Spotlight giành chiến thắng Phim xuất sắc nhất tại Oscar năm nay không chỉ nhờ kịch bản chặt chẽ, gay cấn mà quan trọng hơn, sự nhân văn và công bằng trong cuộc sống đã được biên kịch và đạo diễn lan tỏa cho toàn thể mọi người.
Kể từ All the president’s men, điện ảnh Hollywood mới tiếp tục có một tác phẩm ca ngợi báo chí, như một trong những phương tiện truyền tải sự thật, khi mà luật pháp, và toà án bỏ qua, còn người dân không muốn tin, không muốn nhắc đến.
Đó là lúc báo chí thể hiện sức mạnh của mình, sức mạnh của những câu chữ có khả năng đè bẹp mọi thế lực. Như hai phóng viên trong All The President’s Men quyết tâm đến cùng để phanh phui vụ tai tiếng Watergate.
Còn ở đây, tôi muốn nói đến bộ phim Spotlight của đạo diễn McCathy, kể về những phóng viên đã quyết tâm đưa ra ánh sáng những vụ việc liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em của các cha xứ ở Boston - Mỹ.
Những tội lỗi xấu xa của cả một hệ thống tôn giáo đã bị báo chí vạch trần.
Lam dụng tình dục trẻ em của nhà thờ Công Giáo không phải là một chủ đề xa lạ. Những vị cha xứ luôn nói đó là hành vi "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng thực tế không phải vậy, nó là tai tiếng kéo dài từ địa phương cho đến tận Vatican, mà như một nhà nghiên cứu về chủ đề này ở trong bộ phim có nói, đây là một dạng bệnh lý về tâm thần, mà nhiều vị cha xứ mắc phải.
Nhưng tôn giáo luôn là một vấn đề nhạy cảm, nó ăn sâu vào tiềm thức của những người theo đạo bằng đức tin, nên người ta không muốn tin, không muốn thảo luận về nó. Chính vì vậy, các vụ việc lâu lâu lại dấy lên, nhưng ngay lập tức, nó bị chôn lấp, lấp liếm và che đậy đi.
Cho đến khi 4 nhà báo của tờ Boston Globe làm việc ở chuyên mục Spotlight quyết định đào sâu vào sự việc nhằm đưa ra ánh sáng cả hệ thống biến chất của nhà thờ Công Giáo trong vùng.
Câu chuyện diễn ra từ năm 2001 đến 2002 tại thành phố Boston. Tại toà soạn báo Boston Globe, một tổng biên tập mới đến nhận chức Baron (Liev Schreiber), ông đề nghị những phóng viên của chuyên mục phóng sự điều tra Spotlight nghiên cứu thêm về vụ việc một cha xứ lạm dụng tình dục trẻ em, vụ việc đã từng được lên báo, nhưng nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Kịch bản hấp dẫn, gay cấn của "Spotlight" lôi cuốn khán giả.
Sự nhạy cảm của chủ đề, và những khó khăn mà nhóm phóng viên sẽ phải đối mặt khiến họ muốn làm và quyết tâm làm đến nơi đến chốn. Khi đó 4 người bao gồm, biên tập Robby (Michael Keaton), phóng viên tài năng Mike Rezendes (Mark Ruffalo), nữ phóng viên Sacha Pfeiffer (Rachel McAdams) và Matt Carroll (Brian d'Arcy James).
Từ đó, họ với những mối quan hệ xã hội, và khả năng điều tra như những thám tử thực sự, đã lần mò từng đầu mối, tìm đến luật sự, nói chuyện với nạn nhân… nhằm vẽ được bức tranh toàn cảnh. Từ đó, hệ thống thối nát của nhà thờ dần dần lộ diện, câu chuyện về lạm dụng tình dục trẻ con không đến từ một vài cá nhân riêng lẻ của nhà thờ nữa, mà nó đã được chính Hồng Y giáo chủ tại Boston che đậy.
Hành trình của bốn phóng viên, mà đặc biệt là hai phóng viên hiện trường MIke Rezendes và Sacha Pfeiffer, đã được đạo diễn Tom McCarthy cắt dựng công phu và hiệu quả tạo ra không khí vội vàng, chuyên nghiệp và hấp dẫn.
Từng bước từng bước một, câu chuyện được khai mở, và cần được chứng thực, những buổi phỏng vấn với nạn nhân, những cú gõ cửa bị từ chối, và những cái miệng quyền lực kín tiếng liên tục nhau, tiếp nối nhau, đẩy câu chuyện đi xa dần đến đích của sự thật.
Tom McCarthy, đồng kịch bản với Josh Singer, không mất thời gian cho sự hồi tưởng, cũng như tạo những tuyến truyện phụ mà người làm phim sẽ rất dễ xa đà, với ý định mô tả sâu hơn sự thối nát của nhà thờ.
Ở đây, câu chuyện được co lại ở mức tối giản, máy quay đi theo chân phóng viên, ta nhìn thấy họ tác nghiệp, ở sân bóng, trong bữa tiệc… bất cứ đâu nơi họ tìm được manh mối chứng thực cho câu chuyện mình định viết.
Bộ phim là thành quả chung của cả dàn diễn viên.
Bộ phim không tôn vinh cá nhân, không có nhân vật nào thực sự nổi bật, họ làm việc nhóm, và thành quả là của cả nhóm, mỗi người bỏ đi cái tôi cho một mục tiêu chung. Đấy mới chính là lý do thành công cho chuyên mục Spotlight suốt nhiều năm của tờ Boston Globe.
Sự chuyên nghiệp và theo đuổi đến cùng còn được thể hiện ở việc họ không hấp tấp đưa tin vì sợ những tờ báo khác sẽ đưa tin trước. Họ sẵn sàng đợi vụ việc khủng bố 11/9 lắng xuống, để tiếp tục theo đuổi câu chuyện của mình.
Họ muốn đánh vào hệ thống, chứ không phải từng cá nhân riêng lẻ. Họ muốn lột mặt lạ của Hồng Y Law, kẻ đã bao che cho tất cả những vụ việc tai tiếng của nhà thờ.
Mỗi diễn viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, trong đó nổi bật là Mark Ruffalo, và Rachel McAdams với hai đề cử Oscar cho hạng mục vai diễn phụ. Cả hai đã thể hiện được phẩm chất của một phóng viên dám dấn thân vào những chủ đề khó. Mỗi người, hoá thân vào nhân vật đều sắc nét và ấn tượng. Những hình ảnh ít thấy khi cả hai tham gia vào những bộ phim bom tấn và hài tình cảm khác nhau trước đó.
Spotlight tôn vinh giá trị của nhà báo, của báo chí trong thời đại truyền thông đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, dẫn đến hệ quá của rất nhiều báo chí lá cải ra đời. Sự chân chính của báo chí được đạo diễn Tom McCarthy thể hiện chu đáo và toàn vẹn.
Nó là sự nhắc nhở cho những ai làm báo, cần sự trung thực để đưa ra ánh sáng sự thật xấu xí của xã hội vốn luôn luôn bị giới có quyền lực che đậy.
Kết quả, Spotlight đã nhận được một sự công nhận hoàn toàn xứng đáng. Đó là giải thưởng cao quý nhất - Oscar phim xuất sắc nhất cùng kịch bản xuất sắc nhất đã được trao cho dàn diễn viên cùng đạo diễn và biên kịch của phim. Điều đấy đã chứng minh một điều, mọi giá trị của lẽ phải trong cuộc sống vẫn luôn soi sáng cho con người ta đi tới những điều tốt đẹp.
Theo Dân Việt