Từ đó, tòa tuyên phạt bị cáo Lê Đức Thọ mức án 15 năm về tội Nhận hối lộ; 13 năm về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng lên người khác để trục lợi; tổng hợp hình phạt là 28 năm tù. Ngoài ra, bị cáo Thọ phải nộp phạt bổ sung mỗi tội danh 100 triệu đồng.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil) 30 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và Đưa hối lộ.
Ông Lê Đức Thọ nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án
Ngày 29/11, TAND TP.HCM công bố bản án đối với ông Lê Đức Thọ, Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre; cựu Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải; Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, cùng 12 bị cáo liên quan.
Bản án xác định khi Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn tại Vietinbank và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, từ năm 2019 đến tháng 1/2020, bị cáo Thọ đã hai lần nhận hối lộ, tổng 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) của bà Hạnh.
Ngoài ra, từ năm 2021, ông Thọ còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc ngân hàng chi nhánh Bến Tre cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%. Bị cáo Hạnh đã tặng cho ông Thọ nhiều tài sản có giá trị.
Tổng cộng, ông Thọ đã Nhận hối lộ và Lợi dụng vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng lên người khác để trục lợi hơn 33 tỷ đồng.
Theo HĐXX, ông Thọ là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án nên cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, sai phạm diễn ra trong thời gian bị cáo làm Bí Thư Bến Tre là nhằm muốn tận dụng mối quan hệ với Xuyên Việt Oil để phát triển kinh tế xã hội tỉnh, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân... Hành vi này của bị cáo xuất phát từ lợi ích chung của địa phương. Hiện bị cáo đã nộp lại 34 tỷ đồng hưởng lợi nên khi lượng hình đã xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Từ đó, tòa tuyên phạt mức án 15 năm về tội Nhận hối lộ; 13 năm về tội Lợi dụng vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng lên người khác để trục lợi; tổng hợp hình phạt là 28 năm tù.
Gây thất thoát nghìn tỷ đồng
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, diễn biến tại tòa, HĐXX xác định bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh biết rõ xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện cấp giấy phép. Sau đó, bà Hạnh đã liên hệ ông Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) giúp đỡ và hứa cảm ơn.
Tiếp đó, bà Hạnh liên hệ với nhiều bị cáo từng là công tác tại Bộ Công Thương để đưa hối lộ nhằm giúp Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu.
HĐXX cho rằng hành vi của bị cáo Đỗ Thắng Hải, Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), Hoàng Anh Tuấn (cựu phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) đủ yếu tố cấu thành tội Nhận hối lộ.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính ngoài ngân sách thuộc tài chính công, tài sản công để tại doanh nghiệp là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở tài khoản Quỹ bình ổn giá tại ngân hàng thương mại, phải trích tiền trên cơ sở số lượng doanh thu bán hàng để nhập vào Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, bà Hạnh đã lợi dụng việc Xuyên Việt Oil được giao thu hộ, quản lý, sử dụng tiền Quỹ bình ổn giá, chỉ đạo Nguyễn Thị Như Phương (Phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) không chuyển 219 tỷ đồng tiền quỹ vào tài khoản Xuyên Việt Oil, mà chuyển tới các tài khoản của mình rồi rút ra sử dụng vào mục đích cá nhân. Đồng thời, bà Hạnh không nộp 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường được giao thu hộ.
Hành vi trên của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Thị Như Phương đã đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
HĐXX xác định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai. Hành vi của bị cáo Hạnh là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, số tiền thiệt hại rất lớn.
Trong vụ án này, nhiều bị cáo có chức vụ lớn, được Nhà nước giao nhiệm vụ khác nhau nhưng đã nhận tiền, quà từ bị cáo Hạnh để không thực hiện đúng nhiệm vụ.
Đối với tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, HĐXX nhận định bị cáo Hạnh là chủ mưu, gây ra thiệt hại lớn. Sau khi vụ án xảy ra, bà Hạnh nộp lại 100 triệu đồng, không đáng kể so với số tiền thất thoát nên cần xử lý nghiêm. Còn bị cáo Nguyễn Thị Như Phương phạm tội có vai trò lệ thuộc, làm công ăn lương, không hưởng lợi nên giảm nhẹ một phần hình phạt.
Về tội Đưa hối lộ, bị cáo Hạnh là chủ mưu, chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ 22 lần, hơn 31 tỷ đồng nên cần có mức án nghiêm, còn những người còn lại là đồng phạm, giúp sức.
Bị cáo Hoàng Anh Tuấn đã trực tiếp gặp gỡ Mai Thị Hồng Hạnh, kiến nghị ông Đỗ Thắng Hải ký cấp giấy phép, nhận hối lộ lớn nên cũng cần có mức án nghiêm khắc.
Trong vụ án này, tất cả các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận về hành vi sai phạm nên HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Từ những phân tích trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 30 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và Đưa hối lộ.
Bị cáo Đỗ Thắng Hải bị phạt 3 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Các bị cáo còn lại bị phạt 1 năm 6 tháng tù treo đến 7 năm tù.
Trả lại 97 miếng vàng cho bị cáo Lê Đức Thọ
Quá trình điều tra, Bộ Công an cũng tìm thấy và thu giữ 97 miếng kim loại màu vàng khi khám xét chỗ ở của ông Lê Đức Thọ. Qua giám định, cơ quan chức năng xác định 97 miếng này đều là vàng, có hàm lượng trung bình 99,99%.
Về nội dung này, HĐXX cho rằng không liên quan tới vụ án nên quyết định trả lại cho bị cáo Lê Đức Thọ.