Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM: Cần tư duy và cơ chế đột phá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sáng nay, 17/1, hội thảo khoa học về Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM đã khai mạc với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã tham dự.

Ảnh: VGP/TL
Ảnh: VGP/TL

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề phát triển hệ thống đường sắt đô thị ở 2 TP lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM sao cho hiệu quả nhất.

Xu hướng phát triển hệ thống đường sắt đô thị kiểu mới

Theo xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ, hệ thống giao thông công cộng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi mà hệ thống đường sắt đô thị được xem là "xương sống" của cơ sở hạ tầng giao thông.

Việc đầu tư và vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ tăng cường phương tiện vận tải hành khách công cộng, giảm áp lực từ phương tiện giao thông cá nhân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, nó còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông.

hoithao2-1629.jpg
Hội thảo diễn ra sáng 17/1 (Ảnh: Viết Thành)

Để thực hiện những mục tiêu trên, hội thảo đã được tổ chức với ba mục tiêu chính: trao đổi và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia có hệ thống giao thông công cộng phát triển, đặc biệt là đường sắt đô thị; tổng hợp kinh nghiệm trong và ngoài nước để nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định về phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD); và thu thập ý kiến để hoàn thiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM theo 5 lĩnh vực quan trọng.

Rất khả thi nếu thay đổi

Tại hội thảo, ông Đặng Huy Đông - Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Phát triển - cho biết 3 điều cần thay đổi: Tư duy đột phá; một khung khổ riêng cho Hà Nội và TP. HCM; vượt trội hơn so với quy định và tiệm cận với cơ chế của các nước thành công trong mô hình TOD.

dang-huy-dong-8880.jpg
Ông Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Hồng Mạnh)

Trong đó, ông đã đề cập đến một số cơ chế cụ thể như việc phân cấp và ủy quyền cho Hà Nội và TP.HCM để ban hành các tiêu chí và tiêu chuẩn đặc biệt cho đô thị; đồng thời, áp dụng trình tự thủ tục riêng liên quan đến hệ thống đường sắt đô thị và được phép giữ lại tiền thu từ đất để đầu tư trực tiếp cho dự án phát triển hệ thống Metro của thành phố.

Cũng tại hội thảo, ông Shin Kimura - Giám đốc Kinh doanh quốc tế, Cơ quan phục hưng đô thị Nhật Bản (UR) - với các dẫn chứng từ thực tế từ Nhật Bản đã nêu ý kiến: "UR hiện đang hợp tác nghiên cứu một dự án thí điểm theo yêu cầu của TP.HCM, nhưng chúng tôi không tin có thể áp dụng như TOD ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, ô tô, xe máy đã phổ biến trước khi tàu hỏa phát triển nên cần đề xuất lối sống mới nhằm khuyến khích người dân sử dụng đường sắt.

"Một số vấn đề cũng phải được giải quyết như thiếu việc điều chỉnh đất đai, khó khăn trong việc thu hồi đất và hệ thống thuế không đầy đủ để đổi lại sự phát triển; UR có thể sử dụng kinh nghiệm của mình tại Nhật Bản và kết nối với các tổ chức như MLIT và JICA để cung cấp kiến thức cần thiết nhằm hiện thực hóa TOD phù hợp với Việt Nam" - ông Shin Kimura cho hay.

Định hướng cho cơ chế, chính sách

Ông Shige Sakaki - Điều phối viên Chương trình Giao thông Vận tải tại Ngân hàng Thế giới - chia sẻ: Phát triển mô hình TOD là chiến lược quy hoạch và thiết kế tập trung vào việc xây dựng đô thị với những đặc điểm nhất định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đồng thời hỗ trợ xây dựng cộng đồng sinh sống sôi động, đa dạng và thú vị.

tob-ngan20240117113934-7806.jpg
Ông Shige Sakaki chia sẻ ý kiến tại Hội thảo (Ảnh: Hồng Mạnh)

Theo ông Shige Sakaki, TOD có các ưu điểm như: giảm thiểu sự lệ thuộc vào ô tô, cải thiện khả năng tiếp cận, thân thiện với xe đạp và người đi bộ, sử dụng đất đai hiệu quả, cộng đồng gắn kết và sôi động, giá trị tài sản cao hơn, hỗ trợ LVC.

Từ đó, ông cho rằng, để triển khai TOD cần bắt đầu từ công cụ xây dựng luật xác định TOD là định hướng chính sách cơ bản và xây dựng các luật và nghị định và thông tư về các công cụ cho phép TOD/LVC. Ngoài ra, TOD cũng cần thí điểm tuyến tàu điện tại Hà Nội; cho phép các cơ chế đặc biệt cho TOD/LCV; Học hỏi từ việc phát triển thí điểm và thể chế hóa.

Hội thảo sẽ diễn ra đến hết ngày 19/1, tiếp tục bàn luận về hướng đi cho sự phát triển của hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu từ cả trong và ngoài nước. Nội dung chính của hội thảo tập trung vào 5 chủ đề quan trọng bao gồm: Quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD); giải phóng mặt bằng và thu hồi đất; thu hút nguồn lực từ đất đai; tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ cho đường sắt đô thị; mô hình quản lý và tổ chức thực hiện dự án đường sắt đô thị. Trong số này, trọng tâm là chia sẻ kinh nghiệm về phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD) và mô hình TOD cùng các công cụ thu hồi giá trị gia tăng từ đất (LVC).