“Những năm tháng không thể nào quên”

VietTimes -- Đó là chủ đề của triển lãm vừa được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017). Triển lãm mang đến cho người xem những góc nhìn chân thật về chiến tranh, về những ký ức hào hùng của dân tộc, về sự hy sinh, mất mát do chiến tranh để lại...
Tác phẩm "Tấm lòng người mẹ" của họa sỹ Đỗ Sơn. (Nguồn: vnfam)
Tác phẩm "Tấm lòng người mẹ" của họa sỹ Đỗ Sơn. (Nguồn: vnfam)

“Triển lãm “Những năm tháng không thể nào quên” là sự bày tỏ quan điểm trân trọng hòa bình, nhớ ơn những người đã anh dũng hi sinh để mang đến cuộc sống bình yên, tươi đẹp cho chúng ta hôm nay. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta tri ân tới những thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đã tham gia kháng chiến, đã anh dũng hi sinh hay vẫn còn mang trong mình vết thương do chiến tranh để lại”, đại diện nhà tổ chức, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, khẳng định và nhấn mạnh về mục tiêu, ý nghĩa của triển lãm.

Theo đó, triển lãm sẽ giới thiệu 48 tác phẩm tiêu biểu về đề tài chiến tranh cách mạng được chọn lọc công phu từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm đều thể hiện những góc nhìn chân thật của các họa sĩ về chiến tranh, ký ức hào hùng của dân tộc, sự hy sinh, mất mát.

Đây là những tác phẩm đại diện cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, từ những lớp lão thành của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ, Quang Phòng, cho đến những họa sĩ thuộc thế hệ sau như Hà Xuân Phong, Đỗ Sơn, Lê Trí Dũng, Lê Duy Ứng. Đáng trân trọng hơn khi không ít tác giả đã mãi nằm lại, hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường như liệt sĩ họa sĩ Tô Ngọc Vân, liệt sĩ họa sĩ Hà Xuân Phong, thương binh Lê Duy Ứng…

“Những năm tháng không thể nào quên” ảnh 1
Tác phẩm "Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân" của Nguyễn Trọng Kiệm.

Bằng bút pháp hiện thực, phóng khoáng với cái nhìn bao quát và sự linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ tạo hình, các họa sĩ đã khắc họa cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân ta; tái hiện những khoảnh khắc chân thực về cuộc chiến tranh ác liệt nhưng vẫn chan chứa niềm tin, hy vọng về ngày mai chiến thắng. Bên cạnh đó, những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm cũng thể hiện những khoảng lặng sau cuộc chiến, tình cảm chân thành, tình quân - dân gắn kết; sự âm thầm chịu đựng, hy sinh của những người mẹ, người vợ nơi hậu phương. Họ là những người thầm lặng hy sinh, góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng...

“Những năm tháng không thể nào quên” ảnh 2
Tác phẩm "Anh thương binh" của Phạm Mười. 

Đúng như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Vương Duy Biên, tại buổi triển lãm: “Với lòng yêu nước, tài năng, cây bút, những chiến sĩ đã miệt mài sáng tác, để lại cho chúng ta những tác phẩm tuyệt vời về đời sống lao động, chiến đấu, về những mất mát đau thương, cũng như niềm tin hy vọng vào tương lai tươi sáng của Tổ quốc.”

Triển lãm kéo dài từ 20-30/7 tại Phòng Trưng bày Chuyên đề Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội./.