Nông dân cà phê đang làm giàu cho…chủ kho

Giá tuần giáp Tết tăng, thị trường không mấy chộn rộn. Có gì lạ khi cà phê chốt bán không nhiều, thị trường vẫn đủ nguồn cung?

hị trường cà phê được lì xì Tết

 Hình như thị trường cà phê năm nay không đi theo cách của những năm trước. Khi nhiều người nghĩ giá sẽ xuống thì nó lại bật lên; khi tưởng sẽ lên nó lại giảm mạnh. Tuần qua, thị trường cà phê gây bất ngờ lớn.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới cho biết tổng lượng xuất khẩu cà phê thế giới trong năm 2014 lên mức cao kỷ lục với 111,7 triệu bao (60 kg=bao). Tăng mạnh là nhờ trong năm xuất khẩu Brazil đạt 36,3 triệu bao, so với năm 2013 chỉ 31,5 triệu bao. Báo cáo cũng cho biết may nhờ Việt Nam xuất khẩu khá, 25 triệu bao, nên bù cho Indonesia từ 10,9 triệu bao năm 2013 chỉ còn 4,5 triệu bao năm 2014. Colombia cũng tăng lên 11 triệu bao so với năm 2013 chỉ 9,7 triệu bao (xin xem biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Xuất khẩu cà phê năm 2014 của 4 nước lớn (nguồn ICO)
Biểu đồ 1: Xuất khẩu cà phê năm 2014 của 4 nước lớn (nguồn ICO)

Đáng ra tin này phải gây hiệu ứng xấu cho giá kỳ hạn trong tuần. Nhưng không! Giá hai sàn kỳ hạn arabica tại Mỹ và robusta tại châu Âu vào ngày thứ Năm 12-2 tăng đột biến, robusta tăng 46 đô la Mỹ/tấn và giá arabica tăng 114 đô la/tấn!

“Không biết giới đầu cơ muốn gì đây. Thường ở những ngày giáp Tết Nguyên đán, giá hay bị ép giảm, cộng với thời hạn chốt giá tháng 3 đang đến gần. Vậy mà mấy hôm nay giá tăng mạnh thế!”, một người tự xưng là nông dân lên mạng đưa ý kiến.

Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa giá kỳ hạn robusta châu Âu
Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa giá kỳ hạn robusta châu Âu

Thật vậy, sàn kỳ hạn robusta châu Âu có một tuần tăng tốt, giá đóng cửa ngày cuối tuần khuya hôm qua chốt mức 2.036 đô la/tấn, tăng 75 đô la/tấn so với một tuần trước đó. Theo đà tăng của sàn kỳ hạn, giá cà phê trên thị trường nội địa hôm qua tự nhiên vút lên, cộng thêm 700.000 đồng/tấn so với ngày trước đó. Sáng nay thứ bảy 14-2, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên lên quanh mức 40,5 triệu đồng/tấn, cao hơn tuần trước 1 triệu đồng/tấn.

Tình cho không biếu không…

Nhưng một điều kỳ lạ là dù giá tăng tốt như thế, thị trường vẫn không xôn xao như những lần trước đây. Các nhà xuất khẩu chưa chuẩn bị kịp tâm lý trước chuyện bất ngờ chăng?

Thật ra, đầu vụ có lúc giá đã tăng mạnh lên 41-42 triệu đồng/tấn ở ngay thời điểm đáng ra phải xuống. Đến cả những ngày này, theo kinh nghiệm nhiều người, trước đây nhiều người xuất kho để chi tiêu ngày Tết, tạo thành sức bán mạnh của cả thị trường làm giá  thời điểm này các năm trước cũng thường giảm.

Nhưng năm nay, tin đồn hạn hán tại Brazil đã tạo nên tâm lý giữ hàng chặt, gặp phải mùa màng trong nước cũng được nhiều người báo thất bát nên lại càng có cớ để cho người người giữ hàng hay mua trữ.

