Phim thực tế ảo về vụ lính Mỹ sát hại gái mại dâm Hàn Quốc đoạt giải

VietTimes -- Trong suốt 25 năm qua, nhà làm phim Gina Kim muốn làm một bộ phim dựa theo câu chuyện có thật về cô gái bán dâm người Hàn Quốc bị một lính Mỹ giết hại. Tuy nhiên, Kim luôn trăn trở với suy nghĩ: phải làm sao để không cảm thấy là cô đang khai thác nạn nhân. Thật may, thực tế ảo (VR) đã xuất hiện.
Gina Kim nhận giải thưởng cho phim VR xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Venice lần thứ 74 (tháng 9/2017). Ảnh AFP
Gina Kim nhận giải thưởng cho phim VR xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Venice lần thứ 74 (tháng 9/2017). Ảnh AFP

Thông qua nghệ thuật kể chuyện và nhờ sự trợ giúp của công nghệ, cuối cùng Kim cũng đưa được vụ giết người xảy ra năm 1992 lên màn ảnh trong bộ phim có tựa đề Bloodless (Không đổ máu) - một tác phẩm dài 12 phút được nhận giải thưởng trong hạn mục phim VR tại Liên hoan phim Venice năm nay. Nữ đạo diễn nói rằng, thực tế ảo đã tạo ra cách thức mới để diễn tả lại các thảm kịch mà không cần phải dựng cảnh thực.

"Nó cho phép bạn cảm nhận được nỗi đau của người khác như của chính mình" -  Kim nói. "VR không đơn thuần là phim ảnh. Đó là cái gì rất khác".

Năm 1992, Kim vào học đại học. Đó là thời điểm tại Hàn Quốc đang sôi sục vì vụ án liên quan đến một lính Mỹ và cô gái bán dâm ở thị trấn Dongducheon, cách thủ đô Seoul 40 km về phía bắc, nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ.

Những người biểu tình, trong đó có Kim, đã xuống đường, cố gắng làm rõ những điều kiện tồi tệ của những công nhân trong ngành công nghiệp tình dục và thúc giục chính phủ Hàn Quốc và Hoa Kỳ đưa tên tội phạm ra trước pháp luật.

Dù sao đi nữa, chính trong những cuộc biểu tình đó, Kim lần đầu tiên nhìn thấy những người có thiện chí rõ ràng có thể khai thác được chính nạn nhân mà họ đang cố gắng giúp đỡ.

Những người biểu tình cố gắng làm nổi bật vụ việc bằng cách in lên tờ rơi và áp phích một bức ảnh hiện trường bị rò rỉ từ nguồn của cảnh sát chụp cơ thể trần truồng của người phụ nữ 26 tuổi bị biến dạng một cách tàn bạo. Hình ảnh này đã làm bùng nổ dữ dội sự căm giận của người dân, cuối cùng dẫn đến việc tên lính bị đem ra xét xử và buộc tội sát nhân.

Mặc dù thế, Kim và một số người khác thì cảm thấy đau xót về chuyện bức ảnh được in ra cũng chính là một hình thức bạo lực đối với người phụ nữ và gia đình cô.

"Tôi cảm thấy cực kỳ đau buồn và kinh khủng về chuyện đó", Kim nhớ lại.

Chính những ấn tượng dày vò đó đã thúc đẩy nỗ lực của Kim trong nhiều năm trời để đưa câu chuyện lên màn ảnh.

"Tôi bắt tay vào việc và không ngừng tìm cách nào đó tốt hơn để kể câu chuyện với sự thể hiện đúng với những quy tắc đạo đức và thấy đó quả là việc quá khó khăn”, Kim nói, "Môi trường điện ảnh là một môi trường gợi tò mò và người xem muốn nhìn thấy những gì diễn ra trên màn hình phải đúng như trong thực tế vậy”.

Chỉ sau khi Kim được giới thiệu về thực tế ảo, cô mới có thể tìm ra cách để miêu tả cái chết.

"Điều mà tôi thực sự muốn cho người xem là không nhất thiết phải trải nghiệm sự kinh hoàng khi bị giết hoặc bị tấn công tình dục", Kim nói, "mà chỉ cần có mặt tại đó, ở bên cạnh cô ấy, có sự thông cảm và sự đồng cảm thực sự với cô ấy. Tôi nghĩ rằng, có thể làm được điều đó với phương tiện thực tế ảo".

Trong phim Bloodless, khán giả được đắm mình vào những con phố của Dongducheon và sự dơ dáy của một thị trấn do sự bùng nổ của nền kinh tế Hàn Quốc. Vào lúc cuối ngày, khi bóng tối vừa buông xuống, một người phụ nữ xuất hiện giữa các bảng hiệu đèn neon, thoạt đầu là tiếng gót giày của cô ta rồi dần dần di chuyển tới gần với người xem.

Qua những ngõ hẻm, cô đưa người xem đến câu lạc bộ, nơi cô gặp một lính Mỹ và cuối cùng đến một căn phòng nhỏ nơi cô được sống những khoảnh khắc cuối đời. Những lon Coke và bia vung vãi trên nền nhà màu vàng. Vài phút sau, máu rỉ ra từ dưới chăn.

aKhán giả Hàn Quốc đeo kính thực tế ảo xem phim Bloodless. Ảnh AP

Với công nghệ thực tế ảo, người xem đeo một thiết bị chuyên dụng và có thể xoay người 360 độ để xem những gì xung quanh họ. Các đạo diễn lúc này có rất ít quyền hạn trong việc chỉ đạo người xem nhìn theo những hướng nhất định. Do đó, các khán giả có thể có một trải nghiệm khác nhau với cùng một tác phẩm.

"Đó là vẻ đẹp của VR," Kim nói.

Bà Kim Sunah, Giám đốc Liên hoan phim Phụ nữ Quốc tế Seoul, cho biết Bloodless là một điều rất mới mẻ.

"Tôi không biết VR có thể được sử dụng như thế nào để kể một câu chuyện chưa được giải đáp về một nạn nhân" - bà nói - "Những bộ phim miêu tả bạo lực đối với phụ nữ có thể phơi bày bạo lực như trong thực tế, nhưng đồng thời nó có thể trở thành một hình thức bạo lực khác".

Bloodless là một chuyện khác theo nghĩa "người xem trở thành nạn nhân" - Giám đốc liên hoan cho biết.

Thành thực mà nói, công nghệ này cũng không phải đã hoàn hảo. Người xem  phàn nàn về cảm giác buồn nôn và chất lượng hình ảnh có thể thấp.

Kế hoạch tiếp theo của đạo diễn Kim là seri phim về nạn bạo lực xuyên quốc gia với những phụ nữ làm việc trong các nhà chứa tại các thị trấn có căn cứ quân sự.

Theo SCMP