
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng do các mức thuế thương mại mới của Washington, chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Nga diễn ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang cố gắng tiếp cận Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong bài viết đăng trên nhật báo Rossiyskaya Gazeta của Nga, ông Tập khẳng định hai nước "nên cùng nhau chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm can thiệp và làm suy yếu tình hữu nghị và lòng tin giữa Trung–Nga", theo Tân Hoa Xã.
Chủ tịch Tập sẽ có chuyến thăm chính thức kéo dài ba ngày từ 7 đến 10/5 tại Moscow, bao gồm việc tham dự lễ duyệt binh hoành tráng mừng Ngày Chiến thắng và thể hiện sự ủng hộ công khai với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước đó, vào vài tuần trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, Moscow và Bắc Kinh đã tuyên bố thiết lập "quan hệ đối tác không giới hạn". Kể từ đó, mối quan hệ hợp tác quân sự và thương mại giữa hai bên được mở rộng, gây lo ngại sâu sắc cho phương Tây.
Hôm 6/5, Điện Kremlin gọi mối quan hệ Nga–Trung là "hình mẫu chân chính" của hợp tác quốc tế và tuyên bố đây là thời kỳ "đỉnh cao nhất" trong quan hệ hai nước.
Dự kiến Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập sẽ có cuộc gặp riêng để thảo luận về tình hình Ukraine và quan hệ Nga–Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, lãnh đạo hai nước sẽ "kêu gọi các quốc gia phía Nam toàn cầu cùng định hình lại trật tự thế giới theo hướng công bằng, chống lại chủ nghĩa đơn phương và các hành vi bắt nạt, thúc đẩy một thế giới đa cực bình đẳng và có trật tự", theo đài truyền hình trung ương CCTV.
Khách mời danh dự
Tổng thống Putin sẽ phát biểu tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng lớn nhất từ trước tới nay ở Moscow vào ngày 9/5, nhân dịp kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II – sự kiện được sử dụng để kêu gọi sự ủng hộ trong nước cho các lực lượng Nga đang chiến đấu tại Ukraine.
Ông Tập sẽ là khách mời danh dự tại lễ duyệt binh ngày 9/5, bên cạnh 29 nguyên thủ nước ngoài khác – trong đó có 3 lãnh đạo đến từ các quốc gia không được công nhận hoặc chỉ được công nhận một phần.
Tổng thống Putin cũng đã ra lệnh ngừng bắn 3 ngày trên các mặt trận Ukraine để trùng với lễ kỷ niệm.
Kiev đã bác bỏ cử chỉ này và cho rằng đó là nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn cho buổi lễ, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn kéo dài một tháng.
Chỉ vài ngày trước lễ duyệt binh, Ukraine đã tấn công Moscow bằng máy bay không người lái (UAV) và tuyên bố nước này không thể chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra bên trong lãnh thổ Nga.
Ukraine cũng cho biết một số quốc gia đã tiếp cận Kiev để yêu cầu đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo của họ khi tham dự buổi lễ.
Trung Quốc đã cử 102 binh sĩ – lực lượng nước ngoài đông nhất trong số 13 quốc gia tham dự – tới Moscow cho sự kiện này.
Ukraine hôm thứ Ba đã cảnh báo rằng việc có bất kỳ binh sĩ nước ngoài nào tham gia lễ duyệt binh là “không thể chấp nhận được” và giúp Nga "tẩy trắng các tội ác chiến tranh".

Lằn ranh mong manh
Trung Quốc tự coi là bên trung lập trong cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm tại Ukraine, dù các nước phương Tây cho rằng mối quan hệ gần gũi với Nga đã mang lại cho Moscow lợi thế về kinh tế và ngoại giao.
Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga và cho biết có ít nhất 155 công dân Trung Quốc đang chiến đấu bên phía lực lượng Nga – điều Bắc Kinh đã phủ nhận.
Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào và kêu gọi công dân nước mình không tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang.
Tuy nhiên, trong suốt thập kỷ qua, quan hệ Trung–Nga ngày càng được củng cố. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây có hiệu lực.
Ngược lại, Nga chỉ là đối tác thương mại lớn thứ năm của Trung Quốc, chủ yếu cung cấp khí đốt và dầu mỏ cho nền kinh tế khổng lồ này.
Các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống mà các doanh nghiệp phương Tây để lại, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô, kể từ khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine.
Đáng chú ý, gần như toàn bộ giao dịch thương mại song phương giữa hai nước hiện nay đều được thanh toán bằng đồng nội tệ – với 95% thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp – cho thấy mức độ tách biệt ngày càng sâu giữa liên minh Trung–Nga và hệ thống tài chính phương Tây.

Bắc Kinh chỉ trích "phát ngôn vô trách nhiệm" sau thông tin lính Trung Quốc tham chiến cùng Nga

Ông Zelensky cáo buộc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga
