|
Chiến đấu cơ Trung Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận bắn đạn thật |
Trong những năm qua, chuyên gia Mỹ Harry J.Kazianis đã tranh luận và suy nghĩ rất nhiều về khả năng một cuộc chiến giữa các cường quốc trong môi trường quốc tế hỗn loạn hiện nay. Vì Mỹ cố gắng tránh xa các hoạt động nổi loạn và cơn ác mộng Trung Đông, những thách thức mới từ các cường quốc xét lại có vẻ như đang trỗi dậy trên toàn cầu. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà nhiều người gọi là Chiến tranh lạnh 2.0 giữa Mỹ và Nga, có lẽ là ví dụ rõ nhất về khả năng đáng sợ này.
Theo ông Kazianis, dù cho cuộc khủng hoảng hiện nay có là gì, khi bàn đến các thách thức mà Mỹ phải đối mặt trong những năm tới, không thách thức nào nghiêm trọng hơn thách thức đến từ Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang được hậu thuẫn bởi nền kinh tế và quân sự đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, có vẻ như đang cố tái thiết lập trật tự thế giới ở Châu Á-Thái Bình Dương và rộng hơn là cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ít nhất một phần hình ảnh của nước này đã thể hiện điều đó.
Từ biển Hoa Đông tới những tham vọng bành trướng rộng hơn tới Ấn Độ Dương, Trung Quốc rõ ràng cho cả thế giới thấy ý định của mình rằng trật tự quốc tế hiện nay có thể được xét lại. Trong những năm qua, nhiều vụ đụng độ về ý nghĩa của các thông lệ hàng hải, các nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển, các khu nhận diện phòng không và nhiều vụ va chạm trên biển và trên không đã dấy lên những hồi chuông cảnh báo ở châu Á. Dù cho Mỹ tuyên bố xoay trục hay tái cân bằng sang Châu Á, các hành vi đe dọa và làm mất ổn định của Trung Quốc vẫn tiếp diễn.
Vậy cuối cùng tất cả những điều này đưa đến điều gì? Liệu một cuộc chiến tranh lớn ở châu Á có khả năng xảy ra? Liệu Mỹ có bị cuốn vào cuộc chiến này?
Cho dù một cuộc chiến tranh tổng lực vẫn còn khó xảy ra, vì các bên đều sẽ phải mất một khoản chi phí khổng lồ, bao gồm cả vô số mạng sống nếu xảy ra đối đầu hạt nhân, nguy cơ vẫn còn đó vì lịch sử đã dạy cho chúng ta những bài học nhớ đời. Bài viết dưới đây sẽ phân tích 5 kịch bản khiến Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra chiến tranh. Vì lý do thời gian và không gian, bài viết sẽ không phân tích hậu quả của cuộc xung đột này. Tuy nhiên có thể chắc chắn một điều rằng, nếu căng thẳng leo thang lên trên mức một cuộc đụng độ nhỏ và khép kín, sẽ có khả năng bùng phát một cuộc thế chiến thứ ba, và có thể là chiến tranh hạt nhân sẽ diễn ra.
1. Một cuộc khủng hoảng trên Biển Hoa Đông
Một lý do dẫn đến chiến tranh Mỹ-Trung có thể nổ ra là Mỹ can dự vào cuộc chiến tranh khu vực ở châu Á. Ngoài cuộc chiến trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, còn có cuộc đụng độ khác ở châu Á cũng đáng sợ và có thể lôi kéo Mỹ vào cuộc: Đó là cuộc chiến Trung- Nhật trên Biển Hoa Đông. Chuyên gia Harry J.Kazianis đã phác họa một viễn cảnh giả thuyết mà rất có khả năng hai, hoặc ba nền kinh tế lớn nhất hành tinh này sẽ lao vào chiến tranh:
Hai chiếc máy bay chiến đấu Su-27 của Trung Quốc cùng xuất hiện trong phạm vi 25 feet với một máy bay trinh sát P-3 Orion của Nhật Bản, cách quần đảo Senkaku 10 dặm về phía tây. Phi công Nhật lo lắng, và thực hiện một sự điều chỉnh nhẹ ở bộ phận điều khiển, và máy bay Nhật va chạm với một trong hai máy bay Trung Quốc. Cả hai máy bay đều rơi xuống biển, và không ai sống sót.
