Ông Trump phá nát nghi thức ngoại giao trước chuyến thăm Anh như thế nào?

VietTimes -- Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động cho chuyến công du nước ngoài mới nhất của mình - tới Vương quốc Anh - theo phong cách đặc trưng thường thấy, với một số phát ngôn được cho là mạt sát hoàng gia và can thiệp vào tình hình chính trị nội bộ của đất nước đang bị chia rẽ vì vấn đề Brexit.

Ông Trump tung ra loạt phát ngôn gây sốc trước chuyến công du Anh 3 ngày (Ảnh: The Sun)
Ông Trump tung ra loạt phát ngôn gây sốc trước chuyến công du Anh 3 ngày (Ảnh: The Sun)

Ông Trump đã mô tả một trong những thành viên mới nhất của Hoàng gia Anh, Công nương xứ Sussex Meghan Markle, là "xấu xa" sau khi nghe kể rằng cựu diễn viên Mỹ từng gọi ông là "kẻ thù ghét phụ nữ". "Tôi không biết rằng cô ta lại xấu xa đến vậy" - ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với tờ The Sun. Sau đó, ông còn lên Twitter và đưa ra dòng bình luận "chữa cháy": "Tôi chưa từng gọi Meghan Markle là xấu xa".

Đáng ngại hơn là ông Trump còn can thiệp vào cuộc đua trong nội bộ đảng Bảo thủ Anh để tìm ra tân Thủ tướng, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong giới phê bình ở Anh.

Theo các quy tắc ngoại giao, phần lớn các vị Tổng thống đều cố gắng tránh đề cập tới những vấn đề nhạy cảm giữa lúc bầu không khí chính trị đang căng thẳng. Nhưng trong trường hợp của ông Trump, dường như lãnh đạo Mỹ đã phạm phải điều cấm kỵ, càng khiến cho sự "tai tiếng" của ông ở nước Anh tăng thêm, ngay trước khi mà ông có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới nước này bắt đầu từ hôm 3/6. Còn trong con mắt của cộng đồng quốc tế, ông Trump càng nổi tiếng là người khó lường.

Tôn trọng các nghi thức ngoại giao là thứ ông Trump chưa bao giờ nằm lòng, và các phát ngôn mới đây của ông càng khiến cho chuyến thăm này trở thành một thách thức, ảnh hưởng tới "mối quan hệ đặc biệt" giữa Mỹ và Anh.

Những phát ngôn "gây sốc" của ông Trump được đưa ra trong lúc ông thực hiện phỏng vấn với tờ báo lá cải The Sun và tờ Sunday Times - tờ báo có chủ sở hữu là trùm truyền thông Rupert Murdoch, cũng là chủ sở hữu hãng Fox News. Chúng xuất hiện trong bối cảnh mà nước Anh đang chuẩn bị tiếp đón trọng thị ông Trump - người sẽ trở thành vị khách danh dự trong bữa yến tiệc nhà nước mà Nữ hoàng Elizabeth II tổ chức tại Điện Buckingham hôm đầu tuần này. Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump sẽ đồng hành cùng ông trong bữa tiệc sang trọng.

Ông Trump có thói quen phớt lờ những điểm nhạy cảm trong vấn chính trị và ngoại giao của nước chủ nhà trong những lần công du nước ngoài. Chỉ vừa mới tuần trước, ở Nhật Bản, khi tham dự một nghi thức của Hoàng gia Nhật, ông Trump nói "trắng trơn" rằng ông không quan tâm tới các vụ thử nghiệm tên lửa mới đây của Triều Tiên. Bình luận này khiến Nhật Bản không khỏi băn khoăn, bởi các vụ thử tên lửa của Triều Tiên đối với Chính phủ Nhật luôn là một mối đe dọa an ninh nghiêm.

