Ô nhiễm ánh sáng đang đẩy côn trùng đến bờ vực tuyệt chủng

Trong một mùa hè ở Đức, khoảng 100 tỷ con côn trùng đã chết vì đèn pha ô tô.

Trong một nghiên cứu đánh giá toàn diện nhất được thực hiện từ trước đến nay, các nhà khoa học kết luận: Ánh sáng mà loài người tạo ra vào ban đêm đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cyar đời sống côn trùng.


Những bóng đèn đường nóng bỏng đang dụ bướm đêm lao vào vì tưởng nhầm đó là mặt trăng. Một phần ba những con côn trùng bị mắc kẹt trong quỹ đạo của những luồng ánh sáng này sẽ chết trước khi mặt trời mọc. Chúng hoặc là kiệt sức hoặc là bị ăn thịt.

Ánh đèn cũng soi rọi vào tận nơi ẩn nấp của những con côn trùng làm mồi cho chuột và cóc. Một màn đêm quá sáng khiến tín hiệu giao phối của đom đóm bị mờ nhạt. Còn riêng đèn pha ô tô ở Đức, ánh sáng đã giết chết tới hơn 100 tỷ con côn trùng chỉ trong một mùa hè.

"Chúng tôi tin rằng ánh sáng nhân tạo vào ban đêm - kết hợp với môi trường sống bị thu hẹp, ô nhiễm hóa học, các loài xâm lấn và biến đổi khí hậu - đang thúc đẩy sự suy giảm côn trùng", các nhà khoa học đi đến kết luận sau khi đã đánh giá hơn 150 nghiên cứu trước đó.

Màn đêm của con người đang đưa côn trùng đến ngày tận thế của chúng, họ viết. Tuy nhiên, vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách này lại đang bị xem nhẹ. Bởi sự tuyệt chủng của côn trùng có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả hệ sinh thái.

Ô nhiễm ánh sáng đang đẩy côn trùng đến bờ vực tuyệt chủng - Ảnh 1.

Ô nhiễm ánh sáng đang đẩy côn trùng đến bờ vực tuyệt chủng.

Brett Seymoure, một nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Washington ở St Louis, tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết: "Ánh sáng nhân tạo vào ban đêm là những ánh sáng do con người tạo ra - từ đèn đường cho đến hoạt động đốt khí từ các mỏ khai thác dầu. Nó có thể ảnh hưởng đến côn trùng trên hầu hết mọi khía cạnh cuộc sống mà chúng ta có thể tưởng tượng ra".

Trong một nghiên cứu đánh giá toàn cầu đầu tiên được công bố hồi đầu năm nay, các nhà khoa học đã ghi nhận sự suy giảm mạnh dân số côn trùng ở Đức và Puerto Rico. Những con côn trùng tưởng chừng nhỏ bé, nhưng sự biến mất của chúng có thể đe dọa cả hệ sinh thái, kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ sự sống.

Một lần nữa nhấn mạnh hiệu ứng domino này, bản báo cáo mới của Seymoure cho biết: "Quần thể côn trùng trên khắp thế giới đang suy giảm nhanh chóng. Sự vắng mặt của chúng sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc cho sự sống trên hành tinh".

Chúng ta biết rằng trên Trái Đất tồn tại hàng triệu loài côn trùng khác nhau. Phần lớn trong số chúng thậm chí còn chưa được khoa học biết đến. Khoảng một nửa những loài côn trùng sống về đêm. Và cả những loài côn trùng sống vào ban ngày cũng bị quấy rầy bởi ánh sáng nhân tạo khi chúng nghỉ ngơi.

Nghiên cứu phân tích được công bố trên tạp chí Biological Conservation lưu ý rằng ánh sáng từ lâu đã được những người nông dân sử dụng nhằm trấn áp sự phát triển của côn trùng. Nhưng khi cơ sở hạ tầng của con người được mở rộng và số tiền bỏ ra để thắp sáng màn đêm giảm xuống đến rẻ mạt, một phần tư diện tích đất liền trên hành tinh lúc này đang phải hứng chịu ô nhiễm ánh sáng.

