Ông Trump miễn cưỡng tung đòn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

VietTimes -- Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ cấm Thổ Nhĩ Kỳ mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, sau khi nước này mua hệ thống phòng không của Nga, nhưng không đề cập chi tiết tới các đòn cấm vận mà Mỹ sắp áp đặt.
Tổng thống Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua (Ảnh: The National)
Tổng thống Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua (Ảnh: The National)

Ông Trump cũng đổ lỗi cho chính quyền người tiền nhiệm Obama đã dẫn đến tình trạng như hiện nay và tỏ rõ sự đồng cảm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vì "tình thế khó khăn mà họ bị đẩy vào".

"Do họ có một hệ thống tên lửa chế tạo ở Nga, nên giờ họ bị cấm mua 100 chiếc máy bay" - ông Trump nói trong một cuộc họp nội các - "Tôi muốn nói rằng nhà sản xuất Lockheed Martin cũng chẳng vui vẻ gì. Nói thẳng là tôi luôn có một mối quan hệ tốt với ông Erdogan".

Phản ứng muộn màng

Kết quả trên, theo giới phân tích và các cựu quan chức, xuất hiện sau vài tháng chính quyền Trump cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối diện các lệnh trừng phạt vì thương vụ vũ khí với Nga - bị coi là đe dọa an ninh quốc gia Mỹ và NATO. Ông Trump trước đó tỏ rõ là ông không muốn áp đòn trừng phạt với Ankara.

"Tổng thống chính là nguyên nhân của sự trì hoãn này" - John Hannah, ủy viên cấp cao thuộc Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, cho hay - "Ông ấy không muốn áp lệnh trừng phạt và loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi thương vụ mua F-35. Ngay từ đầu ông ấy đã có mối quan hệ tốt với ông Erdogan".

Ông Hannah cho rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản hồi tháng 6 vừa qua, ông Trump đã khiến giới hoạch định chính sách Mỹ bất ngờ khi hỏi về thương vụ S-400. "Thay vì cảnh báo ông Erdogan không nên tiếp tục thỏa thuận S-400, Tổng thống lại chấp nhận điều đó, và cho rằng lỗi là do Tổng thống Obama, và rằng Thổ Nhĩ Kỳ có lý do khi xa cách NATO và gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn" - ông Hannah nói.

Đằng sau hậu trường, giới chức chính quyền Mỹ bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton ra sức thúc đẩy các đòn trừng phạt, nhưng ông Trump vẫn do dự do đang có mối quan hệ tốt với ông Erdogan.

Tại Quốc hội, nơi mà cả hai đảng đều ủng hộ biện pháp trừng phạt Ankara, giới lập pháp đảng Cộng hòa đã gọi điện cho Tổng thống để thúc giục ông trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm thứ Sáu tuần trước, một buổi thông báo vắn của Lầu Năm Góc về thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ bị hủy. Hôm đầu tuần này, khi các phóng viên chờ đợi buổi thông báo vắn, các cố vấn Quốc hội cho hay ông Trump đang họp với giới chức bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc trong Phòng Bầu Dục để thảo luận về các lựa chọn đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ. Buổi thông báo vắn cuối cùng cũng bị hủy.

Mối quan hệ dần lạnh nhạt

Từ vấn đề thương vụ vũ khí này, có thể nhận thấy một mối quan hệ dần trở nên lạnh nhạt trong vài năm gần đây, khi mà Ankara ngày càng xem Washington là một đồng minh không đáng tin và trong một số trường hợp là đối lập với họ.

Cuộc chiến mà Mỹ thực hiện ở Iraq trước kia đã giúp cho người Kurd - lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là những kẻ khủng bố - giành được chút quyền tự trị. Mỹ sau đó bắt đầu huấn luyện và hợp tác với người Kurd để lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Washington cũng một mực từ chối dẫn độ vị giáo sỹ mà ông Erdogan cáo buộc là đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016.

Sự mất niềm tin này đã bùng phát khi Mỹ đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ hủy thương vụ S-400 với Nga, và ông Erdogan từ chối. Thay vào đó, chính quyền Ankara đã đánh dấu lễ kỷ niệm cuộc đảo chính bất thành trong hôm đầu tuần này bằng việc tiếp nhận lô hàng S-400 đầu tiên từ Nga.

Phát biểu trước Nhà Trắng hôm thứ Ba, ông Trump đã đổ lỗi cho chính quyền Obama đã gây ra tình hình hiện nay, nói rằng ông Obama đã từ chối bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này phải mua S-400 của Nga. Tuy nhiên, theo giới phân tích và một số quan chức, từ năm 2013 Mỹ đã bắt đầu làm việc để chuẩn bị bán cho Thổ Nhĩ Kỳ tên lửa Patriot, nhưng Washington sau đó bác bỏ yêu cầu chuyển giao công nghệ cho phía Ankara.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ "luôn là một đồng minh NATO có khả năng, nhưng quyết định của họ đối với S-400 là một sai lầm và đáng thất vọng".

Hệ thống phòng không S-400, theo giới phân tích, là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Hệ thống này được chế tạo để đánh bại công nghệ tàng hình của Mỹ, khiến nhiều quan chức hàng đầu ở Washington lo ngại rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận thêm F-35, hệ thống của Nga có thể được sử dụng để thu thập thông tin giá trị về mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này.

Tổng thống Trump khẳng định rằng, quyết định ngừng bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ là điều ông không hề mong muốn.

"Giờ chúng ta đang nói với Thổ Nhĩ Kỳ rằng, do các bạn bị buộc phải mua một hệ thống tên lửa khác, chúng tôi sẽ không bán cho các bạn F-35 nữa" - ông Trump nói - "Đó là một tình thế khó khăn mà cả họ và chúng ta bị đặt vào. Giờ chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra. Nhưng thực sự là điều này không công bằng. Bởi ông ấy mua tên lửa Nga, chúng ta không được phép bán lượng máy bay có giá hàng tỷ USD cho ông ấy. Điều này thật không công bằng".

Theo CNN