Ông Nguyên vừa trở về từ Hội chợ thủy sản toàn cầu tổ chức tại Bỉ cuối tháng 4, theo chương trình của dự án SUPA. Đây là một dự án giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra VN trên thị trường quốc tế; hỗ trợ cả doanh nghiệp (DN) chế biến và người nuôi cá. Tại hội chợ lần này, dự án đưa cả DN và nông dân đến để giới thiệu với người tiêu dùng thế giới về việc phát triển theo hướng bền vững của con cá tra VN.
Gian hàng của SUPA gồm 6 DN và một đại diện cho người nuôi cá đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là ông Nguyên. Đây là một trong những hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường, xây dựng hình ảnh cá tra VN trên thị trường thế giới.
Tôi nuôi cá như thế nào thì tôi nói với thế giới như vậy. Các DN trong dự án cũng vậy. Tôi chỉ hơi tiếc là mình không biết tiếng Mỹ nên không thể nói chuyện trực tiếp với họ. Nếu tôi mà biết tiếng Mỹ thì sẽ nói hay hơn rất nhiều
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, nông dân nuôi cá tra.
“Hơi tiếc là mình không biết tiếng Mỹ”
Ông Nguyên kể: "Gian hàng của chúng tôi nằm trong Hall (nhà) thứ 9 chung với Thái Lan, Ấn Độ và một số nước khác. Có rất nhiều người đến tham quan và tìm hiểu về chương trình phát triển cá tra của chúng tôi. Chúng tôi giới thiệu với họ về ngành nuôi và chế biến cá tra ở VN qua những đoạn phim. Bên cạnh đó, tài liệu về từng DN và cả trại nuôi của tôi được bỏ chung trong một giỏ xách để họ có thể mang về nghiên cứu".
Điều mà ông Nguyên nói với khách hàng thế giới là nhiều nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL như ông đang hướng đến một cách thức sản xuất bảo đảm về chất lượng, thân thiện với môi trường và cộng đồng, dưới sự giúp đỡ của các tổ chức đến từ châu Âu.
Tham gia dự án SUPA, ông Nguyên được các chuyên gia Khoa Thủy sản Trường đại học Cần Thơ hỗ trợ kỹ thuật hoàn toàn miễn phí. Hằng tháng, các chuyên gia này đến tận ao nuôi để lấy mẫu nước, mẫu cá về kiểm nghiệm, nếu phát hiện gì bất thường sẽ kịp thời điều chỉnh. Để tăng tỷ lệ cá sống, họ đã giúp ông phương pháp cung cấp thêm ô xy cho ao nuôi. Bên cạnh đó là các giải pháp giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường...
“Dự án không nhằm xây dựng một tiêu chuẩn nào cho người nuôi mà họ chỉ giúp mình thực hành nuôi sao cho hiệu quả, chất lượng và thân thiện bằng việc lồng ghép vào đó các tiêu chuẩn của ASC - một chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động”, ông Nguyên nói.
“Tôi nuôi cá như thế nào thì tôi nói với thế giới như vậy. Các DN trong dự án cũng vậy. Tôi chỉ hơi tiếc là mình không biết tiếng Mỹ nên không thể nói chuyện trực tiếp với họ. Nếu tôi mà biết tiếng Mỹ thì sẽ nói hay hơn rất nhiều”, ông Nguyên kể thêm về những ngày ở hội chợ.
Những tiêu chuẩn không liên quan gì tới chất lượng
Ông Nguyên nhìn nhận, đi hội chợ mới thấy sản phẩm thủy sản trên thế giới có rất nhiều loại của rất nhiều nước. Nếu mình làm không tốt thì không thể cạnh tranh được với họ.
Ông Nguyên kể: “Người tiêu dùng thế giới họ đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe, nếu mình vi phạm thì họ sẽ không ăn hàng của mình nữa. Tôi có tham dự một cuộc tọa đàm của Thái Lan. Hàng thủy sản đánh bắt của họ bị châu Âu đưa vào diện cảnh báo ở mức độ vàng vì có sử dụng lao động trẻ em. Vậy là ngay lập tức họ cam kết khắc phục.
Điều này cho thấy tinh thần cầu thị của họ rất cao, rất tích cực. Ở đây, mình thấy là người tiêu dùng bây giờ họ có những tiêu chuẩn không liên quan gì tới chất lượng sản phẩm, mà nó mang tính nhân văn của cái sản phẩm đó. Hay như tiêu chuẩn ASC, người ta không cho phép việc nuôi trồng của anh làm ảnh hưởng đến môi trường, đến những người xung quanh”.
