Phạm Công Danh: Buộc phải chi ngoài chăm sóc khách hàng để tồn tại

Phạm Công Danh khai rằng bị cáo bị sốc khi tiếp nhận ngân hàng. Danh đã phải dùng tài sản cá nhân, từ cái xe máy đến căn nhà, bất động sản đem đi thế chấp, bán đi để lấy tiền tái cơ cấu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại phiên tòa sáng 29/7, Phạm Công Danh khai trước tòa rằng ông đã mua lại cổ phần TrustBank qua Hà Văn Thắm. Ông Thắm - chủ tịch OceanBank, đang bị bắt tạm giam - đã nhận từ Danh 500 tỷ đồng.

Phạm Công Danh cũng khai nhận rằng, sau khi tiếp quản ngân hàng, bị cáo đã "sốc" vì ngân hàng bê bết đến như vậy.

Từ ngay sau khi vào tiếp quản, các chi nhánh liên tục đòi tiền chi chăm sóc khách hàng đã thực hiện từ trước đó, và Danh đã phải chi rất nhiều tiền.

"Chi phí cho các khoản tiền chi nhánh ứng ra chi chăm sóc khách hàng (thậm chí dùng tiền nhà để chi chăm sóc) thì tôi không có giấy tờ nhưng tôi có chứng cứ cho thấy việc huy động vượt trần trái quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là có thật và tôi phải đứng ra chi trả đầy đủ các chi phí này thì ngân hàng (chi nhánh) mới huy động được. Việc này có buổi họp HĐQT và anh Phan Thành Mai có thể biết điều đó", Danh khai.

Trong cáo trạng, Phạm Công Danh và nhiều bị cáo cũng khai rằng ngân hàng đã phải huy động vượt trần lãi suất 2-4%/năm và không có giấy tờ gì, tiền là do phía Tập đoàn Thiên Thanh chi trả. Riêng Danh khai đã chi lãi suất ngoài lên đến 2.500 tỷ đồng cho nhóm Trần Ngọc Bích.

Vì sao Danh lại sa đà khiến cho ngân hàng mất nhiều tiền đến vậy? Tại tòa Danh khai rằng thời điểm đó không có ngân hàng nào dám nhảy vào ngân hàng này (TrustBank), cũng không có ngân hàng nào dám công khai họ làm sai. Đại Tín cũng không công khai. Tình hình chung là một số ngân hàng khác cũng đều thực hiện như vậy, khoản chi ngoài chăm sóc khách hàng để tồn tại là điều phải làm.

Đã có lúc Danh muốn buông xuôi, từ bỏ ngân hàng nhưng sau được thanh tra NHNN động viên nên rằng phải dùng tư nhân để tái cơ cấu nên Danh lại làm tiếp.

Danh khai thêm đã dùng tài sản cá nhân, từ cái xe máy, căn nhà của Danh cũng đem ra đi thế chấp, bán đi để tái cơ cấu. "Lúc đó tôi chỉ muốn tái cơ cấu thành công Đại Tín".

Theo Trí thức trẻ