Những “phu dường” trên công trường Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Nghề phu đường dẫu vất vả nhưng rất tự hào khi các kỹ sư, công nhân được tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia đang ngày đêm âm thầm cống hiến hết mình, góp phần sớm nối huyết mạch đường cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Trên công trường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn những ngày cuối tháng 9/2024, không khí làm việc hết sức khẩn trương. Tại vị trí thi công hầm số 3, hàng trăm kỹ sư, công nhân mặc trên mình bộ quần áo bảo hộ có logo Đèo Cả đang miệt mài làm việc không kể ngày đêm. Các tổ nhân sự thay phiên nhau khoan, nổ mìn, gia cố mái hầm…

z5885445017152_013cbc8bd716fa5bb713b95d914a078f.jpg
Hình ảnh máy móc đang thi công hầm số 3.

Anh Vũ Văn Phương - Tổ trưởng tổ khoan hầm số 3 cho biết trên công trường có hơn 160 máy móc thiết bị, gần 500 nhân sự thay ca nhau làm việc liên tục 24/24 không nghỉ. Hiện hầm số 3 đã đào được hơn 3.600md trên tổng chiều dài 6.400md (đạt gần 55% khối lượng).

Trước khi gia nhập Tập đoàn Đèo Cả, anh Phương đã có 16 năm kinh nghiệm làm việc về khoan, đào hầm thủy điện. Tuy nhiên, với anh điều khác biệt lớn nhất là khi tham gia làm hầm đường bộ xuyên núi, hệ thống máy móc và thiết bị hiện đại của Đèo Cả giúp cho công việc vất vả này trở nên “dễ thở” hơn.

Anh Phương chia sẻ, khi đi thi công ở các hầm thủy điện đã quen với cảnh sinh hoạt trong các căn nhà tranh tre, nứa lá, thiếu thốn đủ đường. Nhưng từ khi đầu quân cho Đèo Cả ở các dự án hầm Thung Thi, hầm bao biển Hạ Long,… đến nay là hầm cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dù ở công trường nào, Tập đoàn cũng đầu tư xây dựng những khu ăn nghỉ cho người lao động rất khang trang, sạch đẹp.

Còn anh Nguyễn Văn Trung (51 tuổi) đã gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả hơn 4 năm cho biết, với đặc thù công việc anh phải đi làm xa nhà, nhưng bù lại các chế độ, lương, thưởng, bảo hiểm đều được công ty chi trả đầy đủ, đúng hạn và chưa bao giờ bị nợ lương nên anh em công nhân rất yên tâm gắn bó.

“Anh em làm việc ở đây được phục vụ ngày 3 bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, khu nhà ở không còn khái niệm “lán trại, tạm bợ” mà được thiết kế đầy đủ tiện nghi, có điều hòa, nước nóng lạnh,… tạo điều kiện thoải mái cho công nhân nghỉ ngơi sau giờ làm việc”, anh Trung nói.

z5885444629192_0c21ff5d31993c452dec2cfaf55d99f9.jpg
z5885444629169_2fbd12a5c384f5bd6be2cd8fe74a6dc7.jpg
z5885444614569_22cb76ce852665721c99f70ae03a4e5a.jpg
Khu điều hành khang trang cùng những bữa ăn đủ đầy là động lực để các kỹ sư, công nhân Tập đoàn Đèo Cả vượt khó tại dự án.

Bên trong hầm số 2, anh Thành Công Đáng - công nhân lái máy lu cho biết, những đêm không ngủ, làm việc xuyên đêm đã trở thành thói quen. Điều mà anh Đáng và các đồng nghiệp cảm thấy vui, hạnh phúc chính là tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia, động viên, chăm sóc nhau ở nơi công trường mà mọi người dành cho nhau.

Anh Nguyễn Văn Hải - công nhân thi công tại hầm số 1 thổ lộ: “Tôi nhớ gia đình lắm” khi nhắc đến vợ và con đang sống ở Quảng Bình. Tuy nhiên, với anh Hải và nhiều người khác, trách nhiệm với công việc luôn được đặt lên hàng đầu. “Chúng tôi biết rằng con đường này sẽ giúp ích rất nhiều cho đất nước, cho quê hương mình. Mỗi mét đường mà ngày đêm anh em chúng tôi góp sức hoàn thành, là những niềm tự hào không thể đo đếm bằng vật chất”, anh Hải bộc bạch.

Hiện nay, tổng sản lượng toàn dự án đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tương đương hơn 45% tổng khối lượng thực hiện theo hợp đồng. Trong đó, hầm số 1 và hầm số 2 đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai lắp đặt các thiết bị trong hầm.

v;u.png
Thi công nền đường trong hầm số 2

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, toàn dự án có hơn 4.000 người lao động, hơn 1.750 thiết bị, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để đẩy nhanh sản lượng, đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 (vượt tiến độ 8 tháng so với hợp đồng).

“Với người lao động của Đèo Cả, công ty hỗ trợ chi phí ăn uống 3 bữa/ngày và một bữa phụ cho anh em thi công ca đêm. Các bữa ăn đều được thay đổi thực đơn đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Huy nói và cho biết thêm hàng năm Tập đoàn đều tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, thường xuyên thực hiện các khoá đào tạo văn hoá doanh nghiệp, đào tạo sơ cấp cứu, các khoá học về an toàn lao động, thi tay nghề,…

Khi người lao động được chăm lo ăn - ở tử tế, các chế độ đảm bảo thì họ cũng sẽ cống hiến hết mình cho công việc, điều này đang được thể hiện rõ nét không chỉ ở dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn mà trên khắp các công trường của Đèo Cả từ Bắc vào Nam.