Phụ nữ hãy tự do làm mẹ của những đứa trẻ không “vừa khuôn”

Thu Hà
Thu Hà

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Thời của Cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ tới lúc con cái chúng ta cạnh tranh trực tiếp với robot, người máy, trí tuệ nhân tạo. Vậy mà vẫn còn rất nhiều những ba mẹ đau khổ vì những đứa con (may mắn) có tư duy độc lập và không thể “vừa khuôn”.

Không đứa con nào hạnh phúc bên bà mẹ bất hạnh

Tôi là một bà mẹ, cũng như hàng triệu bà mẹ khác, tôi luôn mong muốn dành những thứ tốt nhất cho con mình.

Ngày xưa, tôi sẵn sàng đi chợ thật sớm, tìm mua cho được khúc cá ngon nhất, lùng sục trên mạng cả buổi để kiếm những loại sữa, sữa chua, váng sữa tốt nhất, sẵn sàng làm những bữa ăn công phu cho Xu Sim. Tôi cũng không quản khó khăn để tìm trường tốt, lớp tốt cho con học.

Bạn bè tôi cũng nhiều người như thế. Bao quanh bé là những đồ dùng tốt nhất, còn ba mẹ thì sao cũng đươc.

Có Giám đốc nhãn hàng nói với tôi: hàng dành cho trẻ em nâng giá lên thì có nhiều người mua hơn. Bởi vì ba mẹ luôn chỉ muốn dành cho con những thứ tốt nhất, đắt tiền nhất.

Vài năm gần đây Sài Gòn và Hà Nội còn mở ra nhiều những học viện, những khóa học giáo dục sớm từ 0 tuổi, học phí mỗi buổi học hơn 1 tiếng cho mẹ và con lên tới cả triệu đồng.

Các chương trình, các phương pháp dạy trẻ nở rộ. Cái nào cũng được khẳng định là rất tốt hoặc tốt nhất. Các sách dạy con theo kiểu Nhật, kiểu Do Thái, kiểu Pháp, kiểu Mỹ… bán rất chạy, làm các bà mẹ xoay như chong chóng. Không biết đường nào mà lần nữa!

Nhưng... Có thật là chúng ta cần điều đó không?

Chúng ta luôn cố giành lấy thật nhiều, cố kiểm soát mọi thứ. Và càng cố thì càng tuyệt vọng. Không thể nào kiểm soát tất cả mọi thứ được, vì cuộc sống vốn là như vậy, đầy bất ngờ, đầy những thử thách, và thậm chí đầy bất công. Con chúng ta sẽ phải liên tục ngã, đứng dậy, thất bại, thất vọng, rồi lại hy vọng và đi tiếp.

Tôi tin rằng mình càng bao bọc, con càng yếu đuối, càng vụng dại. Khi tôi càng cầu toàn, con càng bị áp lực. Và có một điều chắc chắn: không có đứa con nào hạnh phúc bên một bà mẹ bất hạnh.

“Bạn không thể cho ai cái mà bạn không có!”. Chỉ khi chính bản thân tôi cảm thấy tự do và hạnh phúc thì tôi mới có thể mang tự do và hạnh phúc tới cho con mình!

Do tính chất công việc thời đại, các nhà tuyển dụng chú trọng hơn vào những kỹ năng mềm
Do tính chất công việc thời đại, các nhà tuyển dụng chú trọng hơn vào những kỹ năng mềm

Tự tin làm mẹ của những đứa trẻ ngỗ nghịch  

Tôi vừa được nghe về nghệ sỹ múa Gillian Lynne. Hồi tiểu học, cô bé Gillian hay chán học, làm phiền bạn bè, bài tập về nhà luôn nộp muộn. Hiệu trưởng nói: “Chúng tôi nghĩ Gillian bị rối loạn học tập”.

Mẹ đưa cô bé tới gặp một bác sĩ. Cô bé nhấp nhổm suốt 20 phút trong khi vị bác sĩ nói chuyện với mẹ. Sau đó, vị bác sĩ nói: "Gillian, cháu nghe nhạc và ngồi đợi trong phòng này nha, bác cần nói chuyện riêng với mẹ cháu". Ông bác sĩ bật chiếc đài đặt trên bàn của ông ấy, rồi ra khỏi phòng, đóng cửa lại. Ông cho bà mẹ nhìn qua khe cửa: "Hãy xem con bé." Trong phòng, cô bé đã đứng dậy, linh hoạt và vui vẻ di chuyển theo nhạc.

Ông bác sỹ nói: “Gillian không bị bệnh gì hết. Hãy để cô bé học trường múa”.

Gillian nói: “Tôi không thể diễn tả điều tuyệt vời đó. Tôi được tới một trường toàn những người như tôi. Những người không thể ngồi yên. Những người phải di chuyển để suy nghĩ”. Cô ấy tốt nghiệp xuất sắc trường Ba-lê hoàng gia Anh và thành lập công ty Gillian Lynne Dance, sản xuất những vở nhạc kịch thành công nhất trong lịch sử, cô ấy đã đem lại niềm vui cho hàng triệu người, và bản thân cô là một triệu phú.