Ô nhiễm ánh sáng đang đẩy côn trùng đến bờ vực tuyệt chủng - Ảnh 2.

Một con bọ hung hoạt động về đêm.

Tác động quen thuộc nhất của ô nhiễm ánh sáng mà bạn có thể thấy là những con bướm đêm vỗ cánh quanh một bóng đèn vì tưởng nhầm nó là mặt trăng. Một phần ba những con côn trùng bị mắc kẹt trong quỹ đạo của những luồng ánh sáng này sẽ chết trước khi mặt trời mọc. Chúng hoặc là kiệt sức hoặc là bị ăn thịt.

Nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy quần thể bướm đêm ở các địa điểm ô nhiễm ánh sáng bị sụt giảm mạnh hơn so với những nơi tối tăm. Đèn pha xe cộ cũng có một sức hấp dẫn chết chóc, khi nó giết chết đến 100 tỷ con côn trùng ở Đức chỉ sau một mùa hè.

Ánh sáng nhân tạo cũng cản trở một số loài côn trùng tìm được bạn tình, rõ ràng nhất là ở đom đóm, khi chúng trao đổi tín hiệu phát quang sinh học để tán tỉnh nhau.

Một số loài côn trùng thì sử dụng hiện tượng phân cực ánh sáng, những ánh lấp lánh phản chiếu lại từ mặt nước rung động, để tìm kiếm nơi chúng có thể sinh sản. Nhưng ánh sáng nhân tạo có thể làm hỏng hiệu ứng điều này.

"Những con phù du chỉ sống được trong một ngày, vì vậy chúng ra ngoài và tìm kiếm ánh sáng phân cực. Chúng tìm thấy nó – nhưng ánh sáng này lại phát ra từ những bề mặt đường nhựa- những con phù du đẻ trứng ở mặt đường và tất cả đều chết. Đó là một cách tốt để xóa sổ toàn bộ dân số phù du chỉ trong 24 giờ".

Ô nhiễm ánh sáng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của những con côn trùng chưa trưởng thành, chẳng hạn như dế đồng. Nó có thể khiến dế đồng thay đổi nhận thức về độ dài của ngày và đêm.

Nghiên cứu cho thấy ô nhiễm ánh sáng tác động đến cả hoạt động kiếm ăn của các loài động vật. Chẳng hạn côn trùng tránh ánh sáng như weta, một loài dế khổng lồ không thể bay được tìm thấy ở New Zealand, sẽ dành ít thời gian tìm kiếm thức ăn hơn trong những khu vực bị ô nhiễm ánh sáng.

Ngược lại, côn trùng cũng là con mồi quan trọng đối với nhiều loài vật. Và ô nhiễm ánh sáng có thể thúc đẩy sự mất cân bằng sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho các động vật ăn côn trùng nếu chúng bị mắc kẹt xung quanh một vùng sáng.

Ô nhiễm ánh sáng đang đẩy côn trùng đến bờ vực tuyệt chủng - Ảnh 3.

Một con bướm đập cánh trong màn đêm ở Hungary.

Nhện, dơi, chuột, chim bờ, tắc kè và cóc mía bây giờ đều đã được tìm thấy khi đang kiếm ăn xung quanh khu vực có ánh đèn nhân tạo. Các nhà nghiên cứu cho biết sự phát triển quá mạnh của các loài này có thể đẩy các loài côn trùng nhanh chóng tới  bên bờ vực tuyệt chủng.

Bản thân các loài côn trùng, chúng có thể đối phó được với nhiều mối đe dọa tiềm tàng do con người gây ra liên quan đến tự nhiên, ví dụ như biến đổi khí hậu, sự gia tăng của các loài động vật lạ. 

