Cô Trang là tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn, trường THPT Long Xuyên (TP. Long Xuyên). Câu hỏi được nhiều người đặt ra là, nếu người bị nói có “cái mặt kênh kiệu” không phải là chủ tịch UBND tỉnh thì hình thức xử phạt có nặng như vậy không?
Hình thức xử phạt quá nặng?
Nhiều bạn đọc cho rằng cách xử phạt như vậy là chưa thỏa đáng. Có ý kiến cho rằng đây là vấn đề cá nhân, các bên liên quan chỉ cần tự giải quyết với nhau theo luật dân sự chứ không nhất thiết phải xử phạt nặng như vậy để làm gì.
“Thật ra nếu lấy lý do “đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác” để phạt thì hàng ngày trên Facebook có không hề ít những lỗi như thế này. Nếu đã phạt thì phải phạt hết để dư luận không xôn xao cho rằng chỉ vì chê chủ tịch tỉnh nên mới bị phạt. Người dân sao còn dám nêu ý kiến?”, một bạn đọc nói.
Anh Trần Long (Q.9, TP.HCM) đặt câu hỏi: Nếu một người dân nào đó viết lên Facebook mình rằng ông chủ tịch "nhìn cái mặt kênh kiệu" thì có bị phạt như vậy không?
"Cán bộ chê thì bị phạt, còn nếu một người bán tạp hóa ngoài chợ chê thì sao?", anh Long thắc mắc.
Một bạn đọc đặt ra câu hỏi: “Nếu ông chủ tịch kia chỉ là một người nông dân thôi thì sao nhỉ?”.
Bạn đọc Văn Minh cũng thắc mắc: “Có phải Nghị định này chỉ dành riêng cho quan không? Người ta chê tôi trên Facebook thì có bị phạt không?” Chê thì bị phạt, vậy nếu lên Facebook khen chủ tịch UBND tỉnh thì có được…thưởng không - bạn đọc trào phúng.
Nhiều người bàn nhau việc cẩn thận hơn khi sử dụng Facebook để tránh những tình huống không hay xảy ra.
Anh Nguyễn Duy Khang (Q.Phú Nhuận) cho rằng nên cẩn trọng trong từng câu chữ khi sử dụng Facebook. Theo anh Khang, việc đăng những bình luận, nhận xét chủ quan của mình về người khác lên Facebook là “rất dễ tự chuốc họa vào thân”, anh Khang nói.
“Xúc phạm người khác” là như thế nào?
“Tự do ngôn luận” là phạm trù được đề cập đến nhiều trong những bình luận của các bạn đọc. Nhiều ý kiến cho rằng việc cô Lê Thị Thùy Trang chê ông chủ tịch UBND tỉnh “nhìn cái mặt kênh kiệu” chỉ là nhận xét cá nhân, không phải là “xúc phạm người khác” mà chỉ là đang thề hiện quyền “tự do ngôn luận”.
Bạn đọc Dinh Dinh phân tích trường hợp này chủ yếu bà Trang diễn tả cảm xúc của mình đối với một hiện tượng hoặc một người nào đó.
“Bà Trang sử dụng cụm từ “nhìn cái mặt kênh kiệu”. Đây là cách nói chỉ thể hiện quan điểm, cảm xúc cá nhân chứ không ám chỉ sự miệt thị hay xúc phạm nào hết”.
Theo Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), từ điển tiếng Việt giải thích, “xúc phạm” là động chạm, làm tổn thương đến những gì mà người ta cho là cao quý, thiêng liêng phải giữ gìn cho bản thân hoặc cho người thân của mình.
“Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể như thế nào được xem là xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Do đó tùy mức độ hành vi xâm phạm và hậu quả của hành vi mà người thực thi pháp luật có thể áp dụng các hình thức xử lý cho phù hợp”, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết.
