Phải chuyển đổi số nhanh nhất cho các doanh nghiệp Việt, để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đánh giá chuyển đổi số là hết sức quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu phải chuyển đổi số nhanh nhất cho các doanh nghiệp Việt. Vì đây chính là yếu tố bàn đạp để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Chuyển đổi số chính là bàn đạp cho doanh nghiệp phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Chuyển đổi số chính là bàn đạp cho doanh nghiệp phát triển.

Đó là một trong những chủ đề chính được đề cập tại Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình, vừa diễn ra chiều 5/10. Đây là Diễn đàn thường niên do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì tổ chức trong 13 năm nay.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, doanh nghiệp rất quan trọng, đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Đất nước muốn phát triển phải dựa vào doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá hiện nay các cơ chế chính sách, chủ trương đường lối để phát triển kinh tế cơ bản đã đủ. Trong đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp, do đó cần phải bàn giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cầm cự được trong đại dịch, phục hồi sau dịch, chuẩn bị các tâm thế phục hồi một cách nhanh nhất.

Trao đổi bên lề diễn đàn về thực tế hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn này, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - đánh giá, thói quen của người tiêu dùng thay đổi trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhưng việc tiếp cận các kênh bán hàng online, các kênh thương mại điện tử, giao dịch trên các hệ thống online còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp nhỏ. Đây cũng chính là một thách thức rất lớn.

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Bên cạnh đó, những khó khăn về thị trường, về chính sách hỗ trợ, chính sách thuế, khả năng tiếp cận với các quỹ tín dụng… là những thách thức luôn luôn thường trực với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua.

Cần gói hỗ trợ đủ mạnh

Trong 9 tháng đầu năm 2020, nước ta đã ghi nhận hơn 70.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và đóng cửa, trong đó chủ yếu là SMEs và hộ kinh doanh cá thể, ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động.

Nguyên nhân chính của việc này được xác định là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thống nhất với nhận định của TS. Tô Hoài Nam, ông Nguyễn Thành Biên - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình - đưa ra đề xuất, doanh nghiệp các tỉnh khác nghiên cứu tiềm năng lợi thế sẵn có của tỉnh, hợp tác, đầu tư, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Biên mong muốn tại Diễn đàn này các đại biểu, các tổ chức Hiệp hội, các Hội, các nhà quản lý hiến kế trình Chính phủ, đưa ra những giải pháp chiến lược để giải cứu các doanh nghiệp, trong lúc hàng triệu người lao động đang có nguy cơ mất việc làm, hàng ngàn doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản. Kinh tế thế giới chìm sâu trong khủng hoảng.

Ông Biên nhận định, con đường duy nhất Chính phủ cứu trợ doanh nghiệp lúc này là các gói hỗ trợ đủ mạnh, đủ thời gian phục hồi, chính quyền các cấp tạo môi trường, hành lang pháp lý ưu việt nhất cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Hiện tại, những gói hỗ trợ vẫn còn xa tầm với của người lao động gặp khó khăn; những khoản giãn nợ hay giãn thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chưa đến được với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Diễn đàn thu hút hơn 500 đại biểu là đại diện cho các doanh nghiệp thuộc gần 30 tỉnh thành phía Bắc tham dự.
Diễn đàn thu hút hơn 500 đại biểu là đại diện cho các doanh nghiệp thuộc gần 30 tỉnh thành phía Bắc tham dự.

"Thực tế các gói hỗ trợ trên nên ưu tiên giúp các doanh nghiệp thực sự khó khăn, sắp giải thể hoặc phá sản, hoàn cảnh những doanh nghiệp này phải ngừng sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất, doanh thu thấp đồng nghĩa không có lãi thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không tác dụng.

Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mới khởi nghiệp không tiếp cận được với vốn vay ngân hàng nên giãn nợ cũng không tác dụng. Chưa kể các doanh nghiệp phải huy động mọi nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ cho người lao động, nhằm giữ chân người lao động thì lại rơi vào diện doanh nghiệp vẫn còn khả năng chi trả nên không được vay gói tín dụng không lãi xuất của Ngân hàng chính sách xã hội” - ông Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh.

Các ý kiến tại diễn đàn đều chung nhận định rằng năm 2020 là một năm mà nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế hướng ngoại; Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 518 tỷ, xấp xỉ bằng 2 lần GDP của cả nước. Đại dịch COVID-19 làm các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đều giảm sức mua tới 50%.

Theo báo cáo của đoàn công tác khảo sát của Chính phủ về ảnh hưởng của COVID-19 thì có tới 96% số doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên chịu ảnh hưởng lớn nhất là các ngành vận tải, hàng không, du lịch và các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.