Nếu như 6 vòng đấu đầu tiên Thanh Hóa chỉ có 3 trận hòa, 3 trận thua được 3 điểm thì 7 trận đấu, với sự có mặt của bầu Đệ, đội bóng xứ Thanh đã có 15 điểm (4 thắng, 3 trận hòa).
Với chuỗi 7 trận không thua thời bầu Đệ, Thanh Hóa trở thành đội bóng ấn tượng nhất nửa cuối của lượt đi, không phải họ “mạnh gì gạo, bạo vì tiền” mà đang hình thành một phong cách riêng tại V-League. “Những đứa con nhà bầu Đệ” trong đó nổi bật nhất là Trọng Hùng đang khiến cho giới chuyên môn phải trầm trồ khen ngợi.
Bản sắc xứ Thanh
Khá bất ngờ, không phải Hà Nội, TP.HCM mà chính Thanh Hóa mới là đội có tỷ lệ bàn thắng bới lối đá cầm bóng, triển khai bài bản tấn công từ phần sân nhà tốt nhất. Đội bóng xứ Thanh đã ghi được9/21 bàn thắng (chiếm tỷ lệ 47,6%) bởi lối đá này, trong khi đó Hà Nội chỉ có 8/22 bàn thắng (tỷ lệ 36,4%); cao nhất là Quảng Ninh 9/18 bàn thắng (chiếm tỷ lệ 50%). Đây là chỉ số quan trọng, khẳng định sức sáng tạo và lối đá đa dạng mà thầy trò HLV Đức Thắng thể hiện trước các hàng phòng thủ của đối phương.
HLV Đức Thắng và bầu Đệ là 2 người có công lớn tạo nên bản sắc của Thanh Hóa (ảnh VPF)
|
Với chân chuyền Gramoz và Văn Thắng, Thanh Hóa cũng thể hiện mình là đội bóng thi đấu khá hay với lối chơi phòng ngự phản công. 6/21 bàn thắng có được sau 13 vòng đấu được ghi bởi lối chơi này. Rimario là cầu thủ đa năng, anh vừa tham gia kiến tạo lại có thể trực tiếp ghi bàn.
Cánh trái khi Đình Tùng chấn thương đã xuất hiện tiền vệ trẻ Trọng Hùng sở hữu cả tốc độ, kỹ thuật lẫn những quả lật bóng có độ chính xác cao. Trận thắng đương kim vô địch Hà Nội 4-1 được coi là trận đấu hay nhất của Thanh Hóa lượt đi, thậm chí là của nửa đầu V-League 2019. Người ta thấy các cầu thủ xứ Thanh quần cho đối phương mệt nhoài bởi lối chơi tự tin, chủ động áp sát, tranh chấp quyết liệt
Kết thúc lượt đi, Thanh Hóa có 5 bàn thắng từ các tình huống cố định (2 quả penalty), sau khi Quốc Phương rời đội thì đội bóng này đã có Văn Thắng, Rimario và Đình Tùng thay nhau đảm nhận các cú đá phạt. Đến giờ, họ vẫn chưa có bàn thắng nào từ tình huống phạt góc (cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn).
Có thể nói, trong tay HLV Đức Thắng đang có những nhân sự, phù hợp cho cả lối chơi cầm bóng chắc, lẫn phòng ngự phản công. Do Thế Dương, Thanh Bình vẫn chưa vào sân do chấn thương nên lượt về Thanh Hóa vẫn sẽ có thêm những phương án tấn công mới khi 2 cầu thủ này hồi phục. HLV Đức Thắng cũng vừa chiêu mộ thành công cậu học trò ruột ở Sài Gòn FC, tiền đạo Trịnh Duy Long.
