"Đại án" Dong A Bank:

Ông Trần Phương Bình lấy sai phạm “đậy” sai lầm trong thương vụ 100 triệu USD

VietTimes - Công ty thân hữu vay hai quỹ đầu tư thuộc Vina Capital số tiền 100 triệu USD nhưng đến hạn không có khả năng thanh toán. Lo sợ chuyện kiện tụng và ngại sự việc vỡ lở sẽ làm phát lộ nhiều vấn đề khác Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank), ông Trần Phương Bình đã dấn thêm vào những bước sai lầm…  
Cựu CEO Dong A Bank Trần Phương Bình. (Ảnh: Internet)

Khoản vay 100 triệu USD “khoác áo” hợp tác đầu tư

Vạn Hạnh Mall và thương vụ 0 đồng của ông Trần Phương Bình

Theo tài liệu điều tra, ngày 8/12/2007, CTCP vốn Thái Thịnh (Đại diện là Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch HĐQT) ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 16.07/HĐHT/TTC-VNL-VIHL với Vietnam Intrastructure Holding Limited (VIHL) và Vinaland Espero Limited (VNL) (là hai quỹ thuộc Vina Capital).

Nội dung hợp đồng quy định, VIHL và VNL tài trợ cho CTCP vốn Thái Thịnh (Thái Thịnh) 100 triệu USD để mua cổ phần hoặc vốn góp tại 11 công ty mục tiêu (chủ yếu là các công ty đang sở hữu các dự án bất động sản); Thời hạn của hợp đồng là 12 tháng kể từ ngày 8/12/2007 và có thể được gia hạn thêm 12 tháng tùy theo quyết định của VNL và VIHL.

Đáng nói, hợp đồng này còn “thòng” thêm điều kiện: Thái Thịnh sẽ cầm cố toàn bộ cổ phần, vốn góp của Thái Thịnh tại các công ty mục tiêu cho Ngân hàng để Ngân hàng bảo đảm việc hoàn trả 100 triệu USD tiền viện trợ cùng lãi, phí sử dụng tài khoản 15%/ năm.

Không bất ngờ khi Ngân hàng đảm bảo được các bên thống nhất cho thương vụ trên chính là Dong A Bank – nhà băng do ông Trần Phương Bình chi phối và giữ chức Tổng Giám đốc.

Ngày 20/12/2007, Dong A Bank (đại diện là Trần Phương Bình – Tổng Giám đốc) ký hợp đồng ký thác và quản lý tài khoản đối với VNL và Thái Thịnh; Hợp đồng hợp tác đầu tư với VIHL và Thái Thịnh. Nội dung hợp đồng quy định: VNL và VIHL mở tài khoản ủy thác tại Dong A Bank để chuyển 100 triệu USD tiền tài trợ cho Thái Thịnh theo Hợp đồng hợp tác đầu tư nêu trên…; Dong A Bank thực hiện bảo đảm cho Thái Thịnh về khả năng hoàn trả 100 triệu USD tiền tài trợ và lãi tương ứng khi chấm dứt hợp đồng mà Thái Thịnh không có khả năng thu xếp đủ nguồn vốn để hoàn trả số tiền này cho VNL và VIHL;…

Với các điều kiện như vậy, nếu ai đó đánh giá việc đầu tư vào Thái Thịnh của hai quỹ thuộc Vina Capital mang bản chất là một thương vụ cho vay, với Dong A Bank là ngân hàng trung gian (kiêm "con tin"), có lẽ cũng không hẳn là không có lý.

Ngày 28/12/2007, VIHL và VNL đã chuyển tổng cộng 100 triệu USD vào tài khoản mà hai quỹ này mở tại Dong A Bank.

Được sự đồng ý từ VIHL và VNL, từ ngày 04 – 08/01/2008, Dong A Bank đã giải ngân 100 triệu USD, tương đương 1.602 tỷ đồng, để Thái Thịnh mua các tài sản, gồm: 100% vốn góp tại Công ty TNHH Hiệp Phú Gia (982 tỷ đồng), cổ phần tại CTCP ĐTXD Lâm Viên (477,5 tỷ đồng), cổ phần tại CTCP ĐTXD Nhật Quang (110,7 tỷ đồng). Còn lại 32 tỷ đồng Thái Thịnh dùng để thanh toán phí quản lý tài khoản cho Ngân hàng Đông Á.

Mọi chuyện ban đầu tỏ ra thuận lợi nhưng kết quả sau này cho thấy, đây dường như là một thương vụ sai lầm của CEO Trần Phương Bình và Dong A Bank:

Ngày 8/12/2008, hợp đồng hợp tác đầu tư hết hạn, VNL và VIHL không gia hạn hợp đồng và yêu cầu Thái Thịnh hoàn trả 100 triệu USD. Tuy nhiên Thái Thịnh vào thời điểm này không có khả năng thanh toán.

Nhưng còn điều kiện “thòng” với Dong A Bank!…

Lấy sai phạm “đậy” sai lầm?