Nhưng tuyệt nhiên, chúng rất khó thích ứng với tình trạng ô nhiễm ánh sáng mà con người gây ra, bởi ánh sáng đó là những ánh sáng nhân tạo hoàn toàn và chu kỳ sáng/tối đến nay vẫn không có gì thay đổi trong suốt thời gian tiến hóa, các nhà khoa học viết.

Tuy nhiên, đối với con người, ô nhiễm ánh sáng là vấn đề dễ giải quyết nhất trong số các mối đe dọa mà chúng ta gây ra cho côn trùng, Seymoure nói. 

"Một khi bạn tắt đèn, nó sẽ biến mất. Bạn không cần phải đi đâu và dọn dẹp, giống như bạn làm với hầu hết các chất ô nhiễm. Tôi không nói rằng chúng ta cần loại bỏ hoàn toàn ánh sáng vào ban đêm, tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ cần sử dụng nó một cách khôn ngoan là được".

Cách đơn giản nhất mà chúng ta có thể làm là tắt các bóng đèn điện không cần thiết. Ngoài ra, việc đổi sang các loại đèn tự động phát hiện chuyển động cũng giúp cắt giảm ô nhiễm ánh sáng. Quy hoạch đèn chiếu sáng, chỉ đặt chúng ở các khu vực quan trọng và che chắn ánh sáng cho các khu vực còn lại cũng có vai trò quan trọng.

Và khi ánh sáng trắng và xanh gây cản trở đến nhịp sinh học của động vật, việc chuyển sang đèn LED có thể điều chỉnh màu sắc và tần số nhấp nháy cũng sẽ làm giảm các tác hại.

Ô nhiễm ánh sáng đang đẩy côn trùng đến bờ vực tuyệt chủng - Ảnh 4.

Hàng ngàn con đom đóm nhảy múa trong một khu rừng ở Nhật Bản.

"Các bằng chứng khoa học đã chỉ ra ô nhiễm ánh sáng tác động sâu sắc và nghiêm trọng đến hệ sinh thái", Matt Shardlow, giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện bảo tồn Buglife cho biết. "Cả xã hội bây giờ phải thực hiện ngay các bước quan trọng để tạo ra một môi trường sống an toàn hơn cho côn trùng".

Shardlow đề xuất mục tiêu giảm ánh sáng trên toàn quốc nên được tích hợp vào luật. Đó sẽ là bước tiến thích hợp nhất. Nhưng ông lưu ý rằng Hướng dẫn ô nhiễm ánh sáng mới của chính phủ Anh hiện chưa tính đến cuộc khủng hoảng đối với côn trùng, khiến dân số của nhiều loài sụt giảm.

Giáo sư Nigel Raine, một chuyên gia thụ phấn tại Đại học Guelph, Canada, người không tham gia vào bản đánh giá, cho biết: "Ô nhiễm ánh sáng có thể tạo ra những ảnh hưởng đáng kể ở cấp độ cá thể côn trùng, với từng loài hoặc toàn bộ quần thể của chúng".

Ông nói rằng các nhà khoa học cần chú ý nhiều hơn đến vấn đề này: "Tuy nhiên, có thể còn quá sớm để nói rằng các tác động từ ô nhiễm ánh sáng cũng sâu rộng tương đương các tác động gây bất lợi khác tới côn trùng".

Nhóm Seymoure, cho biết hiện chưa có nhiều nghiên cứu liên kết ô nhiễm ánh sáng với côn trùng. Bởi từ xưa đến nay, các nhà khoa học đều ưu tiên nghiên cứu các hiện tượng xảy ra vào ban ngày thay vì ban đêm. Còn với nhiều loài côn trùng, chúng có thể không còn sống cho tới khi chúng ta thức dậy.

Theo Trí thức trẻ

http://ttvn.vn/cong-nghe/o-nhiem-anh-sang-dang-day-con-trung-den-bo-vuc-tuyet-chung-720192611171126707.htm