Trong khi suýt nữa thì giáo viên khác đã có thể bắt cô ấy điều trị bệnh.

Ngày hội việc làm
Ngày hội việc làm

Tôi được nghe một câu chuyện khác, cũng tràn đầy cảm hứng, về cô gái trẻ Isabella Springmuhl 19 tuổi người Guatemala. Suốt thời niên thiếu cô đã bị dè bỉu, phân biệt đối xử “sẽ không thể học được” do cô bị mắc hội chứng down bẩm sinh. Nhưng giờ đây cô đã trở thành người thiết kế thời trang được mời tham gia Tuần lễ thời trang London danh giá và được lọt vào Danh sách 100 phụ nữ có sức ảnh hưởng của đài BBC.

Làm báo, tôi có cơ hội làm việc cùng nhiều bạn trẻ, nếu theo đánh giá thông thường, thì là “thành phần” ngỗ nghịch, không thể thành công. Nhưng rút cục, họ đều thành công theo cách mà họ muốn, vượt ra ngoài định kiến và khuôn khổ mà “người ta” kỳ vọng về sự thành công.

Ví dụ như em Xuân Lan, ko giỏi vượt trội trong Lý, Hóa và các môn thuộc lòng, nhưng rất mê vẽ, cảm thụ cái đẹp rất tốt. Suốt cấp 2 ép hoài “ko vào khuôn”, sang cấp 3, mẹ em cho phép được “học lệch”, thế là em được thỏa chí học ngành Thiết kế ở RMIT. Ra trường em đã có ngay việc làm rất tốt, và chỉ 3 năm sau là mở công ty quảng cáo thiết kế riêng, vừa thỏa chí sáng tạo, vừa có sự nghiệp tốt.

Các mẹ khác thì sao? Có mẹ nào từng đau đầu vì hồi đi học con hay bị làm kiểm điểm vì mặc sai đồng phục, con học thông minh mà thường bị hạnh kiểm kém vì hết phạm nội quy về quần áo lại tới tóc tai, rồi nghe nhạc trong giờ học, rồi tội vẽ linh tinh vào sách và bài kiểm tra, phải lên gặp hiệu trưởng miết.

Có ba mẹ nào đang “đau đầu” vì những đứa con không chịu theo nghề ba mẹ muốn, mà muốn đeo đuổi những ngành sáng tạo, muốn được thử sức mình ở những lĩnh vực (được coi là) khác thường?

Trường học vẫn thường đánh giá cao những môn văn và toán, nhưng ba mẹ ạ, đừng tuyệt vọng nếu con là đứa trẻ mộng mơ, tò mò, nhạy cảm, thậm chí hơi “điên rồ”.

Cách mạng công nghiệp 4.0, rồi 5.0 sẽ tới, và sẽ tới lúc con cái chúng ta sẽ bị cạnh tranh trực tiếp bởi robot, người máy, trí tuệ nhân tạo. Những “knowledge workers” cũng sẽ không còn độc tôn nữa, nhường chỗ cho sự lên ngôi của “smart creatives” – những người sáng tạo, thay đổi và đột phá.

Ngay lúc này, nhu cầu nhân lực thiết kế đủ điều kiện năng lực tại Việt Nam hiện đang vượt xa nguồn cung. Theo thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, chỉ riêng ngành thiết kế đồ họa thôi mà mỗi năm Việt Nam cần hơn 1.000.000 nhân lực. Chỉ cần gõ từ khóa “Việc làm ngành thiết kế đồ họa” trên google, chưa đầy 0,46s, có tới 8,900,000 kết quả được tìm thấy. Tuy nhiên các cơ sở đào tạo hiện chỉ mới “cung” được 40% nhu cầu nhân lực cho ngành này.
Thiết kế đồ họa, Truyền thông đa phương tiện & hình ảnh động, Thiết kế và tạo hình 3D, Vẽ minh họa và hình ảnh kỹ thuật số, Thiết kế thực tế ảo/tăng cường… đang là những ngành được săn tìm ráo riết trên thị trường lao động.

Hãy tự do hơn trong tư duy. Nếu muốn đồng hành cùng con trên con đường sự nghiệp sáng tạo, cha mẹ hãy cùng con tới dự những những ngày hội thông tin, các sự kiện hướng nghiệp để cập nhật những thông tin về ngành nghề trong 5-10 năm tới.

Có rất nhiều ngày hội như thế. Các mẹ có thể cùng con tham khảo. Hãy giúp con định hướng đúng và dám đi theo giấc mơ của mình, mẹ nhé. Một đứa trẻ “không vừa khuôn”, cũng như một bài toán khó. Khó, nhưng nếu giải được sẽ có hạnh phúc tuyệt vời!