NSND Trung Anh: “Bố Sơn” có một phần bản thân tôi ở trong đó

VietTimes – Với vai diễn “bố Sơn” trong bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” thu hút sự quan tâm của khán giả, NSND Trung Anh đã giành giải Nam diễn viên ấn tượng của VTV Awards 2019. Để mang đến cho bạn đọc những thông tin thú vị về vai diễn “bố Sơn” của NSND Trung Anh, sáng nay, PV VietTimes đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ tên tuổi này.
NSND Trung Anh tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Minh Thúy
NSND Trung Anh tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Minh Thúy

+ Trước tiên, xin chúc mừng NSND Trung Anh vì đã đoạt giải Nam diễn viên ấn tượng VTV Awards 2019. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình giây phút được chạm tay vào chiếc cúp?

 - Thật khó để diễn tả được cảm xúc của tôi khi đón nhận giải thưởng này. Cũng như mọi người trong đoàn làm phim, tôi rất vui và hạnh phúc khi được xướng tên trong lễ trao giải. Vì đó là phần thưởng bất ngờ mà khi làm phim chúng tôi không nghĩ tới.

+ Điều gì đã đưa ông đến với vai diễn “bố Sơn” trong bộ phim “Về nhà đi con”?

- Khi đọc kịch bản của bộ phim “Về nhà đi con”, tôi thấy đây là một kịch bản tốt và rất thu hút. Khi đạo diễn mời tôi vào vai “bố Sơn”, tôi đang đóng một bộ phim khác quay tại Hòa Bình. Do đó tôi đã không nhận lời, vì thời gian quay phim ở Hòa Bình trùng với một phần thời gian quay bộ phim “Về nhà đi con”.

Tuy nhiên, sau khi quay gần xong ở Hòa Bình, thì đạo diễn đã gọi lại cho tôi để sắp xếp thời gian quay phim. Trước sự nhiệt huyết của đạo diễn, tôi đã nhận lời. Bộ phim tiến hành quay các cảnh không có “bố Sơn” trước, đến khi tôi về, thì đoàn làm phim quay dồn để đảm bảo tiến độ.

Tôi thật sự xúc động vì đoàn làm phim “Về nhà đi con” đã tạo điều kiện tốt nhất để tôi có thể tham gia bộ phim, bởi vai diễn của tôi trong phim là một nhân vật chính, có nhiều cảnh quay.

NSND Trung Anh. Ảnh: Minh Thúy
NSND Trung Anh. Ảnh: Minh Thúy

+ Với một ekip làm phim mới, đề tài cũng rất khác so với những bộ phim trước đây ông từng tham gia, ông có gặp khó khăn gì trong quá trình đóng phim không ạ?

- Thực ra khi đóng phim tôi không gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình quay phim thì phần đầu có hơi gấp gáp, do tôi về muộn khoảng tháng rưỡi, vì bận quay phim ở Hòa Bình. Việc quay lại diễn ra trong thời tiết mùa đông, hơn nữa sức khỏe của tôi không được tốt cho lắm, nhưng may mắn là bộ phim “Về nhà đi con” chủ yếu quay tại Hà Nội nên tôi cảm thấy khá thuận lợi.

Về phía đoàn làm phim thì mọi công việc đều được thực hiện chuyên nghiệp, tạo điều kiện tối đa để diễn viên có thể hoàn thành tốt vai diễn của mình.

"Bố Sơn" và Anh Thư trong bộ phim "Về nhà đi con". Ảnh: Facebook nhân vật
"Bố Sơn" và Anh Thư trong bộ phim "Về nhà đi con". Ảnh: Facebook nhân vật 

+ Những vai diễn trước đây, đã có vai diễn nào cùng màu với vai diễn “bố Sơn” trong bộ phim “Về nhà đi con” chưa, thưa ông?