Phát ngôn gây sốc của ông Trump về nước Anh cũng được đưa ra trong bối cảnh nữ Thủ tướng Theresa May mới hứng đòn chí mạng. Sự nghiệp chính trị của bà với tư cách Thủ tướng đã bị hủy hoại vì sự thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trong nước liên quan tới vấn đề Brexit.

Bà May sẽ khởi động cuộc bầu cử nhằm chọn ra lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ trong hôm thứ Sáu tuần này, bắt đầu tiến tình tìm kiếm người kế nhiệm bà và có thể sẽ bầu ra một tân Thủ tướng vào cuối mùa Hè năm nay. Những phát ngôn gần đây của ông Trump khiến nhiều người hiểu ra rằng: Washington mong muốn có một chính trị gia có tư tưởng hoài nghi châu Âu rõ ràng hơn thay thế bà May, người có thể đồng cảm hơn với Nhà Trắng hiện tại trong nhiều vấn đề.

Ông Trump chỉ trích một thành viên Hoàng gia Anh ngay trước chuyến thăm (Ảnh: AP)
Ông Trump chỉ trích một thành viên Hoàng gia Anh ngay trước chuyến thăm (Ảnh: AP)

Anh nên kiện EU!

Trong buổi phỏng vấn với tờ Sunday Times, ông Trump cho rằng bà May sẽ có kết cục tốt hơn nếu như bà áp dụng kiểu đàm phán vận động chính trị trong các vòng đàm phán Brexit với Liên minh châu Âu (EU). Ông cho rằng bà May nên từ chối trả khoản tiền 49 tỷ USD trong điều khoản "ly hôn" mà EU yêu cầu, nếu như Brussels không thực hiện những yêu cầu mà Anh mong muốn. Ông còn thêm rằng bà May nên kiện EU.

"Họ phải thực hiện cho xong điều đó" - ông Trump nói - "Họ phải đóng thỏa thuận".

Ông Trump thậm chí còn thách thức các ứng viên đang ganh đua để trở thành tân Thủ tướng Anh, kêu gọi họ nên lựa chọn ông Nigel Farage - lãnh đạo đảng Brexit mới thành lập nhưng trong kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua lại giành nhiều phiếu bầu nhất, đe dọa trực tiếp tới đảng Bảo thủ.

"Tôi rất thích ông Nigel. Ông ấy có nhiều sáng kiến" - ông Trump nói - "Ông ấy là người rất thông minh".

Ông Farage - người mà ông Trump gọi là một người bạn - là chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy, một lãnh đạo mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong con mắt của ông Trump. Cũng giống như ông Trump, ông Farage thường bị giới phê bình cáo buộc lợi dụng cảm xúc của cử tri về làn sóng nhập cư để đạt lợi ích chính trị và gây chia rẽ.

Ông Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia của ông, John Bolton, đều là những người mạnh miệng về Brexit, hay công khai chỉ trích các thể chế quốc tế như EU và cố gắng phục hồi chủ quyền quốc gia thay vì lấy hợp tác đa phương làm nền tảng xây dựng các mối quan hệ quốc tế.

Tổng thống Mỹ thậm chí còn cam kết sẽ tung toàn lực để hình thành một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) nếu Anh cắt đứt quan hệ với EU.

Ông Trump cũng giành những lời có cánh cho Boris Johnson - cựu Thị trưởng đầy khoa trương của Thủ đô London, người cũng đang tranh giành chức Thủ tướng - mà không biết rằng những lời nói của ông bị coi là can thiệp vào chính trị nội bộ của nước Anh. Ông Johnson "sẽ làm rất tốt công việc đó, ông ấy sẽ làm rất xuất sắc" - ông Trump nói trong bài phỏng vấn.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn, người muốn ép buộc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để lật đổ đảng Bảo thủ, thì lại nhận phải bình luận lạnh nhạt của ông Trump.