Cần chủ tịch UBND tỉnh An Giang lên tiếng
Cựu tổng thống Đức Wulff bị ném trứng bên ngoài tòa nhà hội đồng dân biểu bang Hesse vào năm 2011 - Ảnh: DPA |
Cựu thủ tướng Helmut Kohl từng bị ném trứng ở thị trấn Halle năm 1991 - Ảnh: DPA |
LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng đối với những bình luận của người nhắm vào mình, có người cảm thấy bị tổn thương, có người lại thấy bình thường. Do đó cần xác định chủ tịch UBND tỉnh An Giang có cảm thấy bị xúc phạm hay không rồi mới có thể quyết định.
“Đôi khi người ta còn nói xấu nhau nhưng chỉ là để trêu ghẹo vui đùa, không bên nào cảm thấy bị xúc phạm. Nếu ông chủ tịch cho rằng mình không “kênh kiệu” như lời cô giáo Trang nhận xét thì cũng đồng nghĩa với việc ông cảm thấy mình bị xúc phạm”, LS Trạch phân tích.
Theo LS Lê Quang Vũ, Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo, việc cô giáo Trang đăng tải trên trang facebook cá nhân của mình thông tin Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch tỉnh An Giang là không vi phạm điều 66 Nghị định 74/2013/NĐ-CP của Chính Phủ, vì thông tin này đã được xác định, đã được đăng trên một tờ báo chính thống. Do vậy nên việc xử phạt hành chính cô giáo Trang 5 triệu đồng là không có căn cứ pháp luật.
Về câu bình luận của cô giáo Trang chê chủ tịch UBND tỉnh “nhìn cái mặt kênh kiệu”, LS Vũ cho rằng câu bình luận ấy có làm xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của chủ tịch tỉnh hay không thì cần phải xem xét.
“Nếu chủ tịch tỉnh cho rằng câu bình luận của cô giáo Trang xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình thì có quyền yêu cầu cô giáo Trang xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại theo điều 604, 611 Bộ luật dân sự. Nếu cô giáo Trang không đồng ý vì cho rằng mình không xúc phạm, thì chủ tịch tỉnh có quyền khởi kiện vụ án ra tòa án”, LS Lê Quang Vũ phân tích.
Theo LS Lê Quang Vũ, trong trường hợp này, tòa án là cơ quan có thẩm quyền phán quyết cô giáo Trang có xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của chủ tịch tỉnh hay không.
“Sau khi có phán quyết của tòa, các cơ quan ban ngành có liên quan mới có căn cứ xem xét kiểm điểm, kỷ luật cô giáo Trang”, LS Vũ nhận định.
Cần xem xét thêm về vấn đề pháp lý
Theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, về thẩm quyển xử phạt, căn cứ khoản 2 Điều 95 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, thẩm quyển xử phạt hành vi vi phạm thuộc về Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông.
Về cơ sở xử phạt, căn cứ theo thông tin được cung cấp, căn cứ Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, cụ thể là khoản 3, cần phải có sự phân biệt rõ ràng khái niệm hành vi truyền đưa, xác định rõ về việc chị Trang, ông Phúc bình luận có được xem là thông tin số hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Công nghệ thông tin thì Thông tin số là thông tin được tạo lập bằng phương pháp dùng tín hiệu số. Tín hiệu số là một tín hiệu trong đó các thông tin ban đầu được chuyển đổi thành một chuỗi các bít trước khi được truyền.
Từ những điều trên, LS Thế Trạch cho rằng việc chị Trang, ông Phúc chỉ viết bình luận trên trang facebook cá nhân của mình cần phải xem xét lại xem đã thỏa mãn cấu thành hành vi truyền, đưa thông tin số hay chưa.
“Trong vụ việc này, nếu không đồng ý với Quyết định xử phạt thì người bị xử phạt có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính. Nên lưu ý rằng việc xử phạt vi phạm hành chính cần phải tuân thủ các quy định về thủ tục tức là trước khi ra quyết định xử phạt thì phải có lập biên bản vi phạm, biên bản vi phạm phải có chữ ký của người lập biên bản, người vi phạm và người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính”, LS Thế Trạch cho biết thêm.
Theo Tuổi trẻ