Trước cơ quan điều tra, cựu CEO Dong A Bank Trần Phương Bình khai: Thái Thịnh sở hữu một số dự án bất động sản có giá trị cao, nằm ở vị trí đắc địa; Trần Phương Bình lo sợ bị VNL và VIHL khởi kiện Thái Thịnh và Ngân hàng Đông Á ra tòa án quốc tế nếu không hoàn trả 100 triệu USD, khi đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng Đông Á và có thể những sai phạm của nhà băng này như thiếu hụt tiền, vàng trong kho quỹ...sẽ bị phát hiện.

Nỗi lo sợ này đã dẫn ông Bình tới hành vi sai phạm: “rút ruột” Dong A Bank.

Tài liệu điều tra xác định, để đảm bảo hoàn trả cho VNL và VIHL 100 triệu USD, Trần Phương Bình chỉ đạo Dong A Bank cho Công ty CP Sơn Trà Điện Ngọc, Công ty TNHH Xây dựng Bách Việt và 5 cá nhân (gồm: Cao Ngọc Vũ, Nguyễn Thị Minh Dung, Trang Thị Bảo Chân, Nguyễn Hưng Quốc và Phạm Văn Tân) vay 10 khoản tổng số 1.671,6 tỷ đồng và xuất quỹ chi 77,8 tỷ đồng để sử dụng: 1.508 tỷ đồng được sử dụng để mua lại 5 tài sản của nhóm Công ty Thái Thịnh, gồm dự án Richland Hill (Quận 9, TP.HCM); 6 lô đất tại Đà Nẵng; gói 1 và 1.500 m2 gói 2 Dự án Khu đô thị Mỹ Gia; 29% vốn góp tại CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Vĩnh Thái và 35% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bắc Bình; 101,3 tỷ đồng được ông Trần Phương Bình mua 11,43 triệu cổ phần Ngân hàng Đông Á đứng tên CTCP Sơn Trà - Điện Ngọc; 62 tỷ đồng sử dụng cá nhân.

Sau mua lại Dự án Richland Hill, ông Trần Phương Bình tiếp tục chỉ đạo Dong A Bank cho Công ty TNHH Hiệp Gia Phú và Công ty TNHH Xây dựng Bách Việt vay 09 khoản tổng sốthêm 669,5 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư xây dựng dự án Richland Hill.

Cũng theo cơ quan điều tra, quá trình trả nợ cho các khoản vay trên, ông Bình đã chỉ đạo thuộc cấp thu khống 1.073 tỷ đồng tiền gốc và lãi cho 27 khoản vay liên quan đến việc mua tài sản của CTCP Vốn Thái Thịnh, đầu tư dự án Richland Hill và 20,33% vốn góp tại Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Đô thị Thái An. Đến nay, còn nợ Dong A Bank tổng số 2.131 tỷ đồng, trong đó 1.249 tỷ đồng nợ gốc.

Xin được làm rõ hơn về trường hợp tại CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Vĩnh Thái - pháp nhân có liên quan trực tiếp tới nhóm nhà đầu tư Vina Capital.

Theo đó, ngày 21/6/2010, ông Trần Phương Bình chỉ đạo Ngân hàng Đông Á chi nhánh Quận 10 cho Công ty TNHH Xây dựng Bách Việt vay 160 tỷ đồng để mua 29% vốn của Công ty Vĩnh Thái (Chủ đầu tư dự án Khu đô thị Vĩnh Thái tại TP. Nha Trang) từ một cá nhân thuộc nhóm thân hữu của ông Trần Phương Bình. Vị này sau đó thông qua các kênh trực tiếp và gián tiếp chuyển toàn bộ 160 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty vốn Thái Thịnh để Thái Thịnh thanh toán cho VNL và VIHL.

Đến nay, cơ quan điều tra xác định dư nợ của Bách Việt với Ngân hàng Đông Á là 146,2 tỷ đồng nợ gốc và 120,3 tỷ đồng tiền lãi. Trong số 19,6 tỷ đồng nợ gốc và 66,2 tỷ đồng tiền lãi đã trả, có 38,2 tỷ đồng do ông Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới thu khống.

Theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 10 ngày 3/10/2013, Công ty Bách Việt vẫn còn 29% vốn trong công ty Công ty Vĩnh Thái, Vinaland Espero Limited (VNL) có 30% và Công ty TNHH MTV Lam Co (do CEO Vina Capital Don Di Lam đứng tên) nắm 41%. Tổng vốn điều lệ là 597 tỷ đồng.

Lưu ý: Các thông tin nêu trong bài viết căn cứ theo nội dung hai bản Kết luận điều tra (lần đầu và bổ sung) vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á.

Đó chưa phải là bản kết luận điều tra cuối cùng, bởi ngày 31/7/2018, VKSND Tối cao trả toàn bộ hồ sơ cho cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra lại vụ án.

Còn bản chất vụ án cũng như các thông tin liên quan, dĩ nhiên, phải chờ đến phán quyết cuối cùng của tòa án. Mọi thông tin hiện thời sẽ chỉ có ý nghĩa tham khảo./.