Phản bác Tân Hoa xã, trang tin Đa Chiều: Trung Quốc và thế giới, chẳng ai nợ ai lời xin lỗi!

VietTimes -- Ngày 4/3, Nhân dân Nhật báo – cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đã đăng bài bình luận nhan đề “Công bằng mà nói, thế giới cần phải cảm ơn Trung Quốc” với nội dung công kích mạnh mẽ chính phủ Mỹ, cho rằng “Trung Quốc đã phải hy sinh rất lớn để chống dịch bệnh”, vì vậy “Mỹ nợ Trung Quốc một lời xin lỗi, cả thế giới nợ Trung Quốc tiếng cám ơn”. Bình luận của Tân Hoa xã lập tức gây nên cuộc tranh luận sôi nổi và gay gắt trên mạng internet với các ý kiến trái ngược nhau...
Bài báo của Tân Hoa xã về "Thế giới nợ Trung Quốc lời cám ơn" đã gây nên cuộc chiến tranh luận kịch liệt (Ảnh: Đa Chiều).
Bài báo của Tân Hoa xã về "Thế giới nợ Trung Quốc lời cám ơn" đã gây nên cuộc chiến tranh luận kịch liệt (Ảnh: Đa Chiều).

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều tối ngày 4/3 đã đăng bài của tác giả Tôn Lan có tiêu đề “Trung Quốc và thế giới, rốt cục ai nợ ai lời xin lỗi?” bàn về vấn đề này.

Bài báo viết, với sự bùng phát của dịch viêm phổi do coronavirus chủng mới (COVID-19) tại Trung Quốc và lan rộng khắp toàn cầu của nó, trong dư luận Trung Quốc đã dấy lên cuộc tranh luận về “Trung Quốc và thế giới, ai nợ ai lời xin lỗi?”. Về vấn đề này, trong dư luận Trung Quốc đã xuất hiện có hai loại lập luận:

Luồng dư luận thứ nhất là, Trung Quốc nợ một lời xin lỗi toàn thế giới vì sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Ông Khưu Mạnh Hoàng (Qiu Menghuang) cựu MC (người dẫn chương trình) của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tối ngày 20/2 đã viết trên Weibo cá nhân dưới nick “A Qiu”: “Vào thời điểm này, mặc dù tấm biển “người bệnh Đông Á” (Đông Á bệnh phu) đã bị phá vỡ được hơn một thế kỷ, nhưng chúng ta liệu có thể nói chuyện nhẹ nhàng và mang theo chút khiêm cung,   không kiêu ngạo tháo khẩu trang, cúi đầu trước thế giới và nói: “Xin lỗi, vì đã gây nên mớ hỗn độn cho các vị!”.

Bài của cựu MC Đài CCTV Khưu Mạnh Hoàng: Trung Quốc cần cúi đầu xin lỗi thế giới gây xôn xao dư luận Trung Quốc (Ảnh: Weibo).
Bài của cựu MC Đài CCTV Khưu Mạnh Hoàng: Trung Quốc cần cúi đầu xin lỗi thế giới gây xôn xao dư luận Trung Quốc (Ảnh: Weibo).

Ý định ban đầu của thông điệp của Aqiu là trả lời một bài báo trước đó trên tờ The Wall Street Journal của Mỹ nhan đề “Trung Quốc thực sự là người bệnh ở châu Á”, gây nên cơn sóng gió về nghi ngờ sỉ nhục Trung Quốc. Những lời lẽ của Aqiu rằng Trung Quốc cần xin lỗi thế giới đã làm dấy lên cuộc tranh luận kịch liệt trong dư luận. Một số cư dân mạng thậm chí còn mắng chửi: “Thật là logic chó chết!”.

Luồng dư luận thứ hai là, Mỹ nợ Trung Quốc một lời xin lỗi và thế giới nợ Trung Quốc một lời cảm ơn.

Những người có quan điểm như thế cho rằng để chống lại dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc đã phải chịu hy sinh lớn lao, phải trả giá kinh tế lớn và đã cắt đứt được đường lây truyền virut Corora chủng mới. “Không có quốc gia nào phải gánh chịu nhiều hy sinh và mất mát như Trung Quốc trong dịch bệnh COVID-19 lần này”.

Hơn nữa, theo nghiên cứu của Viện sĩ Chung Nam Sơn, mặc dù dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, nhưng nguồn gốc có thể không nhất thiết ở Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguồn virus có thể đến từ các quốc gia khác như Mỹ, Italy, Iran và các quốc gia khác. Nhiều trường hợp được xác nhận bị COVID-19 mà không có lịch sử tiếp xúc ở châu Á, vì vậy Trung Quốc không có lý do gì để phải xin lỗi.

Vào ngày 4 tháng 3, tài khoản Wechat chính thức của giới Tài chính và Kinh tế Trung Quốc đã đăng tải bài viết “Công bằng mà nói, thế giới cần phải cảm ơn Trung Quốc”, sau đó được trang web của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc đăng lại như một bài bình luận, đã gây nên sự quan tâm rộng rãi.

