Nokia và chiến lược gợi nhớ thương hiệu

Bên cạnh nỗ lực đưa thương hiệu Nokia quay trở lại thị trường điện thoại bằng những mẫu smartphone Android, nhà sản xuất HMD Global đã đồng thời thực hiện chiếc lược gợi nhớ khi lần lượt làm sống lại những mẫu điện thoại cơ bản lừng danh một thời.

Mục tiêu ngôi vương điện thoại cơ bản

Hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất điện thoại đang tập trung vào thị trường smartphone vốn đang có sự ganh đua khốc liệt. Thế nên việc lựa chọn đẩy mạnh ra mắt sản phẩm ở phân khúc điện thoại phổ thông của HMD Global dường như đang và sẽ sớm mang đến cho hãng này “quả ngọt” trong quá trình gầy dựng lại thương hiệu Nokia, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo động lực cho con đường trở lại ngôi vương.

Thị trường điện thoại phổ thông hiện không ồn ào, náo nhiệt, không còn đa dạng sản phẩm cũng như không có sự cạnh tranh, so kè nhau về cấu hình. Và để chuẩn bị cho cuộc chiến ở phân khúc này, nhà sản xuất HMD Global đã duy trì ra mắt các phiên bản điện thoại phổ thông đương thời như Nokia 130, Nokia 105 (2017)…

Bên cạnh đó, hãng cũng đã có bước đi hợp lý khi làm sống lại những biểu tượng ăn khách ở thời vàng son của Nokia như 3310. Và mới đây tại MWC 2018, nhà sản xuất đã tiếp tục hồi sinh Nokia 8810 với thiết kế cong kèm nắp trượt từng xuất hiện trong phim Ma trận (The Matrix – 1999).

Nokia và chiến lược gợi nhớ thương hiệu - Ảnh 1

Nokia 8110 - Ảnh: AFP

Theo công ty phân tích Counterpoint, HMD đã đạt doanh số 16,3 triệu sản phẩm trong quý 3 năm 2017. Trong đó, hãng đã bán được 2,8 triệu smartphone và 13,5 triệu điện thoại phổ thông. Báo cáo của Counterpoint cũng cho thấy HMD Global đứng thứ 8 trong danh sách nhà sản xuất smartphone toàn cầu và đứng thứ 3 trong thị trường điện thoại phổ thông, trong quý 3 năm 2017. Và trong quý 4/2017, HMD Global đã đạt doanh số tăng trưởng 32% với 21,5 triệu máy, trong đó khoảng 17,3 triệu máy điện thoại phổ thông, và bước lên vị trí nhà sản xuất smartphone lớn thứ 7 trong quý này dựa theo hiệu suất bán hàng.

Nhìn vào doanh số bán hàng của HMD Global, có vẻ như mục tiếp chiếm lĩnh thị trường điện thoại phổ thông với thương hiệu Nokia đã bước đầu gặt hái nhiều thành công đáng kể.

Nhưng hơn hết, quá trình tạo ra những phiên bản “remake” (làm lại) của những mẫu điện thoại cục gạch trứ danh một thời không chỉ mang đến thành quả về doanh số mà còn giúp thương hiệu điện thoại Phần Lan một lần nữa được khắc sâu trong trí nhớ người dùng trên con đường trở lại thị trường di động.

Chiến lược gợi nhớ thương hiệu

Khi thương hiệu Nokia quay trở lại thị trường di động với công ty chủ quản mới – HMD Global – nhiều người vẫn lo lắng rằng điện thoại Nokia sẽ mất đi cái “chất” trước đây. Thế nên, việc HMD Global tiến hành làm lại những mẫu điện thoại Nokia của những năm 2000 như Nokia 3310 đã phần nào giúp trấn an người dùng về sự kế thừa và phát huy từ tinh thần đến thiết kế của điện thoại Nokia dù đã được đã về tay chủ mới.

Nokia và chiến lược gợi nhớ thương hiệu - Ảnh 2

Nokia 3310 phiên bản 2017 - Ảnh: Cnet

Dù không còn tương đồng về chất liệu, tính năng chất lượng gia công so với thế hệ trước kia vốn đạt doanh số 250 triệu máy trên toàn cầu, nhưng Nokia 3310 (2017) vẫn duy trì phong cách thiết kế lẫn trò chơi rắn săn mồi Snake quen thuộc.

Như thế cũng đủ để giúp người dùng điện thoại yêu thích thương hiệu Nokia càng thêm tin tưởng rằng, dù đã chuyển sang “bình mới” HMD Global, nhưng phần “rượu cũ” tinh túy của Nokia vẫn còn đó để chờ dịp trở lại những ngày huy hoàng.

Gần đây nhất, HMD Global tiếp tục trình làng mẫu điện thoại làm lại từ Nokia 8110 theo thiết kế cong kèm bàn phím trượt với phiên bản màu vàng gây ấn tượng mạnh khi như đang phỏng theo hình ảnh trái chuối.

Nokia 8110 phiên bản 2018 được trang bị KaiOS, chip Snapdragon 205 và kết nối 4G. Với những gì Nokia 8110 (2018) có được, mức giá khoảng 2,2 triệu đồng của máy có vẻ như sẽ khó tiếp cận với người dùng thông thường trừ khi họ thực sự yêu thích thương hiệu Nokia và cần một chiếc điện thoại cơ bản hơn một mẫu smartphone cảm ứng.

Rõ ràng, việc làm lại Nokia 8110 có hiệu quả trong việc đáp ứng chiến lược gợi nhớ thương hiệu nhờ sự xuất hiện của phiên bản gốc trong một bộ phim của Hollywood, nhờ thiết kế kèm màu sắc ấn tượng… hơn là đặt mục tiêu doanh số khi đã có sự cạnh tranh giữa mẫu điện thoại này với smartphone khác ở tầm giá 2 triệu đồng.

Cả hai phiên bản làm lại Nokia 3310 và 8110 đều được nhà sản xuất xếp vào dòng sản phẩm Nokia Originals, nghĩa là Nokia gốc, như một cách thể hiện rằng dù thế nào thì Nokia vẫn nhớ đến nguồn gốc và giữ bản sắc của riêng mình.

Và chiến lược gợi nhớ thương hiệu Nokia vẫn đang được HMD tích cực tiến hành khi gần đây có nguồn tin (rò rỉ) cho biết nhà sản xuất này sẽ sớm ra mắt phiên bản làm lại của E71 từng ghi dấu ấn với bàn phím QWERTY và máy sẽ chạy KaiOS thay vì Symbian OS, được cập nhật thêm kết nối 4G.

Ngoài ra, vào tháng 1/2018 HMD cũng vừa mua lại thương hiệu Asha, như một bước đầu tiên để hãng đưa dòng điện thoại phổ thông Nokia Asha quay trở lại trong tương lai gần.

Và trong bài phỏng vấn với một tạp chí tại Việt Nam vào tháng 8/2017, ông Pekka Rantala, giám đốc Marketing toàn cầu của HMD Global – tỏ ra khá lạc quan về khả năng tái xuất của Nokia N-series khi nói rằng: HMD cũng đã nghĩ rất nhiều về việc hồi sinh dòng sản phẩm N-series. Smartphone kế thừa N-series sẽ xuất hiện với một tên gọi khác trong một diện mạo hợp với thời điểm và đi kèm các tính năng vốn là thế mạnh của Nokia.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/kinh-doanh/nokia-va-chien-luoc-goi-nho-thuong-hieu-165094.ict