Một lượng hàng rất lớn được dân cư và các thành phần kinh tế khác mua lại trên thị trường và trữ cho đến nay. Tuy nhiên, nếu để hàng trong nhà sẽ rủi ro và bất tiện, nhiều người đã đưa đến các kho của các nhà đầu tư nước ngoài hay các nhà xuất khẩu trong nước để gởi hàng. Có người nhận ứng trước chừng 70% giá trị thời điểm. Giả sử ai muốn gởi hàng vào kho hôm nay, họ sẽ nhận phần tạm ứng 70% của 40,5 triệu đồng, tức chỉ 28,35 triệu đồng/tấn. Phần còn lại sẽ nhận đủ khi người gởi hàng quyết định chốt giá cuối cùng.

Trong 4 tháng rưỡi đầu niên vụ 2014/15 vừa qua, nhiều nguồn tin báo rằng lượng cà phê bán ra ít là đúng vì chưa chốt giá. Bán không nhiều nhưng hàng giao vào kho vẫn lớn. Điều này tạo nghịch lý là lượng bán ít, lượng xuất khẩu đủ để cung ứng cho thị trường. Hóa ra, hàng giữ lại hay mua trữ số nhiều điều được chuyển sang gởi kho và chủ kho đã mạnh dạn đưa hàng giao hoặc bán cho nhà nhập khẩu. Đó cũng là lý do khiến giá cà phê không thể nào tăng mạnh vì hàng giao xuống tàu vẫn đủ và đều.

Nhà nghèo lì xì nhà giàu

“Bốn tháng nay công ty tôi xuất đến chục ngàn tấn nhưng chỉ mua được dưới một ngàn,” một nhà xuất khẩu không muốn nêu tên bộc bạch. “Do người có hàng muốn đợi giá lên, họ không chốt giá bán dù có khi chạm 41 triệu đồng/tấn”, ông ta nói. “Thật ra, đây là một kiểu đầu cơ giá lên. Nhà kho đánh đúng tâm lý muốn giá tăng của người gởi hàng, ứng tiền để kích họ mua thêm hàng hơn nữa để đưa vào kho nhiều hơn giúp họ kinh doanh cà phê với lượng vốn ít nhất”, một chuyên gia ngành hàng nói.

Đúng thế, thay vì phải mua cà phê với giá trị 100% thì nay nhà kho chỉ cần sử dụng 70% vốn, vì 30% còn lại người gởi hàng vào kho đang treo cược và đồng thời cho nhà kho sử dụng vốn mà không chịu lãi suất ngân hàng. Rộng lượng đến thế là cùng!

Nhớ những năm đầu thập niên 2000, giá cà phê thị trường nội địa có lúc chỉ còn 4 triệu đồng/tấn, bấy giờ có người nói giá một kí cà phê còn thua một cân cà pháo.

Bấy giờ, nhiều người đua nhau gởi kho và bán trừ lùi không chịu chốt giá. Khi thị trường xuống, tất cả đều đua nhau bán tống bán tháo, làm sập sàn kỳ hạn nhiều lần.

Giữ lại cà phê để gây sức ép thiếu nguồn cung ứng trên thị trường nhằm đẩy giá tăng, đó là mục đích cuối cùng. Nhưng nếu giữ hàng vì mục đích đơn thuần đầu cơ giá lên, gởi hàng để chốt giá sau, thì đây chính là cách tự mình cài “bom hẹn giờ” vì không biết lúc nào thị trường sẽ vỡ như bong bóng do sức ép chốt giá (bubble price).

Thị trường cà phê từ lâu có hai cách bán chính, mua bán có giá ngay và mua bán có giá chốt sau (price-to-be-fixed) hay còn gọi là mua bán trừ lùi hoặc cộng tới (differential basis). Nếu cả thị trường đều đầu cơ giá lên kiểu này, thì rủi ro lớn lắm! Không khéo cố tình ghim hàng để làm giàu cho mình, thì theo cách này tiền và hàng lại rơi vào túi các nhà kinh doanh hết thảy.

                                                                      Theo TBKTSG