Ông Medvedev: “Đức đang hành xử giống như là kẻ thù của Nga!”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga tuyên bố Đức không có quyền chỉ trích quyết định của Nga đình chỉ xuất khẩu khí đốt qua Nord Stream-1. Ông cũng nói, chính Đức đang hành xử như là kẻ thù của Nga.
Nga tuyên bố ngừng vô thời hạn việc cung cấp khí đốt cho châu Ậu qua tuyến ống Nord Stream-1 khiến châu Âu phải sớm đương đầu với mùa Đông lạnh giá (Ảnh: Reuters).
Nga tuyên bố ngừng vô thời hạn việc cung cấp khí đốt cho châu Ậu qua tuyến ống Nord Stream-1 khiến châu Âu phải sớm đương đầu với mùa Đông lạnh giá (Ảnh: Reuters).

Ngày 4/9 theo giờ địa phương, ông Dmitri Medvedev đã viết trên nền tảng mạng xã hội Telegram rằng Đức "áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và công dân của nước này", đồng thời nói rằng Berlin cũng "cung cấp cho Ukraine vũ khí sát thương chống lại lực lượng vũ trang của chúng tôi". Ông Medvedev nói những hoạt động như vậy chẳng khác nào "chiến tranh hỗn hợp."

Theo các báo, phát biểu của ông Medvedev là một phản ứng đối với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Trước đó, ông Scholz đã nói rằng Berlin không còn coi Moscow là một nhà cung cấp dầu và khí đốt đáng tin cậy nữa. Ông Scholz phát biểu tại một cuộc họp báo: "Nga không còn là đối tác năng lượng đáng tin cậy", đồng thời công bố biện pháp bổ sung trị giá 65 tỷ euro nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Đức khỏi tác động của khủng hoảng năng lượng dẫn đến lạm phát tăng cao.

Động thái của Berlin diễn ra khi Công ty công nghiệp Dầu khí Gazprom lớn nhất của Nga thông báo họ sẽ ngừng vô thời hạn việc cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua đường ống dẫn khí Nord Stream-1 với lý do các vấn đề kỹ thuật. EU cáo buộc Nga đã sử dụng xuất khẩu năng lượng làm vũ khí.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga Medvedev (Ảnh: RIA)

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga Medvedev (Ảnh: RIA)

Báo cáo cho biết kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2 năm nay, Đức đã liên tục hỗ trợ Ukraine, đã cung cấp cho Kyiv hệ thống tên lửa phòng không Stinger, lựu pháo tự hành PZH-2000 và xe tăng phòng không Leopard, cùng một loạt vũ khí khác.

Trước đó, cùng ngày 4/9 theo giờ địa phương, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra gói kế hoạch cắt giảm chi phí năng lượng trong cuộc họp báo sau cuộc họp chung nhiều đảng phái, thề sẽ "vượt qua mùa đông lạnh giá". Mở đầu bài phát biểu, ngoài việc tuyên truyền về tính cấp thiết của kế hoạch, ông còn chỉ trích Nga phát động chiến tranh và không tuân thủ các hợp đồng năng lượng, dù trong thời kì chiến tranh Lạnh trước đây cũng chưa từng xảy ra chuyện như vậy.

Theo bản ghi chép bài phát biểu được công bố trên trang web chính thức của chính phủ Đức, bắt đầu bài phát biểu của mình, ông Scholz đã nhấn mạnh tính cấp thiết của tình hình năng lượng hiện nay: "Tôi biết rất nhiều người dân đang lo lắng về tương lai, về giá điện, giá gas tăng, chi phí sinh hoạt lên cao, mọi thứ đều gắn chặt với lạm phát."

Nhưng ngay sau đó ông cho rằng nguyên nhân của thời điểm khó khăn này là do Nga gây chiến tranh với Ukraine. Cuộc chiến này không chỉ mang lại thảm họa lớn cho người dân Ukraine, mà còn ảnh hưởng đến hòa bình và trật tự trên toàn châu Âu. Trong thời khắc khó khăn này, Đức đã ủng hộ Ukraine, cung cấp nhiều viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo.

Tuyên bố của Thủ tướng Scholz trên trang web của Chính phủ Đức.

