Nhân ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, VietTimes có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ái Việt về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay. Ông Việt nguyên Giám đốc Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng có thời gian làm việc cho Siemens và AT&T, được biết đến là một chuyên gia vật lý lý thuyết và vật lý tính toán, hệ thống thông tin và hệ thống mạng.
Từ năm 2019 trở lại đây, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chương trình thúc đẩy chuyển đổi số, đến nay cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Xin ông chia sẻ vài nhận xét về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay?
Chuyển đổi số tại Việt Nam có một số điểm sáng như: Hạ tầng viễn thông internet Việt Nam tương đối tốt; Cơ sở dữ liệu về dân cư được xây dựng thành công trong thời gian ngắn là một kỳ tích; Dịch vụ thanh toán ngân hàng rất tiện lợi và rộng khắp; Nhận thức của toàn xã hội với chuyển đổi số thay đổi theo hướng tốt lên.
Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn trong việc kết nối, phối hợp, chia sẻ và nhân rộng, nâng cấp các hệ thống đã đầu tư.
Vài năm trước, chuyên gia từng đề cập đến việc nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa hiểu được bản chất của chuyển đổi số là gì, họ chỉ hiểu một cách đơn giản là chuyển từ tài liệu giấy thành dạng lưu trữ số. Theo ông, đến thời điểm này, đa phần các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu rõ bản chất của chuyển đổi số chưa?
Chuyển tài liệu giấy tờ thành dạng lưu trữ số chỉ là giai đoạn đầu tiên trong chuyển đổi số gọi là giai đoạn số hóa. Giai đoạn hai là kết nối các phần mềm ứng dụng để chúng trở thành thông minh - nhưng đây cũng chưa phải là giai đoạn quan trọng nhất và là mục đích của chuyển đổi số. Sau hai giai đoạn này mới tới chuyển đổi số thực sự là chuyển đổi tư duy, thay đổi cách thức và mô hình hoạt động.
Đến thời điểm này, nhận thức của các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số đã tốt hơn. Tuy nhiên, nhận thức đó mới ở mức lý thuyết. Đa số các cơ quan và doanh nghiệp mới thấy tính cấp bách và cần thiết của giai đoạn hai. Rất ít cơ quan và doanh nghiệp thấy phải thay đổi cách nghĩ, cách làm theo phương thức mới.
Ông nhận xét gì về chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước hiện nay trong việc cung cấp dịch vụ công cho người dân?
Các dịch vụ công cũng đã tương đối nhiều. Nhiều dịch vụ cũng khá tiện lợi. Tôi nghĩ đó là bước tiến lớn.
Tuy nhiên, các dịch vụ đó chưa thực sự thông minh, kết nối với nhau thành một quy trình duy nhất. Mặt khác các dịch vụ này cũng chưa thực sự thiết thực, tiện lợi, hấp dẫn lôi cuốn người dùng,
Vậy theo ông, công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam còn những gì cần khắc phục?
Theo tôi vấn đề đầu tiên là hạ tầng dữ liệu. Chúng ta cần kết nối các ứng dụng bằng dữ liệu, sử dụng dữ liệu là tài nguyên để tạo ra giá trị mới và các ứng dụng thông minh. Hiện nay, thói quen cát cứ dữ liệu vẫn còn phổ biến.
Chúng ta phải có những cơ chế chính sách mới khuyến khích, hướng dẫn cho việc giải phóng và khai thông dữ liệu.
So với các nước Đông Nam Á, việc chuyển đổi số của Việt Nam nhanh hay chậm, đứng ở đâu so với các nước trong khu vực?
Chuyển đổi số của Việt Nam ở mức trung bình khá trong khu vực. Tuy nhiên, chúng ta có tiềm năng phát triển rất lớn. Tập trung nguồn lực và huy động sức mạnh của xã hội là ưu thế của chúng ta. Trong những năm gần đây, mức tăng trưởng của chúng ta khá cao.
Theo ông, những công nghệ mới như AI, Big Data, IoT, 5G... ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình chuyển đổi số?
Các công nghệ mới sẽ cho phép thu thập, sản xuất và sử dụng dữ liệu số sẽ tăng cường kết nối, các ứng dụng sẽ thông minh hơn. Đó là các công cụ quan trọng của chuyển đổi số. AI và Big Data sẽ phân tích dữ liệu số, IoT thu thập dữ liệu số, 5G giúp sử dụng dữ liệu số đa dạng hơn.
Thời gian gần đây người ta nhắc nhiều đến ngành công nghiệp Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn, phải chăng đã đến thời kỳ thoái trào của chuyển đổi số và thời kỳ lên ngôi của AI và bán dẫn?
Tôi không nghĩ vậy. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi cách nghĩ, cách làm. AI và bán dẫn là các cơ hội trước mắt có thể hỗ trợ cho chuyển đổi số.
Tôi không cho rằng chuyển đổi số sẽ đến thời kỳ thoái trào mà sẽ còn phải mạnh mẽ hơn. Chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho phát triển AI và công nghiệp bán dẫn. Và ngược lại các cơ hội này sẽ giúp tiến trình chuyển đổi số nhanh hơn.
Theo ông, trong giai đoạn từ 2030 đến 2050, Việt Nam nên tập trung cho chuyển đổi số hay cho phát triển công nghiệp bán dẫn?
Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu và lâu dài, sẽ có tác động lớn tới kinh tế, xã hội. Phát triển công nghiệp bán dẫn là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Tất nhiên, hai nhiệm vụ này có ý nghĩa khác nhau. Chuyển đổi số có ý nghĩa lớn hơn, đặc biệt trong tầm nhìn từ 2030-2050 là giai đoạn vươn mình của dân tộc.
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ta không tập trung cho cơ hội phát triển công nghiệp bán dẫn. Tôi không nghĩ hai nhiệm vụ này loại trừ nhau mà ngược lại chúng sẽ hỗ trợ nhau.
Xin cảm ơn ông!