Đa dạng khâu ghi bàn
Văn Thắng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đội trưởng khi Đình Tùng chấn thương (ảnh VPF)
|
Điều khá thú vị là Thanh Hóa có 8 cầu thủ đã ghi bàn, dẫn đầu là cặp ngoại binh Rimario và Gramoz, mỗi người đã có 4 bàn thắng. Cặp bài trung Văn Thắng- Đình Tùng cũng mỗi người có 3 bàn thắng, tài năng trẻ Trọng Hùng có 2 bàn.
Nếu như Đình Tùng thuận chân trái, đã ghi 2 trong 3 bàn thắng từ chân này thì Văn Thắng lại ngược lại, 2 bàn thắng được ghi bằng chân thuận. Việc cả Văn Thắng- Đình Tùng đều có bàn thắng ghi bằng đầu, đặc biệt là Đình Tùng chỉ cao 1,69m nhưng chớp thời cơ tốt khi không chiến.
Cặp ngoại binh Rimario và Gramoz có kỹ thuật cá nhân khá tốt, ghi bàn cả 2 chân. Cả 2 đều là những cầu thủ có tốc độ, xử lý bóng khi di chuyển với tốc độ cao gọn gàng, 2/4 bàn thắng của Gramoz được thực hiện trong tình huống đá phản công.
Đến giờ Thanh Hóa vẫn là 1 trong 5 đội bất bại sân nhà, và có hiệu suất ghi bàn thuộc tốp 3. Họ có 15/21 bàn thắng được ghi trên sân nhà, một thành tích được cho là ấn tượng, nhất là sau màn khởi động ì ạch 6 vòng đầu.
Điểm yếu phòng ngự
Với 20 bàn thua, vấn đề phòng thủ đang khiến HLV Đức Thắng khá bận tâm. Việc 6 trận sân nhà mà để thủng lưới tới 10 bàn là con số khiến Thanh Hóa khó lòng lọt vào tốp 3. Sau 13 trận đấu, Thanh Hóa chỉ có 2 trận (gặp SHB.Đà nẵng và TP.HCM) giữ sạch lưới là những con số cần cải thiện.
Rimario là bản hợp đồng chất lượng của Thanh Hóa (ảnh VPF)
|
Trong 20 bàn thua, có đến 12 bàn từ các tình huống đá phạt, trong đó 3 bàn từ chấm penalty, 4 bàn từ đá phạt góc. Không có bàn thắng bằng đầu, ngược lại Thanh Hóa cùng với S.Khánh Hòa là những đội để thủng lưới từ các tình huống đá phạt góc nhiều nhất. Thanh Hóa, Quảng Ninh và TP.HCM cũng là những đội bị phạt penalty nhiều nhất của giai đoạn lượt đi.
Mùa giải này, tiền vệ trung tâm Hữu Dũng có dấu hiệu chững lại về mặt chuyên môn. Gánh nặng phòng thủ dồn lên vai trung vệ Đinh Tiến Thành nên nhiều thời điểm khung thành chao đảo mà không có người hỗ trợ. Vì lý do ngoài chuyên môn thủ môn Bửu Ngọc không ra sân, thủ môn trẻ Lương Bá Sơn dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không đủ kinh nghiệm để xử lý các tình huống bóng nhanh. Có lẽ khi thủ môn Tô Vĩnh Lợi được bổ sung, tình hình sẽ được cải thiện đáng kể.
13 lượt đi V-League 2019 của Thanh Hóa được chia làm 2 mảnh tối-sáng. Sự xuất hiện của bầu Đệ từ trận gặp HAGL trên sân Plei-ku đã khiến cho tâm lý thầy và trò Thanh Hóa thay đổi hẳn lên. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, ngoài 2 sự bổ sung đã kể trên, HLV Đức Thắng sẽ ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ, một định hướng mang tính chiến lược dài hơi. Nhìn cảnh đội quân “đánh thuê” bỗng dưng lũ lượt ra đi khi đội bóng gặp khó khăn, bầu Đệ biết mình phải làm gì khi trở lại nắm đội bóng.