|
Tàu chở hàng Ursa Major của Nga. Ảnh: Business Insider. |
Có 14 thành viên phi thuỷ thủ đoàn đã được cứu, nhưng 2 người mất tích, đơn vị xử lý tình huống và khủng hoảng của Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một bài đăng trên Telegram. Bộ này cho biết tàu Ursa Major thuộc sở hữu của SK-YUG LLC, một công ty vận tải biển của Nga còn được gọi là SC South đã bị Mỹ trừng phạt.
Cơ quan Cứu hộ Hàng hải Tây Ban Nha nói với tờ Insider rằng họ đã nhận được cuộc gọi cảnh báo gặp nạn từ Ursa Major trong đêm 23/12.
Họ cho biết con tàu ở vị trí cách bờ biển Almeria ở miền Nam Tây Ban Nha 57 hải lý trong điều kiện thời tiết xấu. Điều này đã thúc đẩy các trung tâm cứu hộ hàng hải của Almeria, Cartagena và Madrid phối hợp nỗ lực cứu hộ.
Cơ quan này cho biết 14 người được giải cứu đã được chuyển đến thành phố cảng Cartagena của Tây Ban Nha và cho biết thêm rằng một tàu khác của Nga sau đó đã đến khu vực này và đảm nhận các hoạt động cứu hộ.
Dữ liệu theo dõi tàu cho biết tàu Ursa Major dài 466 ft (142 m), được đóng năm 2009, khởi hành lần gần đây nhất từ thành phố St. Petersburg, Nga vào ngày 11/12.
Thông tin này xuất hiện sau khi cơ quan tình báo Ukraine (GUR) hôm đầu tuần này báo cáo rằng một tàu chở hàng của Nga có tên Sparta đã gặp nạn gần Bồ Đào Nha do động cơ bị hỏng. GUR cho biết con tàu này được Nga cử đi để sơ tán vũ khí và thiết bị của họ khỏi Syria. GUR cho biết thủy thủ đoàn đã sửa chữa được con tàu và nó tiếp tục đi qua eo biển Gibraltar.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Sparta và Ursa Major có phải là cùng một con tàu hay không. Dữ liệu theo dõi hàng hải cho thấy Ursa Major trước đây được đặt tên là Sparta III.
Moscow vận hành hai cơ sở quân sự ở Syria là căn cứ không quân Hmeimin và căn cứ hải quân Tartus. Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tầm ảnh hưởng của Nga trên khắp Trung Đông và châu Phi.
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad hồi đầu tháng này đã đặt ra câu hỏi về tương lai của các căn cứ này. GUR của Ukraine hồi đầu tháng cho biết Nga đã triển khai 4 tàu để giúp sơ tán thiết bị ở Syria, bao gồm các tàu có tên Sparta và Sparta II.