Tuyên bố của Thủ tướng Scholz trên trang web của Chính phủ Đức.

Ông Scholz nói thêm rằng cuộc chiến Nga-Ukraine ảnh hưởng đến mọi người châu Âu, bao gồm cả “nút thắt cổ chai” trong việc cung cấp năng lượng. "Nga không tôn trọng và vi phạm các hợp đồng cung cấp. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga đã vẫn cung cấp năng lượng, nhưng bây giờ họ đã không cung cấp năng lượng. Nga không còn là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy nữa. Đây là một thực tế mới."

Ông cho biết Đức đã "chuẩn bị sẵn sàng cho điều này", trong tương lai nhiều bến tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) được xây dựng dưới Biển Bắc và các nhà máy điện than sẽ được khởi động lại. "Chúng ta sẽ vượt qua mùa đông lạnh giá này", ông nói.

Tại cuộc họp báo, ông Scholz đã đưa ra kế hoạch cứu trợ lên tới 65 tỷ euro để giảm bớt tác động tiêu cực của việc giá năng lượng tăng cao đối với dân chúng. Kế hoạch này bao gồm việc thúc đẩy cải cách thị trường năng lượng, giới hạn giá giao dịch năng lượng và trọng điểm tập trung vào việc "trấn áp các nhà cung cấp năng lượng trục lợi" dưới hình thức "thuế siêu lợi nhuận" và sử dụng thu thuế để tài trợ cho các biện pháp cứu trợ khác nhau.

Hiện nay, Ủy ban châu Âu đang thảo luận về việc có nên đặt giới hạn trần giá khí đốt tự nhiên của Nga hay không. Ông Scholz cho biết, nếu các nước EU có thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận, Chính phủ Đức sẽ tuân theo các quy định ở cấp độ châu Âu, hoặc trực tiếp thực hiện "lệnh giới hạn giá năng lượng" ở cấp quốc gia.

Ngoài năng lượng, ông Scholz cũng nói về các biện pháp cứu trợ cho người dân Đức trong cuộc họp báo ngày 4. Ông cam kết trong tương lai sẽ mở rộng đối tượng trợ cấp nhà ở của nhà nước từ 700.000 người hiện nay lên 2 triệu người, đồng thời sẽ phân phát tiền cứu trợ mức 300 euro cho người hưu trí và 200 euro cho sinh viên.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Guancha).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Guancha).

Hai khoản này sẽ tiêu tốn của chính phủ Đức khoảng 30 tỷ euro. Trên cơ sở này, ông Scholz cũng muốn cắt giảm các khoản đóng góp an sinh xã hội cho những người có thu nhập dưới 2.000 euro một tháng và tăng trợ cấp cho trẻ em.

Vào ngày 2/9, Bộ Tài chính Hoa Kỳ thông báo rằng các bộ trưởng tài chính nhóm nước công nghiệp phát triển (G7) đã đạt được thỏa thuận hạn chế giá dầu của Nga. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết bà đang mong muốn hoàn tất việc thực hiện giới hạn giá cụ thể trong những tuần tới. Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Đức rằng bà tin tưởng rằng đã đến lúc đặt trần cho giá khí đốt của Nga.

Cùng ngày, Công ty cổ phần công nghiệp khí đốt Gazprom thông báo do sự cố về thiết bị, tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream-1 sẽ ngừng hoàn toàn việc truyền dẫn khí đốt tới châu Âu. Điều đáng chú ý là thông báo không tiết lộ thời gian cụ thể nối lại việc truyền dẫn khí đốt, chỉ đề cập "cho đến khi sự cố được loại bỏ".

Quyết định này cũng khiến nhiều nước châu Âu cảm thấy “mùa đông lạnh giá đang đến gần”.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Peskov ngày 4/9 cho rằng việc đình chỉ vận hành tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream-1 nguyên nhân là quyết định sai lầm của phía châu Âu, họ từ chối thực hiện bảo trì thiết bị đường ống dẫn khí Nord Stream-1 theo hợp đồng không phải do hành động của Gazprom mà do lỗi của các chính trị gia phương Tây đã đưa ra quyết định trừng phạt. Ông Peskov nói “Gazprom vẫn là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.”