Bài bình luận đăng trên trang web Tân Hoa xã: Công bằng mà nói, thế giới cần phải cám ơn Trung Quốc gây tranh cãi (Ảnh: Tân Hoa xã)
Bài bình luận đăng trên trang web Tân Hoa xã: Công bằng mà nói, thế giới cần phải cám ơn Trung Quốc  gây tranh cãi (Ảnh: Tân Hoa xã)

Theo bài viết này, sau khi bùng phát bệnh COVID-19 ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump là nơi đầu tiên tuyên bố di tản người Mỹ từ Vũ Hán, khiến các nước khác tới tấp bắt chước, khiến Trung Quốc rất bị động vào thời điểm đó. Không chỉ như vậy, chính phủ Mỹ còn tuyên bố hạn chế người Trung Quốc và người nước ngoài đã đến Trung Quốc nhập cảnh Mỹ, thực tế là một tuyên bố gián tiếp về lệnh cấm du lịch đối với Trung Quốc và khiến Trung Quốc cô lập với các quốc gia khác trên thế giới, gây ảnh hưởng kinh tế rất lớn đối với Trung Quốc. “Những hành vi này của Mỹ rất không tử tế. Chúng có thể được mô tả là ném đá xuống giếng, giết người nhân lúc họ bị bệnh”.

Ngược lại, khi dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ trở nên tồi tệ hơn, Trung Quốc đã không “ném đá xuống giếng” đối với Mỹ, cũng không cấm xuất khẩu khẩu trang và thuốc sang Mỹ.

Theo bài báo được Tân Hoa xã đăng lại này, các quan chức CDC Mỹ nói, hầu hết khẩu trang ở Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc cấm xuất khẩu khẩu trang sang Mỹ, họ sẽ rơi vào tình trạng thiếu khẩu trang và không thể ngăn chặn nCoV. Cũng theo các quan chức CDC Mỹ, hầu hết các loại thuốc ở Mỹ cũng dựa vào nhập khẩu và một số loại thuốc được nhập khẩu từ Châu Âu. Tuy nhiên, Châu Âu cũng đặt cơ sở sản xuất các loại thuốc này ở Trung Quốc, vì vậy hơn 90% thuốc nhập khẩu của Mỹ là liên quan đến Trung Quốc.

“Nếu Trung Quốc trả đũa Mỹ vào thời điểm này, ngoài việc tuyên bố lệnh cấm du lịch đối với Mỹ, cũng sẽ tuyên bố kiểm soát chiến lược đối với các sản phẩm y tế và cấm xuất khẩu sang Mỹ, Mỹ sẽ sa vào đại dương mênh mông của  dịch bệnh COVID-19”, bài báo viết. Dựa trên những điều trên, bài báo của Tân Hoa xã cho rằng cần phải thẳng thắn mà nói rằng Mỹ nợ Trung Quốc một lời xin lỗi và thế giới nợ Trung Quốc một lời cảm ơn.

Bài của The Wall Street Journal: "Trung Quốc thực sự là người bệnh châu Á" (Ảnh: Đa Chiều).
Bài của The Wall Street Journal: "Trung Quốc thực sự là người bệnh châu Á" (Ảnh: Đa Chiều).

Đa Chiều cho rằng, dư luận Trung Quốc xuất hiện quan điểm gay gắt, mang đậm sắc thái quan điểm chủ nghĩa dân tộc như thế không có gì là lạ. Nhưng chính quyền Trung Quốc, rõ ràng không nên tán thành nó và cao rao: "Hãy công bằng, thế giới nên cảm ơn Trung Quốc”. Điều này rõ ràng là đi từ cực đoan này sang cực đoan khác.

Theo Đa Chiều, hãy để yên mọi chuyện như vốn có.

Thứ nhất, Trung Quốc không nợ thế giới hay bất kỳ quốc gia nào một lời xin lỗi. Bởi vì xảy ra dịch bệnh không phải là điều Trung Quốc muốn, chứ đừng nói đến việc Trung Quốc gây ra dịch; vả lại nó đã gây ra thiệt hại lớn cho xã hội Trung Quốc. Nếu nói Trung Quốc cần xin lỗi với thế giới thì dịch cúm H1N1 từ Mỹ lan rộng ra khắp thế giới, phải chăng Mỹ cũng nên đưa ra lời xin lỗi với thế giới.

Theo Đa Chiều, “Cái chết đen” thời Trung cổ đã gây ra cái chết của 75 triệu  người trên toàn thế giới. Bệnh dịch này lây lan từ châu Âu. Vậy ai nên xin lỗi ai? Năm 1817, dịch tả bùng phát lần đầu tiên ở sông Hằng, Ấn Độ và lan sang châu Âu. Cùng năm đó, 60.000 người đã chết ở Anh. Cũng chưa bao giờ nghe ai chỉ vào Ấn Độ và nói họ nợ thế giới một lời xin lỗi.

