|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị và triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2020. Ảnh: Lê Minh Sơn. |
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ khai mạc Hội nghị và triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2020 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến - vừa diễn ra chiều tối nay (20/10). Đây là sự kiện toàn cầu do Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) và Việt Nam đồng tổ chức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chuyển đổi số đã dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, gắn với đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh.
Phó Thủ tướng nhận định, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, hơn 30 năm qua Việt Nam đã duy trì được môi trường ổn định, hợp tác, phát triển và tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm ít nước cao nhất thế giới. Trong nỗ lực và kết quả đó có sự góp phần quan trọng - nhiều thời điểm có tính mở đường - của ngành viễn thông và công nghệ thông tin.
"Xác định sự cần thiết thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ con người, để không ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một Chương trình chuyển đổi số quốc gia với những mục tiêu, giải pháp cụ thể" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị các nước thành viên ITU cần thúc đẩy việc xây dựng các chuẩn mở cho công nghệ mạng 5G, tạo cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, giảm chi phí xây dựng mạng lưới; thảo luận tìm sự thống nhất xây dựng công ước quốc tế, hoặc thỏa thuận quốc tế về không gian mạng để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở bảo đảm an toàn an ninh mạng, bảo đảm chủ quyền các quốc gia, quyền và lợi ích công dân trên không gian mạng.
Khẳng định cam kết của Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên đóng góp và xây dựng ITU hoạt động ngày càng hiệu quả, hoàn thành sứ mệnh cao cả của Liên minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng Hội nghị sẽ thành công và sẽ đưa ra nhiều sáng kiến cùng các khuyến nghị để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trên toàn cầu, hướng tới tương lai tương sáng, tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân trên thế giới.
Nền tảng số Make in Vietnam đã sẵn sàng cho một Việt Nam số
Cũng tại Lễ khai mạc trực tuyến với sự tham gia của nhiều bộ trưởng các nước thành viên ITU, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các chuyên gia hành đầu về ICT và kinh tế số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định hạ tầng số với các sản phẩm và nền tảng số “Make in Vietnam” đã sẵn sàng cho kinh tế số và xã hội số, sẵn sàng cho một Việt Nam số.
"Công nghệ Việt không chỉ giải các bài toán Việt Nam mà còn góp phần giải các bài toán toàn cầu" - ông khẳng định.
Theo ông, các nền tảng cho Triển lãm trực tuyến lần này và các giải pháp công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19, như Bluezone, Ncovi là những minh chứng cụ thể. Việt Nam đang hội tụ các điều kiện để trở thành một đất nước công nghệ, dùng công nghệ làm động lực phát triển đất nước, dùng công nghệ để đồng hành với các nước, hợp tác toàn cầu, và cùng nhau xây dựng một thế giới số.
"Bất kỳ thách thức nào cũng tạo ra cơ hội. Thách thức lớn luôn đi với cơ hội lớn. Covid-19 là thách thức lớn, rất lớn đối với nhân loại, là thách thức trăm năm một lần. Chủ đề của Triển lãm Thế giới số năm nay là: Các quốc gia, các doanh nghiệp công nghệ số thế giới cùng chung tay vượt qua thách thức đại dịch, cũng như tận dụng các cơ hội mà nó mang lại, bằng các công nghệ số (...).
Các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ số thế giới đã chung tay xây dựng nhiều nền tảng số để hỗ trợ triển lãm trực tuyến, hỗ trợ hội thảo trực tuyến. Trong một thời gian rất ngắn, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để chúng ta hôm nay ấn nút khai chương Triển lãm Thế giới số theo hình thức trực tuyến" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Triển lãm Thế giới số 2020 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến, một triển lãm đặc biệt qua không gian ảo. Đây được xem là điểm nhấn quan trọng của ITU Digital World 2020, bao gồm các gian hàng quốc gia giới thiệu về thành tựu chuyển đổi số của các quốc gia và các gian hàng trực tuyến 2D hoặc 3D (Virtual booth) giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của tổ chức, doanh nghiệp từ các nước.
Đặc biệt, các gian hàng 3D được mô phỏng theo thiết kế thực mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo, mới lạ cho người dùng. Khách tham quan có thể di chuyển và khám phá tư liệu hiện vật trong không gian 3D đặc trưng; tương tác phóng to/thu nhỏ với nội dung thông tin, hiện vật 3D của gian hàng hay trải nghiệm hệ thống sơ đồ tham quan, thuyết minh tự động tương ứng với từng khu vực của không gian trưng bày. Nền tảng triển lãm trực tuyến cũng cho phép các doanh nghiệp tương tác trực tiếp với khách tham quan, thông qua bảng khảo sát về mức độ quan tâm đối với sản phẩm, dịch vụ.
Việc tham quan gian hàng 3D sẽ được hỗ trợ bởi nhiều tính năng công nghệ 3D hiện đại cùng hình ảnh và video trực quan, giúp quá trình truy cập, tìm kiếm thông tin trở nên sống động. Đây là trải nghiệm mới đối với người dùng. Khách thăm quan có thể sử dụng máy tính bảng, điện thoại di động, và cả các thiết bị công nghệ mới như kính thực tế ảo (AR/VR).