Nợ quá hạn ở VDB vượt 28.700 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại ngày 31/12/2021, dư nợ cho vay tín dụng xuất khẩu của VDB đạt 3.251,6 tỉ đồng, đều là nợ quá hạn. Trong khi đó, tỉ lệ nợ quá hạn trên dư nợ cho vay trung, dài hạn tín dụng đầu tư của VDB đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 2014 – 2021.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là ngân hàng chính sách, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Tỉ lệ nợ quá hạn trên dư nợ cho vay trung, dài hạn tín dụng đầu tư của VDB đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 2014 - 2021

Tỉ lệ nợ quá hạn trên dư nợ cho vay trung, dài hạn tín dụng đầu tư của VDB đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 2014 - 2021

Tính đến ngày 31/12/2021, quy mô tổng tài sản của VDB đạt 248.635 tỉ đồng, giảm 28.939 tỉ đồng so với cuối năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do số dư tài sản trong hoạt động nghiệp vụ giảm tới 24.970,3 tỉ đồng so với cuối năm 2020, xuống mức 217.802,1 tỉ đồng.

Trong đó, dư nợ cho vay trung, dài hạn tín dụng đầu tư của VDB đạt 54.780,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, dư nợ quá hạn của hoạt động này chiếm tới 40,4%, đạt mức 22.167,3 tỉ đồng – tăng 2.357,7 tỉ đồng so với cuối năm 2020.

Dữ liệu của VietTimes thể hiện, tỷ lệ dư nợ quá hạn trên số dư cho vay trung, dài hạn tín dụng đầu tư của VDB đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 2014 – 2021, từ mức 4% lên 40,4%.

Tại thời điểm cuối năm 2021, VDB còn có 3.251,6 tỉ đồng tín dụng xuất khẩu nhưng đều được hạch toán là nợ quá hạn. Theo dữ liệu của VietTimes, tình trạng này đã diễn ra kể từ cuối năm 2018.

Cùng với đó, VDB còn cho vay lại vốn ODA với số dư lên tới 128.727,9 tỉ đồng. Trong đó, nợ quá hạn chiếm 3%, ở mức 3.355 tỉ đồng.

Theo VDB, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhà băng này không thể giải ngân theo kế hoạch, trong khi các doanh nghiệp vay vốn cũng gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Chất lượng tài sản cũng phần nào ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của VDB. Sau nhiều năm thua lỗ triền miên, tính đến cuối năm 2021, kết quả hoạt động chưa phân phối của VDB ở mức âm 7.905,8 tỉ đồng – cao gấp 7,9 lần so với thời điểm cuối năm 2015.

Về huy động huy động vốn, trong năm 2021, VDB đã huy động được 11.247 tỉ đồng vốn có kỳ hạn. Trong đó, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ở mức 10.500 tỉ đồng, đạt 61,2% kế hoạch được giao.

Tại ngày 31/12/2021, số dư vốn huy động của VDB là 97.275 tỉ đồng. Trong đó, số dư vốn huy động có kỳ hạn là 96.733 tỉ đồng./.