Ông Trịnh Văn Quyết: FLC muốn đầu tư lớn, lâu dài vào các thị trường mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ví các dự án như “tờ giấy trắng”, ông Trịnh Văn Quyết cho biết nếu tờ giấy đủ lớn, khả năng tạo ra các sản phẩm đa dạng để thu hút các nhà đầu tư, du khách đến tham gia vào "cuộc chơi" tại thị trường mới sẽ càng nhiều.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC

“Trò chơi” - theo lý giải của ông Trịnh Văn Quyết tại Hội thảo “Bất động sản 2021 & sự trỗi dậy của những thị trường mới” - là những loại hình bất động sản đa dạng sẽ được FLC phát triển nếu địa phương giao cho tập đoàn quỹ đất đủ lớn.

Theo chia sẻ của vị Chủ tịch FLC, khi đầu tư vào địa phương nào, tập đoàn cũng suy nghĩ sẽ phát triển lâu dài. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là địa phương phải đối xử công bằng với các nhà đầu tư lớn và vừa, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược.

“Nếu FLC được coi trọng là nhà đầu tư chiến lược, chúng tôi sẵn sàng đầu tư toàn tâm, toàn lực vào thị trường đó” – ông Quyết nói.

Lấy ví dụ tại Bình Định, ông Quyết cho biết tập đoàn bắt đầu khởi công xây dựng dự án quần thể nghỉ dưỡng từ tháng 4/2015 và chỉ sau 1 năm đã khánh thành.

Kết quả này có được nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, sự quý mến và ủng hộ của người dân trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, FLC còn được lãnh đạo tỉnh giới thiệu cho làm nhiều dự án, song tập đoàn chỉ lựa chọn những dự án tốt nhất và cam kết làm được.

Toàn cảnh buổi hội thảo (Ảnh: P.D)
Toàn cảnh buổi hội thảo (Ảnh: P.D)

Thị trường địa ốc Hà Nội, Tp. HCM còn hấp dẫn?

Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Đính (Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản VIệt Nam) cho biết đang có sự dịch chuyển của nhà đầu tư ra khỏi Hà Nội và Tp. HCM. Nguyên nhân là do các sản phẩm bất động sản, quỹ đất ở các địa phương này ngày càng khan hiếm. Giá cả cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.

Tại Hà Nội, giá các sản phẩm chung cư đã gần đạt đỉnh, người mua chủ yếu là có nhu cầu ở thực tế. Nếu mua để đầu tư lướt sóng, nhà đầu tư không thể có lãi.

Trong khi đó, tại TP. HCM, trong 2 năm trở lại đây không có dự án mới, giá đang có sự tăng giá mạnh, bình quân giá tăng từ 5 – 7%/năm, thậm chí có khu vực trên 10%/năm. Sự tăng giá này tiềm ẩn tình trạng “bong bóng”.

Theo ông Đính, nhà đầu tư sẽ tìm đến các thị trường vẫn còn khả năng sinh lời tốt, giá ở ngưỡng thấp. Những thị trường mới này là những địa phương bắt đầu có sự phát triển mạnh về kinh tế, công nghiệp, kinh tế du lịch.

Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, kể cả khi thị trường Hà Nội và Tp. HCM có trầm lắng, thì làn sóng dịch chuyển sang các thị trường mới vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do các địa phương khác cũng dần tiệm cận với các tiêu chuẩn mới, tận dụng được tiềm năng sẵn có, chuẩn bị có. Tiếp đến là những đổi mới về lối sống, cách sống và tiêu dùng hậu dịch Covid-19./.