"Âm mưu của Tổng thống Trump trong việc quyết định ai sẽ là tân Thủ tướng Anh là sự can thiệp hoàn toàn không thể chấp nhận vào nền dân chủ của chúng tôi" - ông Corbyn viết trên Twitter - "Tân Thủ tướng không thể được lựa chọn bởi Tổng thống Mỹ, hay bởi 100.000 thành viên không đại nghị của đảng Bảo thủ, mà là bởi người dân Anh trong một cuộc tổng tuyển cử".

Chỉ trích thành viên Hoàng gia

Trong bài phỏng vấn với tờ lá cải The Sun hôm thứ Bảy tuần trước, phóng viên có nhắc tới bình luận của Meghan Markel về kiểu chính trị của ông Trump là "hận thù phụ nữ" và gây chia rẽ. Ông Trump đã phản bác lại, nói rằng ông không hề biết rằng Markle lại "xấu xa" đến vậy.

Trong một đoạn phỏng vấn khác với tờ Sunday Times, ông dường như lại xoa dịu tình hình, nói rằng: "Tôi chắc rằng cô ấy sẽ tốt thôi, cô ấy sẽ rất tốt". Công nương Markle dự kiến sẽ không tham dự buổi yến tiệc tại Điện Buckingham bởi cô đang mang bầu, nhưng ông Trump sẽ tham dự một bữa tiệc trà với bố chồng cô, Thái tử Charles, trong chuyến thăm của mình.

Hiện chưa có phản ứng chính thức từ Chính phủ Anh trước những bình luận sốc của ông Trump. Nhưng giới chức nước này chả lạ gì kiểu tính cách của ông Trump.

Hồi năm ngoái, khi ông Trump vừa đến London đã gây ra làn sóng tranh cãi lớn khi chỉ trích các chính sách Brexit của Thủ tướng May trong một cuộc phỏng vấn với The Sun. Sự việc khiến ông Trump khá hổ thẹn và phải đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi tới bà May.

Thị trưởng Lon don Sadiq Khan công khai chỉ trích ông Trump (Ảnh: The Sun)
Thị trưởng Lon don Sadiq Khan công khai chỉ trích ông Trump (Ảnh: The Sun)

Phát ngôn "kiểu phát xít"

Ông Trump không phải vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ can thiệp vào vấn đề Brexit. Tổng thống Barack Obama từng đưa ra bình luận trước sự kiện trưng cầu dân ý ở Anh năm 2016 rằng, nước Anh hậu Brexit sẽ "bị đẩy xuống cuối hàng" khi Mỹ xét tới việc ký kết một thỏa thuận thương mại với nước này. Bình luận trên lập tức hứng chỉ trích từ cả Anh và Mỹ. Nhưng đó chỉ là một ví dụ nhỏ nếu đem ra so sánh với hàng loạt bình luận kiểu can thiệp mà ông Trump đã thực hiện đối với Anh.

Những phát ngôn gây sốc của ông Trump chắc chắn sẽ làn dấy lên làn sóng biểu tình căng thẳng ở London trong những ngày ông tới thăm, buộc chính quyền Anh phải tăng cường mạng lưới an ninh.

Thị trưởng London Sadiq Khan - người thường xuyên chỉ trích ông Trump - nói rằng những luận điệu mà ông Trump đưa ra không khác gì "phát xít của thế kỷ 20". Trong bài viết cho tờ The Observer, ông Khan cho rằng "sẽ là phi Anh quốc nếu như trải thảm đỏ đón ông Trump" bởi thái độ của ông "đi ngược lại những lý tưởng vốn là nền tảng của Mỹ: Bình đẳng, tự do và tự do tôn giáo".

Nhưng ông Trump, người không hứng thú với thứ gì hơn là trở thành tâm điểm của sự chú ý, vẫn không thể xuất hiện trên trang nhất của truyền thông Anh trong sáng Chủ nhật vừa qua. Những bình luận của ông chỉ xếp ở vị trí thứ hai, đứng sau bài viết về trận thắng của Liverpool trước Tottenham trong trận chung kết Champions League.