Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bị giả mạo phát ngôn chỉ đạo chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) phát hiện nhiều tài khoản Facebook cá nhân phát tán nội dung giả mạo liên quan phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tin giả được nhiều tài khoản chia sẻ trên MXH. Ảnh: VAFC
Tin giả được nhiều tài khoản chia sẻ trên MXH. Ảnh: VAFC

Theo thông tin được Trung tâm vừa phát đi hôm nay (6/8), bài viết giả mạo này có nội dung: “… Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ: Xem tất cả bạn bè, người thân, người ta phải tiếp xúc, như là người nhiễm dịch. Có như thế chúng ta mới quyết liệt chống dịch được. Chúng ta đừng sợ mất lòng nhau! …”.

Qua xác minh, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) khẳng định, nội dung thông tin trên là giả mạo, xuyên tạc phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Bài viết có nội dung này đã xuất hiện từ cuối tháng 3/2020, giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên và đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, khi các cấp ngành, địa phương đang quyết liệt phòng, chống dịch.

Những bài viết chia sẻ thông tin mạo danh này nhanh chóng thu hút và nhận được hàng nghìn lượt bình luận, hàng nghìn lượt chia sẻ từ cộng đồng mạng. Người xem ban đầu sẽ lầm tưởng, cho rằng thông tin này là tích cực, hữu ích, góp phần cảnh báo cho người thân, bạn bè và người dùng mạng xã hội về sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 và có biện pháp phòng ngừa như thông tin đăng tải.

Tuy nhiên, với nội dung giả mạo này, mặc dù nhìn bên ngoài là tích cực nhưng ẩn ý bên trong có thể gây hiểu lầm về chủ trương phòng, chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Khi gặp phải những thông tin này, người dân cần liên hệ với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, gỡ bỏ.

Trước đó, Sở TT&TT Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với sáu chủ tài khoản Facebook đã có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Sở TT&TT Hà Nội đã xử phạt mỗi cá nhân 12,5 triệu đồng và phải gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Được biết, ngày 23/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc thực hiện Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong văn bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thống tin cho báo chí… đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc.

Cùng với đó, các cấp, các ngành thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng về công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Thông tin và Truyền thông để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Về lâu dài, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch COVID-19 cho nhân dân.

Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức cần thiết người dân sẽ bình tĩnh, không nhẹ dạ, cả tin, hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Mặt khác, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục giúp cho người dân am hiểu hơn về pháp luật, nắm rõ về các chế tài xử lý đối với hành vi tung tin giả, tin thất thiệt và những biểu hiện lơ là, chủ quan, thực hiện không nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19… để tự giác chấp hành.