Phái đẹp sẽ giúp thương mại điện tử Đông Nam Á cán mốc 260 tỉ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nữ giới là lực lượng giúp thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á có thể tăng trưởng đến 260 tỉ USD trước năm 2030, theo một báo cáo mới của International Finance Corporation.
Doanh số thương mại điện tử Đông Nam Á có thể đạt đến 260 tỉ USD trước năm 2030 nhờ vào nữ giới
Doanh số thương mại điện tử Đông Nam Á có thể đạt đến 260 tỉ USD trước năm 2030 nhờ vào nữ giới

Thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á có thể đạt mức 260 tỉ USD trước năm 2030 nếu các kênh mua sắm trực tuyến lớn thực hiện nhiều hơn các biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện cho các nữ doanh nhân, theo một báo cáo mới của International Finance Corporation (viết tắt IFC). Để so sánh, giá trị thương mại điện tử của khu vực này vào năm 2019 là 100 tỉ USD (theo nghiên cứu của Google và Temasek).

"Tính ẩn danh" của thương mại điện tử đã làm giảm nhiều rào cản gia nhập mà nữ giới phải đối mặt và mang lại cho họ cơ hội phát triển mạnh trong các lĩnh vực mới, theo bà Amy Luinstra, giám đốc chương trình bình đẳng giới của IFC tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Dù vậy, nhiều bất bình đẳng mà phụ nữ phải đối mặt trong không gian bán lẻ truyền thống vẫn còn “tràn vào thế giới trực tuyến”, chẳng hạn như đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn vốn, bà Luinstra cho biết.

Bà kêu gọi các công ty thương mại điện tử lớn làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các đối tác là phụ nữ và cũng là nắm bắt cơ hội thị trường. Những hành động thiết yếu bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho phụ nữ, cung cấp chương trình đào tạo và khuyến khích nữ giới tham gia vào các lĩnh vực có giá trị cao hơn như thiết bị điện tử.

“Các nền tảng có hỗ trợ vay vốn là một cách tuyệt vời để thu hút nhiều phụ nữ hơn và giúp họ phát triển kinh doanh bằng cách đảm bảo đối tác là nữ biết được về các đề nghị tài trợ vốn để họ có thể tận dụng chúng”, bà Luinstra nói trên chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC.

Những nhận xét của bà nổi bật trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, được cho là khiến phụ nữ rơi vào tình thế bất lợi.

Báo cáo trên của IFC dựa trên dữ liệu qua đối chiếu lấy từ trang thương mại điện tử Lazada ở Đông Nam Á. Báo cáo cho thấy rằng vào năm 2019, nữ giới đang trên đà đạt được bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, ngay cả khi ngành bán lẻ trực tuyến tăng trưởng vượt bậc trong trong năm đó, các nhiệm vụ chăm sóc gia đình và hạn chế về thời gian vẫn khiến nữ giới chậm một bước.

“Trước khi xảy ra đại dịch, nữ giới đã làm rất tốt, trong một số trường hợp, bán hàng vượt trội hơn, và thậm chí là, số lượng nữ giới tham gia thị trường còn nhiều hơn cả nam giới”, bà Luinstra cho biết.

Ví dụ, ở Philippines trước đây, 64% người bán hàng trên trang Lazada là phụ nữ, nhưng doanh số của họ đã giảm 27% trong thời gian đại dịch, theo báo cáo của IFC.

Theo bà Luinstra, hỗ trợ nữ giới trong thương mại điện tử là cách để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa nam nữ trong lĩnh vực này và thúc đẩy doanh số thương mại điện tử lên đến 260 tỉ USD vào năm 2030.

Nguồn tham khảo:

https://www.blog.google/documents/47/SEA_Internet_Economy_Report_2019.pdf

https://www.cnbc.com/2021/05/28/ifc-women-participation-in-asia-ecommerce-is-a-260-billion-opportunity.html