn sẽ khiến PLA đều có những hành động khiêu khích ở Biển Đông, biển Hoa Đông, cũng như bất kỳ nơi nào khác mà chính phủ Trung Quốc cho là lợi ích của họ đang bị đe dọa”.

Ông Esper nói: “Mặc dù mục đích của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc, nhưng  cũng hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để đưa họ trở lại quỹ đạo trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc”.

Ông Esper cho rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là trung tâm của cuộc cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc, Trung Quốc và Nga hiện đều có ảnh hưởng toàn cầu, Mỹ cần phải có khả năng đối phó với hai quốc gia này trên quy mô toàn cầu.

Ông nói: “Mỹ có trách nhiệm phát huy vai trò chủ đạo. Trong một thời gian dài tới nay, chúng ta luôn là một quốc gia Thái Bình Dương và một quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương."

Ông nói: “Chúng ta sẽ không nhường khu vực này cho bất kỳ quốc gia nào, dù chỉ một tấc đất, bất chấp quan điểm của quốc gia đó cho rằng về mô hình chính phủ, khái niệm nhân quyền, chủ quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo và tự do hội họp, họ tốt hơn nhiều so với các quốc gia của chúng ta”.

Bài báo viết, Washington và Bắc Kinh đang đối đầu gay gắt về hầu hết các vấn đề, từ thương mại đến nhân quyền, từ thể chế quốc gia đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Lần đầu tiên trong 6 năm qua,Mỹ cho hai nhóm tác chiến tàu sân bay vào tập trận chung trên Biển Đông (Ảnh: Twitter@USPacificFleet).
Lần đầu tiên trong 6 năm qua,Mỹ cho hai nhóm tác chiến tàu sân bay vào tập trận chung trên Biển Đông (Ảnh: Twitter@USPacificFleet).

Ngô Khiêm, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (27/8) rằng “Trung Quốc sẽ không khiêu vũ với Mỹ, cũng như sẽ không cho phép Mỹ kéo đến”.

Ngô Khiêm nói rằng các cuộc tập trận do quân đội Trung Quốc tiến hành không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Vào lúc mối quan hệ Mỹ-Trung đang đối mặt với một "tình huống cực kỳ nghiêm trọng và phức tạp", Ngô Khiêm nói, "điều rất quan trọng đối với quân đội Trung Quốc và Mỹ là duy trì liên lạc”.

Trong khoảng một tháng qua tính đến tuần này, quân đội Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Hoàng Hải, Bột Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông.

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26/8 cáo buộc một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ đã đi vào khu vực Chiến khu Miền Bắc của PLA thiết lập vùng cấm bay để tập trận bắn đạn thật và "can thiệp nghiêm trọng vào các hoạt động tập trận bình thường của Trung Quốc". Quân đội Mỹ trả lời rằng đúng là có máy bay trinh sát U-2 bay trong khu vực này, nhưng cho rằng máy bay này không vi phạm bất kỳ quy tắc và quy định quốc tế nào.

Xem ra cuộc chiến truyền thông giữa hai bên nhằm tranh thủ dư luận còn diễn ra dài dài và ngày càng gay gắt,