- Trước đây tôi đã từng đóng nhiều vai giống với vai diễn “bố Sơn” trong “về nhà đi con”. Vì thế, có thể nói vai diễn này khá “dễ” đối với tôi. Tuy nhiên, “dễ” ở đây cũng dễ “nhạt" và dễ “chả ra gì”. Chính vì thế tôi khá lo lắng và cố gắng tập trung cao độ, tìm ra những chi tiết, cách thể hiện mới trong nội tâm, diễn biến tâm lý của nhân vật trong kịch bản để “bố Sơn” không bị nhàm chán. 

Ngoài ra, với vai diễn “bố Sơn” thì phải “có bột mới gột nên hồ” – tức là kịch bản dành cho nhân vật phải tốt. Từ đó, diễn viên mới có thể khắc họa đúng, rõ nét chân dung nhân vật của mình. Điều quan trọng nhất đối với phim truyền hình là kịch bản – kịch bản phải tốt. Cùng một vai ông bố nhưng nếu kịch bản không tốt thì diễn viên sẽ không chuyển tải được cái “màu” của nhân vật.

+ Giữa vai diễn “bố Sơn” và NSND Trung Anh ngoài đời có điểm gì chung không ạ?

- Khi phim được công chiếu, rất nhiều người cho rằng vai diễn này viết ra là để dành riêng cho tôi. Thực ra, “bố Sơn” và tôi ở ngoài đời cũng có nhiều điểm chung. Thực tế, với những diễn viên lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm, thì trong nhân vật sẽ có một chút con người thật của họ, có cái tôi của người diễn viên và “bố Sơn” cũng thế.

Trong “bố Sơn” cũng có bản thân tôi ở trong đó – một người cha hơi nóng tính, cũng có lúc động tay, động chân với con cái, có sự đòi hỏi hơi khắc nghiệt với con của mình. “Bố Sơn” là một mẫu số chung của những người bố - đều yêu thương con, coi trọng tình cảm gia đình.

Với văn hóa của Á Đông thì người đàn ông thường ít khi bộc lộ tình cảm bằng hành động và lời nói với con cái, khác với ở châu Âu, người đàn ông có thể thường xuyên ôm, hôn con mình. Vì thế tôi nghĩ đây là một cái “dở” và cần phải khắc phục.

Gia đình ông Sơn trong bộ phim "Về nhà đi con". Ảnh: Facebook nhân vật
Gia đình ông Sơn trong bộ phim "Về nhà đi con". Ảnh: Facebook nhân vật

+ Phải chăng, đây cũng là một thông điệp quan trọng và "bố Sơn" cũng như "Về nhà đi con" muốn chuyển đến công chúng?

Bộ phim “Về nhà đi con” muốn chuyển tải đến người xem thông điệp vô cùng ý nghĩa: trong gia đình tất cả mọi người nên chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống với nhau để hiểu nhau hơn. Từ hiểu nhau thì mới có thể đồng cảm và giúp đỡ nhau. Tuy nhiên trong phim, có rất nhiều cảnh các nhân vật: Huệ, Thư giấu “bố Sơn” khi gặp khó khăn vì sợ bố buồn. Vì thế, tôi cho rằng trong gia đình mọi thành viên nên mở lòng, chia sẻ để cùng nhau giải quyết khó khăn.

+ Phim truyền hình vốn vẫn bị khán giả coi như “mì ăn liền”, nên không phải ai cũng háo hức, mong đợi. Nhưng bộ phim “Về nhà đi con” đã thổi một luồng gió mới của thể loại phim này đến với công chúng, trở thành bộ phim truyền hình “quốc dân” được nhiều người đón nhận. Theo ông, vì sao bộ phim lại có một sức hút lớn đến như vậy?

