Phó tổng giám đốc NAPAS: Thanh toán điện tử đã đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống

Nói về thanh toán thông minh, lãnh đạo NAPAS hiện đã sẵn sàng về hạ tầng cũng như kinh nghiệm triển khai trong nước và thế giới.

Gần 90% người đi ô tô không dùng tiền mặt thanh toán dịch vụ dừng đỗ

Tại Hội thảo "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông” chiều 30/9, bà Trương Kiều Anh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Sở GTVT Hà Nội, cho biết thanh toán điện tử là một trong những chức năng hệ thống điều hành của giao thông thông minh. Hiện nay, Sở GTVT thành phố đang trình thành phố đề án về giao thông thông minh và chia thành 3 giai đoạn phát triển từ 2024-2026; 2027-2029 và từ 2030 trở đi..

Bà Trương Kiều Anh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Sở GTVT Hà Nội. (Ảnh: Tạ Hải)

Cụ thể, giai đoạn 1 có 9 chức năng, trong đó có thanh toán điện tử. Ngoài ra, thanh toán điện tử còn có cả trong việc quản lý các điểm đỗ xe, cùng các dịch vụ khác có thanh toán điện tử.

Bà Kiều Anh cho hay, trong thời gian Sở GTVT Hà Nội thí điểm thu phí dịch vụ đỗ xe không dùng tiền mặt, thẻ vé điện tử GTCC, tỉ lệ sử dụng hai loại hình này rất cao.

Với hệ thống thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe, theo kết quả sơ kết 8 tháng, tỉ lệ sử dụng thanh toán không tiền mặt 88-89% đối với ô tô còn xe máy là 85%.

"Đây là những con số rõ ràng cho thấy người dân ủng hộ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, tiếp tục hoàn thiện để đem lại sự tiện ích cho người dân và cơ quan quản lý. Ngoài ra, cũng cần hành lang pháp lý để triển khai chính thức.

Còn với thẻ vé điện tử, tỉ lệ người dân sử dụng thanh toán online là 85% đối với 25 tuyến thí điểm", bà Kiều Anh thông tin.

Đứng trên góc độ người dùng, bà Kiều Anh cho rằng, ai cũng mong muốn một sản phẩm ngon - bổ - rẻ; công nghệ mới nhất và hiện đại nhất nhưng phải ổn định.

Qua thời gian thí điểm, có thể thấy tính ổn định rất quan trọng, chỉ cần một trục trặc là có thể ảnh hưởng tới khả năng thu hút, khuyến khích người dân. Người dân đang bắt đầu quen mà dịch vụ không thuận lợi thì rất khó có thể thu hút họ sử dụng lâu dài.

Bên cạnh phải có giải pháp công nghệ phải thân thiện, ổn định, cần đảm bảo bảo mật, khả năng chia sẻ với các cơ quan quản lý của thành phố, cơ quan chuyên ngành riêng.

Tham gia góp ý kiến tại Hội thảo, đại biểu Lê Minh Quốc cũng cho rằng, để đơn giản và thuận tiện cho người dân, không cần thiết phải tách bạch các tài khoản riêng, mà có thể gộp chung các tài khoản thanh toán như đưa về thanh toán qua ngân hàng. Đối với người dân, điều quan trọng là dịch vụ "ngon - bổ - rẻ" và làm sao cần tinh gọn việc thanh toán mà vẫn đảm bảo an ninh, vừa đảm bảo kinh tế.

Thanh toán điện tử đã đi vào mọi ngõ ngách

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho biết hiện nay, hạ tầng thanh toán bán lẻ của ngành ngân hàng có độ phủ sóng cao với số lượng thẻ ngân hàng cả quốc tế, nội địa đã gấp 1,5 lần so với tổng dân số Việt Nam.

Theo ông Long, thực tế hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán ngân hàng đã lan tỏa vào mọi ngõ ngách cuộc sống, từ trả tiền cốc cà phê tới mớ rau ngoài chợ bằng thẻ... tất cả các nền tảng đã có sự liên thông. Toàn bộ công nghệ cung cấp cho người dân hiện nay sử dụng có thể sử dụng trên nền tảng hạ tầng giao thông công cộng cũng như kết nối với các tài khoản trong giao thông. NAPAS hiện đã sẵn sàng về hạ tầng cũng như kinh nghiệm triển khai trong nước và thế giới.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Huy)

Ông Long dẫn chứng ở Việt Nam, NAPAS đã có kinh nghiệm triển khai kết nối liên thông với một số đơn vị giao thông như VETC, ví điện tử, thậm chí đơn vị đã hoàn thành kết nối cho Cổng thanh toán Dịch vụ công Quốc gia, kết nối với đơn vị vận hành VNeID, cơ sở dữ liệu dân cư của Việt Nam.

"Hiện nay, trên app VNeID, người dân có thể thực hiện thanh toán bằng tài khoản, thẻ thông qua kết nối với NAPAS, từng tài khoản ngân hàng thanh toán cho những dịch vụ công cung cấp trên VNeID", ông Long nói.

Chia sẻ về chi phí sử dụng dịch vụ của NAPAS, ông Long cho hay, chi phí hiện nay chủ yếu cần sự phối hợp của ngân hàng. NAPAS thực hiện theo quy định của nhà nước nên phí sẽ không quá cao.

Ông Long cho rằng, thời gian tới, để đưa Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ (có hiệu lực từ hôm nay 1/10) vào cuộc sống, ngoài sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Bộ GTVT, các cơ quan liên quan cũng cần ngồi với nhau để xem hệ thống tài khoản giao thông vận hành theo phương thức như thế nào? quy chuẩn ra sao? chi phí vận hành như nào? có cần thêm kết nối mới giữa đơn vị cung cấp như NAPAS, VISA sang hệ thống thanh toán mới không? Từ đó có thể dùng phương tiện thanh toán ngân hàng và tài khoản giao thông.

Ứng dụng công nghệ, nâng cấp hạ tầng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Về phía ngân hàng, chia sẻ tại Hội thảo về giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thành khuôn khổ pháp lý cũng như phát triển hạ tầng, dịch vụ. Trong đó triển khai hiệu quả Nghị định 52; các thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng (TCTD); xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau khi được ban hành).

Ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Huy)

Về phát triển hạ tầng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH); tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số; đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật…

Theo ông Trung Anh, đối với phát triển dịch dịch vụ, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp lần 4, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa; đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile: QR Code, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán không tiếp xúc (contactless), ví điện tử…

Hiện Ngân hàng Nhà nước khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng với công nghệ tài chính (fintech); phát triển thanh toán điện tử trong lĩnh vực công; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực vùng sâu, vùng xa; phát triển dịch vụ thẻ, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về Thanh toán điện tử giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Đây là bước tiến mới trong thanh toán giao thông đường bộ.