Nigeria: số người bị bắn vì phạm luật nhiều hơn số chết vì COVID-19!

VietTimes -- Trong hai tuần thực hiện phong tỏa để đối phó với dịch bệnh COVID-19, các lực lượng chức năng Nigeria đã bắn chết 18 người. Con số này nhiều hơn số người chết vì dịch bệnh.
Lực lượng cảnh sát mang súng duy trì lệnh phong tỏa trên đường phố thủ đô Lagos (Ảnh: China Press).
Lực lượng cảnh sát mang súng duy trì lệnh phong tỏa trên đường phố thủ đô Lagos (Ảnh: China Press).

Theo tin của Reuters ngày 16/4, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nigeria (NHRC, cơ quan của chính phủ) ra thông báo cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phong tỏa đất nước để chống lại dịch bệnh COVID-19, lực lượng an ninh nước này đã giết chết 18 người trong vòng hai tuần. Con số này thậm chí vượt quá số người chết vì dịch bệnh.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Nigeria, tính đến ngày 16/4, giờ địa phương, tại nước này đã ghi nhận tổng cộng 442 trường hợp bị COVID-19 với 13 người tử vong.

Bắt đầu từ ngày 30/3, để đối phó với đại dịch COVID-19, Nigeria bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa 14 ngày tại một số khu vực tập trung đông dân cư của nước này. Đến Chủ nhật tuần trước (12/4), lệnh cấm được kéo dài thêm hai tuần nữa và mở rộng ra nhiều vùng của đất nước.

Quân đội Nigeria phong tỏa thủ đô Lagos (Ảnh: AFP).
Quân đội Nigeria phong tỏa thủ đô Lagos (Ảnh: AFP).

Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nigeria ngày 15/4 ra tuyên bố nói, từ ngày 30/3 đến ngày 13/4 đã xảy ra “8 vụ hành quyết ngoài pháp luật đã được ghi nhận, dẫn đến 18 người chết”. Tuyên bố nói, các nhân viên thực thi pháp luật đã giết chết 18 người này trong khi thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lệnh phong tỏa. NHCR chỉ trích: “Đây hoàn toàn là các hoạt động của nhân viên an ninh bất chấp hậu quả và coi thường mạng sống của con người” trong quá trình thực thi pháp luật.

Tuyên bố nêu rõ, Cơ quan cải huấn Nigeria (Nigeria Correctional Service) đã giết chết 8 người, lực lượng cảnh sát Nigeria đã giết chết 7 người, quân đội Nigeria đã giết chết 2 người và Lực lượng đặc nhiệm bang Ebonyi (Ebonyi State Task Force) của Nigeria đã bắn chết 1.

Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nigeria cũng tuyên bố rằng trong hai tuần đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa, họ đã nhận được 105 đơn khiếu nại về các vi phạm nhân quyền. Tuyên bố cũng cáo buộc một số nhân viên thực thi pháp luật đã có các hành vi “ngược đãi, lăng nhục và tống tiền”.

NHCR chỉ ra trong báo cáo của họ rằng lực lượng an ninh của nước này cũng thực hiện một số hành vi vi phạm khác, bao gồm 33 vụ tra tấn hoặc các vụ việc vô nhân đạo và lăng nhục. Ngoài ra, NHCR đã báo cáo một số vụ bắt giữ bất hợp pháp, 19 vụ thu giữ tài sản và 13 vụ tống tiền. Ủy ban này cáo buộc các lực lượng an ninh vi phạm nhân quyền bằng cách “sử dụng vũ lực quá mức hoặc không tương xứng, lạm dụng quyền lực, tham nhũng và không tuân thủ luật nhân quyền quốc tế và quốc gia.

Đường phố thủ đô Lagos vắng vẻ do bị phong tỏa để chống dịch COVID-19 (Ảnh: AFP).
Đường phố thủ đô Lagos vắng vẻ do bị phong tỏa để chống dịch COVID-19 (Ảnh: AFP).

Đáp lại, một người phát ngôn của Cơ quan cải huấn Nigeria đã thông báo, theo thống kê của họ, chỉ có 4 người chết trong các sự kiện bạo lực và nhiều người khác được đưa vào bệnh viện để điều trị.

Phát ngôn viên cảnh sát Nigeria Frank Mba cho biết các cáo buộc của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia là quá chung chung. Ông nói, NHCR nên cung cấp thông tin chi tiết về những người bị cảnh sát giết, như số điện thoại, họ tên và địa điểm họ bị giết. Ông nói: “Cảnh sát đã thực hiện các biện pháp phong tỏa một cách chuyên nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cảnh sát sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành vi ngược đãi hoặc vi phạm pháp luật nào”.

Quân đội Nigeria hiện chưa đưa ra bình luận gì về những thông tin này.

Nằm ở phía đông nam của Tây Phi, Nigeria là quốc gia có số dân gần 194 triệu người, đông dân nhất và là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở châu Phi.