- Bộ phim “Về nhà đi con” có sức hút lớn ở chỗ nó không có gì đặc biệt. Vì bộ phim chính là đời thường, là cuộc sống, là những điều mà mỗi chúng ta đều gặp phải hằng ngày, tồn tại ngay trong mỗi gia đình. Khi xem phim, khán giả nhận thấy câu chuyện trong phim có thể là câu chuyện của chính gia đình mình, của người bạn thân hoặc của bà hàng xóm bên cạnh,…

Tất cả những câu chuyện đó đều rất gần gũi, rất thân thương nhưng chúng ta ít để ý đến. Ngoài ra, người xem có thể liên tưởng đến thực tế cuộc sống của chính mình.

Đã có rất nhiều bạn sau khi xem bộ phim đã gửi tin nhắn đến cho tôi để chia sẻ về cuộc sống gia đình. Có cặp vợ chồng đã quyết định làm hòa sau khi nghe những lời của “bố Sơn” nói với Anh Thư.

Tôi thực sự rất xúc động vì bộ phim đã có sự tác động sâu sắc đến từng cá thể trong xã hội, đến với từng gia đình.

Đối với phim truyền hình, không chỉ riêng bộ phim “Về nhà đi con” mà trong vòng 3,4 năm trở lại đây phim truyền hình đã làm rất tốt, kéo khán giả quay trở lại với màn ảnh nhỏ.

Những bộ phim tạo được hiệu ứng tốt có thể kể đến như: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Quỳnh búp bê”, “Mê cung”,… Các phim đều được đầu tư và thực hiện rất chuyên nghiệp. Đặc biệt, việc thu tiếng trực tiếp đã nâng cao chất lượng của bộ phim lên rất nhiều so với lồng tiếng.

Ba bố con ông Sơn trong bộ phim "Về nhà đi con"
Ba bố con ông Sơn trong bộ phim "Về nhà đi con"

+ Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cùng hàng trăm vai diễn lớn nhỏ, vậy vai diễn nào đã đánh dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của ông?

- Vai diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp diễn xuất của tôi là vai diễn một anh chàng ăn chơi lêu lổng trong bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” (1978) của cố đạo diễn Đức Hoàn. Vai diễn này thực sự rất đáng nhớ với tôi vì “Hà Nội mùa chim làm tổ” là bộ phim đầu tiên mà tôi đóng. Khi tôi đang học , đạo diễn Đức Hoàn đã cho trợ lý đến khóa học của tôi để tuyển một nhân vật thứ. 

+ Ông có thể “bật mí” dự định tương lai sau bộ phim “Về nhà đi con”?

- Công việc hằng ngày của tôi là làm sân khấu tại Nhà hát kịch Việt Nam. Nếu có lời mời và kịch bản phim tốt, phù hợp tôi sẽ tham gia.

+ Xin cảm ơn ông đã dành cho VietTimes cuộc trò chuyện thú vị!

Minh Thúy (thực hiện)

NSND Trung Anh sinh năm 1961 tại Đức Thọ (Hà Tĩnh).

21 tuổi, NSND Trung Anh tốt nghiệp lớp đào tạo diễn viên khóa 1 của Nhà hát Kịch Việt Nam và nhập ngũ. Sau đó, ông lại trở về công tác ở nhà hát Kịch Việt Nam.

NSND Trung Anh được biết đến chủ yếu với các vai diễn trên phim truyền hình, nhưng lại là một trong những diễn viên trụ cột của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Năm 2007,  ông nhận danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" . 

Năm 2017, với vai Lương Bổng trong bộ phim "Người phán xử", NSND Trung Anh nhận giải Cánh Diều Vàng "Nam diễn viên phụ xuất sắc".

Tháng 8/2019, NSND Trung Anh nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

Tháng 8/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao tặng Bằng khen cho đoàn phim "Về nhà đi con", trong đó có sự đóng góp của NSND Trung Anh. 

Tháng 9/2019, NSND Trung Anh giành giải Nam diễn viên ấn tượng của VTV Awards 2019.

NSND Trung Anh nhận Bằng khen từ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Ảnh: Lạc Thành.
NSND Trung Anh nhận Bằng khen từ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Ảnh: Lạc Thành.