Trung Quốc buộc tội phi công Nhật Bản xâm phạm không phận của Trung Quốc. Nhật Bản tuyên bố các phi công Trung Quốc hành động thiếu thận trọng khi bay quá sát máy bay của Nhật. Chỉ 72h sau đó, một nhóm 20 người mang quốc tịch Trung Quốc đổ bộ lên một trong số các đảo đang tranh chấp ở quần đảo Senkaku vào giữa đêm. Hải quân Nhật Bản ngay lập tức điều động lực lượng quy mô nhỏ tới đó. Mục tiêu của họ là đuổi những kẻ xâm nhập trái phép này ra khỏi chuỗi 5 đảo đang tranh chấp. Khi lực lượng hải quân Nhật Bản đến cách quần đảo 20 dặm, một máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc đã áp sát lực lượng đặc nhiệm Nhật. Lần thứ hai chiến đấu cơ này tiến sát một cách nguy hiểm tàu khu trục của Nhật Bản. Để tự vệ, tàu khu trục này đã bắn hạ máy bay.
Vài giờ sau đó, Trung Quốc bắn cảnh cáo một tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-21, rơi xuống biển chỉ cách vị trí của lực lượng Nhật Bản 10 dặm. Không nao núng, lực lượng Nhật Bản tiếp tục tiến lên. Sức ép trong nước đặt lên vai các lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lớn, họ cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài leo thang căng thẳng, tiến hành một cuộc tấn công lớn với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình vào lực lượng Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe điện khẩn cho tổng thống Mỹ chính thức yêu cầu sự giúp đỡ của Mỹ.
Ông Harry J.Kazianis cho rằng Mỹ sẽ không lập tức nhảy vào bảo vệ Nhật Bản. Và tùy thuộc vào tình hình và mức độ nghiêm trọng, có thể Mỹ sẽ đóng vai trò hòa giải thay vì là một bên tham chiến. Trong thực tế, tùy thuộc vào tình hình, tại sao Mỹ lại phải khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và chính thức chiếm một chân trong cuộc, đặc biệt là nếu đây chỉ là một cuộc đụng độ nhỏ và không có thiệt hại về nhân mạng?
Dù là kịch bản nào xảy ra, miễn là Trung Quốc và Nhật Bản đối đầu nhau ở biển Hoa Đông và Mỹ tiếp tục khẳng định rằng quần đảo Senkaku bị quản lý bởi Nhật Bản, có nghĩa là thuộc ô bảo hộ của liên minh Mỹ-Nhật, luôn có khả năng xảy ra xung đột Trung-Mỹ. Thực tế, nếu Trung Quốc và Nhật Bản nổ ra chiến tranh, nhiều khả năng Mỹ sẽ bị buộc phải hành động và hỗ trợ đồng minh hiệp ước bằng cách đối đầu chống lại Bắc Kinh. Đó là những lí do khiến Mỹ phải giúp hai bên tìm một cơ chế xoa dịu căng thẳng trên biển Hoa Đông về lâu dài.
2. Khủng hoảng trên Biển Đông
Biển Đông luôn là một vết thương hở trong quan hệ Mỹ-Trung, vết thương này có thể rỉ máu bất kỳ lúc nào. Với việc Bắc Kinh tuyên bố cái gọi là “đường chín đoạn” phi pháp, với tham vọng biến cả một vùng biển thành “ao nhà” của Trung Quốc, luôn có khả năng một cuộc đụng độ biến thành một cuộc khủng hoảng lớn hơn khiến Mỹ buộc phải can thiệp.
Việc Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền phi pháp trên Biển Đông gây báo động khi các bên nhận ra lợi ích liên quan. Hàng nghìn tỷ USD hàng hóa vận chuyển qua vùng biển này mỗi năm. Hàng nghìn tỷ USD khác tồn tại dưới hình thức dầu lửa, khí đốt tự nhiên và các khoáng sản quý giá. Với nhiều tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn trên Biển Đông, thật may là đến nay vẫn chưa có cuộc khủng hoảng nào lớn vượt ngoài tầm kiểm soát.
Theo ông Kazianis, ở Biển Đông các nguy cơ khá rõ ràng: nếu một đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Philippines có ý định nhảy vào một cuộc đụng độ quân sự lớn với Trung Quốc, liên minh Mỹ- Philippines có thể phải đưa ra một loạt phản ứng đáp trả. Cho dù Washington vẫn mơ hồ về viễn cảnh mà Mỹ sẽ vào cuộc để hỗ trợ Manila nếu xung đột bùng phát, Mỹ chắc chắn sẽ tham gia ở mức độ nào đó, và điều này càng làm gia tăng đáng kể xảy ra đụng độ Mỹ-Trung.
(còn tiếp)