Những yếu tố giúp Phần Lan đi đầu EU về an toàn giao thông đường bộ

Trong 10 năm qua, Phần Lan đã nỗ lực giảm mạnh tỷ lệ tử vong trên đường phố vượt xa các thành phố khác ở châu Âu, đạt 29%. Trong khi đó, mức giảm trung bình ở Liên minh châu Âu (EU) là 16%.
Phần Lan đã nhận giải thưởng về an toàn đường bộ năm 2024 nhờ đạt được nhiều thành tựu trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông (Ảnh: Getty)

Vào năm 2020, Phần Lan ghi nhận tổng cộng 223 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông. Về tỷ lệ tử vong, cứ mỗi 1 triệu dân thì có 40 trường hợp tử vong trên đường, thấp hơn mức trung bình của EU (42) nhưng cao hơn so với các quốc gia Bắc Âu khác.

Nhưng kể từ năm 2001, tỷ lệ tử vong ở Phần Lan đã giảm với tốc độ tương đương với mức trung bình của EU. Khi tính đến số lượng phương tiện, Phần Lan làm tốt hơn nhiều với tỷ lệ 0,47 trường hợp tử vong trên 10.000 phương tiện đã đăng ký so với mức trung bình của EU là 0,73.

Trong 10 năm sau đó, số ca tử vong ở Phần Lan đã giảm 18%. Số người bị thương nặng ở Phần Lan đã giảm từ 477 người vào năm 2015 xuống 408 người vào năm 2020. Ở hầu hết các nước EU, số người tử vong và bị thương nặng đã giảm trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2020.

Và trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong trên đường phố ở Phần Lan giảm mạnh, vượt xa các thành phố khác ở châu Âu, đạt 29%. Trong khi đó, mức giảm trung bình ở Liên minh châu Âu (EU) là 16%.

Sự tiến bộ của Phần Lan là nhờ một loạt các biện pháp đã được chứng minh là hữu hiệu, từ việc giảm giới hạn tốc độ ở hầu hết các khu vực đô thị và lắp đặt camera đo tốc độ tự động trên gần 3.000 km (1.864 dặm) đường chính, cho đến xây dựng đường dành cho người đi bộ, xe đạp và 400 km (gần 250 dặm) đường cao tốc.

Người đi xe đạp và người đi bộ đi lại ở Helsinki, Phần Lan (Ảnh: AFP)

Để tôn vinh thành tựu của Phần Lan, nước này đã nhận được giải thưởng Chỉ số Hiệu suất An toàn Đường bộ (PIN) năm 2024 vì tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực an toàn đường bộ. Tin tức về giải thưởng đã được công bố bởi Hội đồng An toàn Giao thông Châu Âu (ETSC), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập có trụ sở tại Brussels, vào đầu mùa Hè năm nay.

Ông Antonio Avenoso, giám đốc điều hành của Hội đồng An toàn Giao thông Châu Âu, cho biết: “Ở Phần Lan, người ta có câu ‘vahinko ei tule kello kaulassa’, tạm dịch là ‘tai nạn không có chuông báo trước’”, ám chỉ điều xấu nhất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên cần sự chuẩn bị. Điều đó có thể giải thích tại sao Phần Lan áp dụng cách tiếp cận toàn diện và chiến lược nhằm tìm cách giải quyết nhiều khía cạnh khác nhau của mối nguy hiểm trên đường”.

Chiến lược an toàn giao thông hiện tại của Phần Lan được định hướng theo cách tiếp cận Vision Zero, hay còn gọi là Hệ thống an toàn đối với thiết kế và an toàn đường bộ có tính đến lỗi của con người, lần đầu tiên được áp dụng ở Thụy Điển vào những năm 1990.

Mục tiêu của sáng kiến ​​này là loại bỏ tất cả các trường hợp tử vong và thương tích nghiêm trọng trên đường bằng cách tạo ra nhiều lớp bảo vệ. Trong trường hợp một lớp thất bại, các lớp khác sẽ tạo ra một mạng lưới an toàn để giảm bớt tác động của một vụ va chạm giao thông. Những cải tiến này được thiết kế nhằm mang lại những hiệu quả sau: con người an toàn hơn, đường xá an toàn hơn, phương tiện an toàn hơn, tốc độ an toàn hơn và chăm sóc sau va chạm tốt hơn.