Tương tự, vào năm 1919, cúm Tây Ban Nha đã gây ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thứ hai trong lịch sử loài người, gây ra khoảng 25 đến 40 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Không ai nợ một lời xin lỗi với bất kỳ ai. Sự xuất hiện của bệnh dịch là một thảm họa cho xã hội loài người. Không tồn tại logic ai phải xin lỗi ai.

Đa Chiều cho rằng, mặt khác, thế giới cũng không nợ Trung Quốc một lời xin lỗi. Mục đích của việc các nước di tản người ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán là để bảo vệ công dân của họ khỏi bị lây nhiễm bởi dịch bệnh. Đây là đạo lý đúng đắn của bất kỳ quốc gia nào. Sau khi dịch bệnh bùng phát ở Italy, phía Trung Quốc cũng đã đưa chuyên cơ tới để di tản công dân khỏi Italy. Từ quan điểm này, rõ ràng, không ai nợ ai một lời xin lỗi.

Còn các quan chức chính phủ Mỹ, như Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Navarro, đã công khai hả hê về dịch bệnh COVID-19 của Trung Quốc.Tờ The Wall Street Journal đăng bài “Trung Quốc là người bệnh Đông Á thực sự”; The New York Times cũng đăng một bài viết chỉ trích việc đóng cửa Vũ Hán ở Trung Quốc là vi phạm nhân quyền. Đây là lập trường của các chính trị gia cánh hữu và giới truyền thông Mỹ. Họ dĩ nhiên không xin lỗi về lời lẽ của mình; cũng đừng hy vọng họ thay đổi. Điều này có thể thấy rõ trong cuộc chiến truyền thông ở Trung Quốc và Mỹ được kích hoạt bởi bài báo của The Wall Street Journal.

Còn việc thế giới có nợ Trung Quốc một lời cảm ơn hay không lại là một chủ đề khác. Để chống lại dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc thực sự đã nỗ lực và hy sinh rất lớn, phải trả giá lớn về kinh tế, kiềm chế được sự lây lan và khuếch tán của nCoV và giành chiến thắng trong giai đoạn phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Nhưng mục đích Trung Quốc làm điều này có thực sự “hy sinh cái tôi vì sự an toàn của thế giới” như đã nêu trong bài báo được đăng  lại bởi Tân Hoa Xã? Lẽ nào là để có được một lời cảm ơn từ thế giới?

Theo Đa Chiều, trong vấn đề dịch bệnh COVID-19, giữa Trung Quốc và thế giới. chẳng ai nợ ai lời xin lỗi (Ảnh; Getty)
Theo Đa Chiều, trong vấn đề dịch bệnh COVID-19, giữa Trung Quốc và thế giới. chẳng ai nợ ai lời xin lỗi (Ảnh; Getty)

Rõ ràng, đây là nhận thức lẫn lộn đầu đuôi. Tất cả các biện pháp phòng ngừa của chính phủ Trung Quốc để ngăn chặn dịch bệnh, những nỗ lực của người dân Trung Quốc và sự hy sinh của người dân Trung Quốc chỉ có một mục đích cốt lõi là bảo vệ công dân, thành viên gia đình và đồng bào của họ khỏi nguy cơ dịch bệnh COVID-19; để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, tác động đến sự phát triển và ổn định của xã hội Trung Quốc, v.v. Nếu nói đến sự đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh thế giới, đó chỉ là một sản phẩm phái sinh.

Mục đích của các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc và kết quả đạt được, rõ ràng không phải để thế giới nói lời cảm ơn.

Trên thực tế, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế ca ngợi. Ông Tedros, Tổng Giám đốc WHO, cho biết trước đây: “Trung Quốc hành động rất nhanh và quy mô lớn, hiếm có trên thế giới; cho thấy tốc độ, quy mô và hiệu quả của Trung Quốc. Chúng tôi đánh giá cao điều này. Đây là ưu việt của hệ thống Trung Quốc; kinh nghiệm liên quan đáng để các nước khác học hỏi”.

Bài viết của Đa Chiều kết luận, từ thời xa xưa, người Trung Quốc đã nói “Xong việc phẩy tay, giấu thân và tên”. Nếu vào thời điểm này, một số người ở Trung Quốc lại liếm mặt nói: “Thế giới nợ Trung Quốc một lời cảm ơn”, lại còn “thẳng thừng mà nói” thì quá là dân túy và không hợp thời. Đặc biệt là với cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc thì lại càng không nên làm như thế. “Đãn hành hảo sự, mạc vấn tiền trình” (đã làm điều tốt, đừng hỏi về tương lai”.  Rõ ràng, bất kể Trung Quốc hay thế giới, không ai nợ ai một lời xin lỗi!