Phó chủ tịch "cưỡi" siêu xe biển xanh: Bộ Công thương đã phớt lệnh Thủ tướng?

Liên quan đến Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đi xe Lexus biển xanh và “di sản” để lại, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng bà mong rằng việc này sẽ được làm tới nơi tới chốn, về quy trình bổ nhiệm, trách nhiệm của Bộ Công thương..
Chiếc xe Lexus biển xanh của Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang gây xôm xao dư luận
Chiếc xe Lexus biển xanh của Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang gây xôm xao dư luận

Mấy ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến việc ông Trịnh Xuân Thanh - người đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang gắn biển xanh cho siêu xe Lexus.

Ông Thanh từng là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC). Dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh điều hành cũng là giai đoạn bết bát của công ty.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ, gây khó khăn cho PVN của PVC.

Khi đó, ông Thanh vừa rời ghế Chủ tịch HĐQT PVC được vài tháng và được Bộ Công thương bổ nhiệm làm Trưởng đại diện văn phòng miền Trung của Bộ này ở Đà Nẵng vào tháng 7/2013, sau đó là Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng thuộc Bộ Công thương.

Và trong khi kết luận về trách nhiệm với vai trò người đứng đầu của PVC liên quan đến các khoản thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng cho đến tận giờ vẫn chưa được công bố công khai, thì từ tháng 5/2015, ông Thanh được luân chuyển về Hậu Giang và được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng nếu khu vực tư nhân để thất thoát tiền của như vậy thì một là doanh nghiệp sập tiệm, phá sản hoặc cá nhân có thể bị đi tù, truy trách nhiệm chứ không có chuyện không có một chút trách nhiệm nào. Trong trường hợp này, ông Thanh không những thoát trách nhiệm mà còn được bố trí vào những vị trí thuận lợi hơn.

Để một lãnh đạo như vậy về một Bộ lớn như Bộ Công Thương- phụ trách cả một khu vực kinh tế vô cùng lớn, có nhiều doanh nghiệp nhà nước, nắm giữ nhiều tài sản, tiền của cuả nhà nước và được làm Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng là điều vô cùng “chướng ách” - Chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định.

Phó chủ tịch "cưỡi" siêu xe biển xanh: Bộ Công thương đã phớt lệnh Thủ tướng? ảnh 1
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Không những thế, hầu hết những người đi luân chuyển là đều được coi là cơ cấu cán bộ nguồn, đào tạo cho vị trí tương lai quan trọng hơn.

“Nếu không phải vì vụ xe lexus thì ông có thể vào Trung ương hoặc lãnh đạo địa phương, bộ ngành nào đó. Tôi không thể tưởng tượng nổi có những chướng ách như vậy”, bà Lan bày tỏ.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, việc Tổng bí thư xem xét điều tra việc này là quyết định đúng đắn, kịp thời.

Bà mong rằng việc này sẽ được làm tới nơi tới chốn, đúng thực chất vấn đề, không phải chỉ câu chuyện chiếc xe lexus của tư dùng biển xanh mà phải xem quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh qua các chức vụ như thế nào? Bản thân ông Thanh đã làm thế nào để “chuồn” được, né tránh được lỗi của mình ở đơn vị cũ, không bị truy cứu, thoát khỏi yêu cầu của cựu Thủ tướng về việc xem xét kỷ luật rồi “ngon lành” từ kinh doanh lại chuyển sang làm chính trị.

“Nếu một đất nước mà dùng cán bộ kiểu đó thì sẽ đi tới đâu. Có lẽ những sai phạm của lãnh đạo doanh nghiệp như vậy góp phần làm nợ công lên tới đỉnh như hiện nay, gây ra lo lắng, bế tắc xử lý như thế nào với doanh nghiệp nhà nước- khối sử dụng quá nhiều tài sản công nhưng kém hiệu quả”, bà Lan nhấn mạnh.

Từ câu chuyện này bà cho rằng cần phải nhìn sang những vấn đề gốc rễ hơn, từ đó xử lý một cách nghiêm minh.

“Nếu trong dịp này Tổng bí thư có thể quyết định rà lại quá trình luân chuyển một số trường hợp khác nữa. Tôi đảm bảo ông Thanh không phải là trường hợp duy nhất. Trước đây chúng ta cũng thấy tổng giám đốc đơn vị nọ, đơn vị kia từ chỗ gây thua lỗ chuyển ngon lành sang cơ quan nhà nước khác. Ví dụ có vị bây giờ đang ở vị trí quốc hội, chỗ này chỗ khác đều có. Từ kinh doanh họ sang làm chính trị rất dễ dàng, bất chấp tất cả lỗi lầm, khiếm khuyết trong hoạt động kinh doanh”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Bà cho rằng, lâu nay dư luận vẫn bức xúc với nhiều trường hợp có sai phạm, có kỷ luật nhưng kỷ luật trong “nháy nháy” bằng cách chuyển sang vị trí khác, “đá” hất lên. Thậm chí vị trí mới còn có quyền lực chính trị cao hơn so với vị trí cũ, có ảnh hưởng lớn hơn trong xã hội.

Vì thế, nếu không không giải quyết đến nơi thì dễ thành tiền lệ. Những người có vi phạm sẽ dễ lọt qua mọi cửa và niềm tin người dân sẽ ngày càng thấp đi.

Bên cạnh đó, bà cho rằng trong câu chuyện này có cả trách nhiệm của Bộ Công thương vì đã “phớt lờ” lệnh của cựu Thủ tướng về việc xem xét trách nhiệm cá nhân liên quan đến các khoản thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng của PVC.

“Tôi thấy Bộ Công Thượng không những không xem xét, xử lý gì mà còn lót đường cho ông đi êm ả, trốn khỏi vị trí kinh doanh để sang vị trí chính trị. Từ đó có cơ sở đá hất lên những vị trí cao hơn trong hệ thống”, bà Lan nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, cần xem quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh và trách nhiệm của những người liên quan. Nếu ông Thanh có liên quan đến vụ thua lỗ hàng nghìn tỷ ở PVC thì phải để họ giải trình vì sao họ ký quyết định bổ nhiệm như vậy, liệu có sức ép nào, có sự gửi gắm nào, bằng cách nào để lọt như vậy, phải truy tới nơi.

Theo Infonet