Vision Zero đặt mục tiêu số người đi bộ bị chết do tai nạn giao thông xuống còn 0 (Ảnh: Guardian)

Các nhà nghiên cứu cho biết, ngoài quy định giảm tốc độ và triển khai các kế hoạch cải tiến cơ sở hạ tầng, lắp đặt camera đo tốc độ, chiến lược an toàn giao thông được áp dụng trên phạm vi toàn quốc của Phần Lan còn bao gồm việc triển khai một loạt biện pháp. Chúng bao gồm:

Thứ nhất: Nâng cao kỹ năng giao thông của những người tham gia giao thông khác nhau thuộc các nhóm tuổi khác nhau, chẳng hạn như kiểm tra tỷ lệ trường học có chương trình giáo dục giao thông cho học sinh và số vụ va chạm liên quan đến trẻ em hoặc thanh thiếu niên.

Thứ hai: Coi sức khỏe tâm thần là một phần trong cách tiếp cận của quốc gia về an toàn giao thông. Phần Lan và Estonia là hai quốc gia EU duy nhất đưa số vụ tự tử trên đường vào số liệu thống kê số ca tử vong khi tham gia giao thông.

Thứ ba: Thúc đẩy người dân đội mũ bảo hiểm xe máy, xe gắn máy. Tỷ lệ mục tiêu nằm trong khoảng 99-100%.

Thứ tư: Cho phép lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra ngẫu nhiên nồng độ cồn và ma túy đối với người điều khiển xe.

Nhóm an toàn cho biết ở Phần Lan, tỷ lệ tự khai báo về việc lái xe khi say rượu thấp hơn nhiều so với mức trung bình của EU và mức độ chấp nhận đối với hành vi nguy hiểm này nói chung là rất thấp.

Khóa liên động nồng độ cồn (alcohol interlock) phải được lắp trên tất cả các xe khách và taxi trường học ở Phần Lan, đồng thời được lắp trên xe của những người lái xe say rượu đã bị kết án như một phần của chương trình cai nghiện kéo dài – được nước này sử dụng thay thế cho lệnh cấm lái xe.

“Nỗ lực không của chính quyền không dừng lại sau khi sự cố (tai nạn) xảy ra. Phần Lan là quốc gia duy nhất ở châu Âu thực hiện điều tra chuyên sâu về từng vụ va chạm giao thông gây chết người”, ông Avenoso cho hay.

Luật an toàn đường bộ quốc gia ở Phần Lan khác ở một số khía cạnh so với hầu hết các nước EU. Tốc độ tối đa trên đường nông thôn (80km/h) và trên đường cao tốc (120 km/h) thấp hơn hơn ở hầu hết các nước EU khác.

Các luồng xe lưu thông trên đường phố thủ đô Helsinki, Phần Lan (Ảnh: Getty)

Vào thời điểm Phần Lan nhận được giải thưởng về hiệu suất an toàn đường bộ, một báo cáo mới do ETSC công bố cho thấy có 20.418 người chết do tai nạn giao thông và các vấn đề khác xảy ra trên đường phố ở EU trong năm 2023, chỉ giảm 1% so với năm 2022, được cho là một bước lùi so với những năm trước đó.

Để giải quyết sự chênh lệch giữa thành công của Phần Lan và sự thiếu sót chung của EU, ETSC đang kêu gọi thành lập một cơ quan an toàn đường bộ bao phủ khắp EU để có sự giám sát rộng rãi với mục tiêu cụ thể: giám sát việc triển khai các phương tiện tự động; thực hiện điều tra các vụ tai nạn giao thông; sửa đổi các quy định về an toàn phương tiện sao cho phù hợp với các công nghệ an toàn đang có tiến bộ nhanh chóng và cải thiện việc kiểm tra để đảm bảo rằng các công nghệ này được duy trì.

Tổ chức này cho biết trong khi các phương thức tham gia giao thông chính khác ở châu Âu (đường không, đường hải và đường sắt) đã có các cơ quan chuyên trách của EU chịu trách nhiệm về an toàn, thì chưa có cơ quan nào kiểm soát vận tải đường bộ.

“An toàn đường bộ cần phải được ưu tiên hơn nữa. 100.000 người đã chết trên đường phố EU trong 5 năm qua và 100.000 người nữa sẽ chết trong 5 năm tới nếu không có gì thay đổi”, ông Avenoso cho hay.