Tại tọa đàm do VN tổ chức, ông Nguyên rất tâm đắc khi chúng ta đưa Nghị định 36 ra để khẳng định đang siết chặt chất lượngcá tra xuất khẩu sau một thời gian dài buông lỏng. “Nghị định 36 quy định tỷ lệ mạ băng không quá 10% và hàm lượng nước tối đa trong cá tra phi lê đông lạnh không quá 83%. Tôi cho là ta làm điều này là hết sức hay và chủ động để từng bước xây dựng hình ảnh con cá tra VN ngày càng chất lượng, an toàn. Tại sao mình phải làm như vậy?
Vì trước đây có một thời kỳ các DN của mình làm ăn gian dối, mạ băng 30 - 40%, miếng cá rã đông ra chất lượng không có, không còn gì để ăn. Bây giờ mình phải chấp nhận đau thương trong một vài năm để lấy lại uy tín. Trước khi đi hội chợ quốc tế này, tôi có nói chuyện với một số công ty thì họ nói rằng cái chuyện đó là chuyện tào lao. Tự dưng đang buôn bán thuận lợi lại làm như vậy như tự mang gông, lấy thòng lọng siết cổ mình. Tôi cho rằng đó là cách nhìn rất thiển cận. Tôi nghĩ, nếu còn những DN giữ cách suy nghĩ cách làm ăn như vậy thì cũng rất khó cho con cá tra VN sau này”, ông chia sẻ.
Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững
SUPA là dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại VN". Dự án có tổng giá trị gần 2,4 triệu euro, trong đó Liên minh châu Âu (EU) tài trợ gần 1,9 triệu euro thông qua Chương trình EU SWITCH - Asia. Cơ quan chủ trì thực hiện dự án là Trung tâm sản xuất sạch hơn VN cùng các đối tác khác là Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), WWF - VN và WWF - Áo.
Dự án được thực hiện trong 4 năm (2013 - 2017), tập trung vào nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng phương pháp sử dụng tài nguyên có hiệu quả và sản xuất sạch hơn, cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường. Dự án cũng giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các DN vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hiện hành như ASC, Global GAP... hướng tới sản xuất bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành cá tra trên thị trường thế giới.
Trưởng phái đoàn nông dân
Ông Nguyên nhớ lại, giữa tháng 9/2012, ông cùng 9 chủ nhiệm HTX khác khắp cả nước tham dự khóa học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hàn Quốc, do Liên minh HTX quốc tế (ICA) tổ chức. Ở Hàn Quốc, họ làm gì, ngành nghề nào cũng có HTX sản xuất quy mô lớn. Khi nông dân làm ra sản phẩm, họ ủy thác cho HTX bán chứ không bán trực tiếp.
“HTX định giá rồi mời các DN mua theo hình thức đấu giá. DN nào bỏ giá cao thì mua được hàng. Hợp đồng ký xong tiền chuyển vào tài khoản của HTX. Ông chủ nhiệm HTX được hưởng lợi vài ba phần trăm từ những hợp đồng đó. Người nông dân không phải vất vả tìm đầu ra cũng không sợ bị ép giá.
Đặc biệt là họ muốn làm gì cũng phải vào HTX vì nếu không sản phẩm làm ra chẳng bán được cho ai”, ông Nguyên kể, rồi trầm ngâm: “Trong khi ở VN, nông dân không được định giá sản phẩm của mình làm ra. Bên cạnh đó còn thường xuyên bị DN chiếm dụng vốn. DN nào tốt thì họ trả chậm 1 tháng, có khi 3 - 4 tháng cũng phải chịu”.
Ngoài chuyến đi Hàn Quốc năm 2012 và tham gia Hội chợ thủy sản toàn cầu năm 2015 (SEG) lần thứ 23 (diễn ra từ ngày 21 - 23/4) tại Brussels (Vương quốc Bỉ), năm 2003, khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên con cá tra VN, ông Nguyên đã đi vận động, lấy ý kiến những người nuôi cá để viết “kháng thư” gửi đến Bộ Thương mại Mỹ. Sau đó, ông làm “Trưởng phái đoàn nông dân” gồm 3 người, trực tiếp gặp các chuyên gia của Bộ Thương mại Mỹ tại TP.HCM để nói về cá tra VN.
Theo Thanh Niên