Nhật báo al-Akhbar của Lebanon trước đó đưa tin Nga đã soạn xong một bản hiến pháp, theo đó sẽ tước đi nhiều quyền của ông Assad và thành lập một chính phủ phân quyền hơn. Đây được xem là động thái nhượng bộ các nhóm phiến quân đang tìm cách lật đổ chế độ ông Assad.
Tuy nhiên sau đó, trang Facebook chính thức của Tổng thống Assad đã đăng tuyên bố khẳng định: "Không có bản dự thảo hiến pháp nào được trình lên nước Cộng hòa Ả Rập Syria. Mọi thông tin được truyền thông đề cập về vấn đề này là hoàn toàn không đúng sự thật.”
"Bất cứ hiến pháp mới nào trong tương lai dành cho Syria sẽ không được đưa ra bởi nước khác, mà sẽ hoàn toàn là của Syria, được thảo luận và nhất trí bởi chính người Syria và sau đó sẽ được đưa ra trưng cần dân ý. Mọi thứ khác sẽ là vô giá trị và vô nghĩa" - tuyên bố nêu rõ.
Hồi tháng trước, hãng tin Bloomberg cũng đưa tin Nga và Mỹ đang bàn bạc về một bản dự thảo hiến pháp cho Syria.
Trong một diễn biến khác, ngày 27-5, Hội đồng Liên minh châu Âu đã gia hạn thời gian trừng phạt chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thêm 1 năm.
Theo đó, Liên minh châu Âu (Eu sẽ duy trì trì lệnh cấm vận dầu mỏ, hạn chế đầu tư và đóng băng các tài sản của ngân hàng trung ương Syria tại EU, hạn chế xuất khẩu sang Syria thiết bị và công nghệ có thể được sử dụng cho mục đích đàn áp hoặc giám sát, nghe lén cuộc gọi điện thoại hoặc đọc trộm nội dung trao đổi thông qua internet. Ngoài ra, hơn 200 nhân vật và 70 tổ chức bị cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản vì liên quan đến hành vi “đàn áp bạo lực” dân thường của chế độ ông Assad.
Trong khi đó, EU cũng tuyên bố tiếp tục hợp tác với Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria (ISSG) - gồm 17 nước, do Nga và Mỹ đồng chủ trì - nhằm "tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Syria."
ISSG hiện chưa thể ấn định một thời điểm cho cuộc đàm phán mới giữa chính quyền Assad và phe đối lập.
Theo Reuters, NLĐ