Pháp luật phải theo kịp sự phát triển của công nghệ

VietTimes -- Cuối năm 2017, Cục Hải quan TPHCM khám xét hai lô hàng nhập khẩu qua cảng Cát Lái phát hiện 2 doanh nghiệp đã nhập khẩu gần 1.800 máy tính cũ; khai khống phần mềm trị giá gần 3,7 triệu USD. Từ chuyên án này đã phát hiện một số doanh nghiệp dùng thủ đoạn buôn lậu mới hết sức tinh vi là khai khống nhập khẩu phần mềm nhằm chuyển ngoại tệ trái phép ra nước ngoài.
Phần mềm có thể được nhập khẩu giống như phần cứng với hình thức đĩa CD-ROM. Ảnh: báo Hải Quan
Phần mềm có thể được nhập khẩu giống như phần cứng với hình thức đĩa CD-ROM. Ảnh: báo Hải Quan

Từ thực tế trên, nhằm chống chuyển ngoại tệ trái phép ra nước ngoài, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu Cục Hải quan các địa phương tăng cường kiểm tra các lô hàng nhập khẩu khai báo là phần mềm có trị giá lớn. Nhận diện các doanh nghiệp nhập khẩu phần mềm này, Tổng cục cho biết đều có những đặc điểm như: Nhà xuất khẩu cho họ chỉ là công ty thương mại, không phải công ty sản xuất phần mềm, tên hàng không rõ ràng, phần mềm được khai báo chung chung (quản lý nhân sự, kế toán...), không có tên phần mềm cụ thể, không có nhà tên sản xuất, không có thời hạn sử dụng...

Lâu nay, nếu nói đến chuyện mua phần mềm của nước ngoài, người ta thường chỉ nghĩ đến chuyện quá dễ để trốn thuế hải quan vì nó có thể nằm gọn trong một đĩa CD-ROM và nếu mang theo người thì cũng khó phát hiện ra. Hoặc cũng có một cách khác là tải về qua Internet và như thế nếu không khai báo thì cũng hoàn toàn qua mặt được cơ quan thuế và hải quan. Chính vì thế, việc doanh nghiệp kê khai với hải quan về việc họ nhập khẩu phần mềm thì đó chính là chuyện đáng bàn. Đương nhiên, họ hoàn toàn có thể khai khống giá trị của phần mềm và với cách làm đó thì đã chuyển lậu được một số lượng ngoại tệ lớn ra nước ngoài.

Cũng cần nói thêm, sự phát triển của khoa học công nghệ đã liên tục tạo ra những lỗ hổng của luật pháp và các cơ quan chức năng của Chính phủ , Quốc hội phải nhìn rõ được thực tế này để có những chương trình xây dựng pháp luật cho kịp thời. Tuy nhiên, theo nguyên Đại biểu Quốc hội Mai Anh – người đã đề xuất thành công cho việc ra đời Luật Giao dịch Điện tử, thực tế hiện nay là phần đông những người trong ngành luật lại không hiểu biết nhiều về khoa học công nghệ. Ngược lại, những người làm khoa học công nghệ lại cũng thiếu những hiểu biết tương xứng về luật pháp. Chính vì vậy, rất cần có những chương trình hợp tác chung của ngành luật với các ngành khoa học công nghệ nhằm xây dựng và hoàn thiện luật pháp. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra rất nhanh và pháp luật cũng phải theo kịp với tốc độ phát triển đó.