Nữ doanh nhân Việt bị sát hại ở Trung Quốc: Dấu hiệu bất thường từ ‘bạn hàng’

Trước khi trút hơi thở cuối cùng tại Trung Quốc, bà Hà Thúy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh đã nói với các y, bác sĩ rằng bà đi cùng một bạn hàng vào quán nước rồi mê man, sau đó bị đánh, cướp…
à Linh nhận cúp và bằng khen tại chương trình giao lưu kinh tế văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp VN - Asean 2015 - Ảnh: Công ty Hà Linh cung cấp
à Linh nhận cúp và bằng khen tại chương trình giao lưu kinh tế văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp VN - Asean 2015 - Ảnh: Công ty Hà Linh cung cấp

Thông tin này được luật sư (LS) Trương Quang Quý, người hỗ trợ pháp lý cho Công ty Hà Linh, kể lại với PV Thanh Niên hôm qua.

LS Quý cũng nêu rất nhiều những điểm bất thường trong chuyến đi đến Quảng Đông (Trung Quốc) đầu tiên của bà Linh để ký hợp đồng bán trà ô long, dẫn đến cái chết đầy nghi vấn của nữ doanh nhân trẻ.

Ký hợp đồng "chỉ được đi một mình"

Theo LS Quý, bản hợp đồng bán hàng mà bà Linh mang theo qua Quảng Đông không có tên người mua. “Lần đầu tiên tôi phải soạn và dịch qua tiếng Trung Quốc một bản hợp đồng bán trà mà không có tên người mua, điều này rất kỳ lạ”, ông Quý kể và cho biết khi ông thắc mắc thì bà Linh giải thích để ký hợp đồng này phải thông qua một môi giới, và môi giới yêu cầu làm sẵn hợp đồng mỗi tháng xuất 1,8 tấn trà ô long, khi đến Trung Quốc mới ghi tên người mua.

Môi giới còn yêu cầu bà Linh chỉ được đi một mình, nếu có người thứ hai họ sẽ không ký hợp đồng. “Trước khi mang hợp đồng đi Trung Quốc, bà Linh nói cứ yên tâm vì đi với một người quen mà bà cũng không tiết lộ danh tính”, LS Quý nói.

Cũng theo LS Quý, cuối năm 2010, bà Linh và chồng là Lin Chin Chuang (người Đài Loan) bắt đầu tách công ty. Bà Linh điều hành Công ty Hà Linh (thành lập năm 2008), còn ông Chuang vẫn điều hành Công ty HaiYil (thành lập năm 2002).

Từ sau đó giữa hai người vẫn xảy ra mâu thuẫn về việc phân chia tài sản và thị trường bán hàng ở Đài Loan. Một số đại lý tiêu thụ trà ô long Hà Linh ở Đài Loan gọi điện báo muốn lấy hàng bán nhưng bị ông Chuang hăm dọa nên không dám.

Cũng từ đó, bà Linh gặp nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu, nên khi có môi giới bán hàng qua Trung Quốc thì bà đồng ý nghe theo.

LS Quý cho biết thêm, cách đây hơn 10 ngày, bà Linh có xuất 3 tấn trà ô long kèm theo lô hàng của Công ty HaiYil, do Lin Chin Chuang xuất qua Trung Quốc nhưng chưa lấy được tiền hàng.

“Vào quán nước rồi mê man”

LS Quý kể sáng 19.9, trước khi lên máy bay ở TP.HCM, bà Linh vẫn đăng hình ăn sáng tại một khách sạn lên Facebook với lời nhắn “thẳng tiến Quảng Đông”. Sau đó bặt âm tín đến 10 giờ ngày 22.9 thì chị bà Linh nhận được hung tin em mình tử vong tại Trung Quốc.

Trước khi người nhà và đại diện Công ty Hà Linh bay qua Trung Quốc nhận thi hài bà Linh thì đã bất ngờ nhận được một số tin nhắn từ những số điện thoại lạ “hăm dọa” và hỏi giờ bay, giờ đến... Thông tin này được báo cho cơ quan chức năng, do đó giờ bay được giữ bí mật và cơ quan chức năng cử người tháp tùng để bảo đảm an ninh từ Đà Lạt đến khi qua tới Trung Quốc.

Đặc biệt, LS Quý tiết lộ nguồn tin từ Trung Quốc cho biết trước khi qua đời tại một bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông, bà Linh có ít phút tỉnh táo và kịp nói với các y bác sĩ bà đi cùng một bạn hàng vào một quán nước, sau đó bị mê man và bị đánh đập, bị cướp hết toàn bộ nữ trang, tiền bạc, giấy tờ. Bà Linh cho bác sĩ biết số điện thoại người chị ở VN rồi trút hơi thở cuối cùng.

“Bản hợp đồng giấu tên người mua, chuyến đi Quảng Đông một mình theo người môi giới và cái chết của bà Linh chắc chắn được ai đó lên kế hoạch từ trước”, LS Quý nhận định.

Theo Thanh niên

Ngày 25.9, ông Võ Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, đến trụ sở Công ty Hà Linh thăm hỏi gia đình bà Linh. Ông Hiệp cho biết đã liên hệ với Công ty trà Tâm Châu (TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) giúp mua chè tươi ô long của các hộ dân ở Cầu Đất mà Công ty Hà Linh đang nhận bao tiêu. Lãnh đạo TP.Đà Lạt và Hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng nhất trí cử LS Trương Quang Quý làm Trưởng ban Quản lý và điều hành Công ty Hà Linh trong thời gian này.