Phải vạ vì “quan hệ” với ngân hàng bị kiểm soát

Không ít doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng với một ngân hàng và một ngày, ngân hàng đó gặp khó. Hậu quả là doanh nghiệp cũng lao đao, khi dòng tín dụng bị nghẽn đột ngột...

Đi mắc núi, ở lại mắc sông

Khi Ngân hàng Nhà nước siết lại hoạt động ngân hàng với những quy định chặt chẽ hơn, thì đã có những ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước buộc phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. 

Hệ lụy đến với doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng này cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phàn nàn về việc bị thu hồi nợ và phải trả ngay, trong khi họ không thể có tài sản đảm bảo để thế chấp ngân hàng khác vay để vay vốn trả nợ và đáo hạn.

Ví dụ, doanh nghiệp A thế chấp tài sản trị giá 10 tỷ đồng để xây dựng hạn mức 7 tỷ đồng. Ngân hàng này vừa giải ngân được 1 tỷ thì tuyên bố không giải ngân nữa và phải tất toán hợp đồng tín dụng.

Trường hợp này, doanh nghiệp khốn khổ vì đi vay ngân hàng khác thì không có tài sản thế chấp, mà trả nợ cũng không xong vì lấy đâu ra tiền. Rơi vào tình huống này, doanh nghiệp khó thoát cảnh lao đao.

“Vòng quay đang bình thường, bỗng dưng bị nghẽn lại vì thiếu vốn. Muốn vay ngân hàng khác cũng khó, vì tài sản đang bị kẹt ở ngân hàng này. Mà trong hoàn cảnh đó thì doanh nghiệp xoay sở đâu ra tiền trả?”, cán bộ tín dụng của một ngân hàng bày tỏ cảm thông với khách hàng lâm vào thế kẹt.

Để không chậm vòng quay vốn

“Kể cả những trường hợp khách hàng đã tất toán, rút tài sản về cũng rất khó khăn. Nếu ngân hàng đang hoạt động bình thường thì đây là việc làm rất đơn giản, nhưng với một ngân hàng đã bị kiểm soát đặc biệt thì quy trình, trách nhiệm xử lý vấn đề này lại phức tạp hơn và không biết phải tháo gỡ từ khâu nào”, giám đốc chi nhánh một ngân hàng chia sẻ.

Việc xử lý nguồn để cho khách hàng rút tiền cũng bị ảnh hưởng. Nhiều khách hàng chuyển tiền để đổ lương, thanh toán các khoản chi phí dịch vụ cũng phải chờ lâu. “Nhiều khách hàng bức xúc, chi nhánh thì không biết giải thích sao khi mà chưa có chỉ đạo của hội sở”, vị này nói.

“Thậm chí, nhiều khách hàng doanh nghiệp còn bị thiệt hại về tài chính vì bị phạt hợp đồng, thiệt hại uy tín do thực hiện hợp đồng bị chậm trễ… Còn có khách hàng đã đặt cọc tiền mua thiết bị, nguyên vật liệu cho bên bán và bị bên bán thông báo là hủy hợp đồng, không trả lại tiền cọc cho khách hàng do thanh toán chậm”.

“Các trường hợp tương tự như vậy, trước đây, với vai trò đầu mối, khối khách hàng doanh nghiệp đã trình và đều được chấp thuận, xử lý được. Nhưng nay đang bị kiểm soát, những quyết định thường chậm và khó khăn hơn”, vị này nhận định.

Vòng quay vốn là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Bởi vậy, đối với việc kiểm soát những ngân hàng rơi vào khó khăn, cơ quan quản lý cũng nên sớm có những quy định đối với một số tình huống cụ thể, để khi có phát sinh thì cũng có thể giải quyết một cách nhanh nhất, tránh tình trạng khách hàng phải "vạ"?

                                                                               Theo Bizlive