Những mỏ đào Bitcoin bí mật trị giá hàng triệu USD của Bhutan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chính quyền Bhutan âm thầm chi hàng triệu USD để xây dựng hoạt động khai thác Bitcoin của riêng mình.

Ảnh: Forbes
Ảnh: Forbes

Hàng chục container vận chuyển nằm ẩn sau sườn đồi phía nam Thimphu, thủ đô Bhutan dưới chân Himalaya, một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới. Bên trong, các cỗ máy khai thác Bitcoin trị giá hàng triệu USD hoạt động không ngừng nghỉ để tích lũy đồng tiền mã hóa hiện đang mê hoặc quốc vương của đất nước này. Dưới sự trị vì của Jigme Khesar Namgyel Wangchuck - “Vua rồng”, Bhutan đã âm thầm biến thành một một vùng đất mơ ước cho tiền mã hóa với việc chính phủ dành đất đai, nguồn vốn và năng lượng cho các hoạt động khai thác, họ hy vọng rằng điều này sẽ ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra.

Tuy nhiên, các quan chức Bhutan chưa bao giờ tiết lộ vị trí cũng như quy mô của các cơ sở này. Kể cả khi trở thành nước đầu tiên xây dựng mỏ đào Bitcoin ở tầm quốc gia khoảng bốn năm trước, rất ít người bên ngoài biết đến sự tồn tại của nó. Chính phủ nước này chỉ bắt đầu bình luận về các khoản đầu tư tài sản kỹ thuật số của mình sau khi Forbes lần đầu tiên báo cáo chi tiết về danh mục đầu tư trị giá hàng triệu USD của họ vào đầu năm nay.

Giờ đây, Forbes đã xác định được các địa điểm dường như là bốn mỏ đào Bitcoin do đất nước này điều hành, dựa trên nguồn thông tin về các khoản đầu tư tiền mã hóa của Bhutan và hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs, Satellite Vu và Google Earth. Forbes đã phát hiện các nhà máy được xây theo hình chữ nhật, ở giữa là hệ thống làm mát trung tâm dữ liệu, đường dây điện và máy biến áp công suất cao nối từ nhà máy thủy điện gần đó - hệ thống mà quốc gia này chưa bao giờ công khai.

Theo Forbes, cơ sở đầu tiên được xây gần đèo Dochula, cũng là vị trí đầu tiên thí điểm cho hình thức khai thác Bitcoin của Bhutan. Dữ liệu bản đồ của Planet Labs và Google Earth cho thấy, việc san lấp mặt bằng nhà máy được thực hiện từ 2020 và việc xây dựng hoàn thành cuối 2022. Dù gần đường cao tốc, nhà máy hoàn toàn "ẩn giấu", không xem được bằng Google Street View. Nguồn tin thứ hai nói một lớp đất đã được đắp cao tại vùng ngăn cách giữa cao tốc để tạo thêm lớp che chắn.

Mỏ đào Bitcoin thứ hai nằm gần Trongsa, một thị trấn phía đông Thimphu. Cơ sở thứ ba nằm ở quận Dagana có rừng rậm, gần một trường cấp hai dành cho trẻ em ở cộng đồng nông thôn.

Mỏ đào thứ tư có quy mô lớn nhất, nằm trong một siêu dự án gây tranh cãi và đã thất bại mang tên Education City - nỗ lực trị giá một tỉ USD của Bhutan để biến nơi đây thành trung tâm quốc tế về giáo dục. Nhà máy này chạy dọc quốc lộ Phuentsholing-Thimphu, con đường trải nhựa đầu tiên của đất nước, nhưng nằm khuất sau địa hình đồi núi. Dấu hiệu nhận biết duy nhất là các máy biến áp và đường dây điện.

Theo dữ liệu hải quan từ Bộ Tài chính Bhutan và bản lưu hình ảnh vệ tinh, việc xây nhà máy khai thác Bitcoin ở đây bắt đầu vào khoảng tháng 12/2021, trùng thời gian nước này nhập khẩu 193 triệu USD hàng hóa với nhãn "processing units" (bộ xử lý). Hàng nhập khẩu được gắn mã thuế tương tự được sử dụng bởi các công ty phần cứng khai thác Bitcoin. Dữ liệu từ tổ chức theo dõi biến động kinh tế Observatory of Economic Complexity, số lô hàng "trâu cày" hơn 220 triệu USD đã được chuyển từ Trung Quốc đến Bhutan từ 2021 đến 2022.

Trước khi nhà máy ở đây được xây dựng, Bhutan từng giới thiệu Education City như một dự án mang tầm tương lai trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng. Khoảng 1,5% dân số Bhutan di cư sang Australia năm ngoái để tìm kiếm cơ hội việc làm và mức lương tốt hơn. Dự án Education City đặt tham vọng trở thành "trung tâm khu vực đẳng cấp thế giới về y tế, giáo dục, tài chính, dịch vụ công nghệ thông tin", dự kiến là nơi đặt vệ tinh của một số trường đại học danh tiếng nhất thế giới, cũng như các cơ sở R&D, phòng thí nghiệm, khách sạn và trung tâm sự kiện. Dù vậy, việc quản lý yếu kém và xây dựng chậm trễ khiến dự án bị bỏ lại vào năm 2014.

Hạ tầng nơi đây, gồm cầu đường, hệ thống nước, đường dây điện... là các thành phần quan trọng để xây dựng mỏ đào Bitcoin. Druk Holdings & Investment (DHI) xác nhận sự tồn tại của mỏ đào này. "Những địa điểm xây dựng nhà máy khai thác Bitcoin ở Bhutan đã được lựa chọn dựa trên các yếu tố phù hợp về hậu cần như nguồn điện, nước và nhiều yếu tố khác", đại diện DHI cho biết, nhưng từ chối tiết lộ các chi tiết nhạy cảm về mặt thương mại trong hoạt động.

Nguồn tài chính cho chính phủ Bhutan hiện chủ yếu là từ du lịch và xuất khẩu lượng lớn thủy điện dư thừa sang nước láng giềng Ấn Độ. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến nước này mất nguồn thu hơn 88,6 triệu USD mỗi năm trong hai năm qua. Bitcoin được xem là sự bổ sung về mặt kinh tế cho Bhutan.

Theo nhiều nguồn tin, các quan chức chính phủ Bhutan từng bắt đầu đàm phán với các nhà cung cấp và khai thác Bitcoin vào năm 2020. DHI từ chối đề cập chi tiết, nhưng cho biết họ "gia nhập việc khai thác" Bitcoin tại Bhutan khi giá mỗi Bitcoin đạt mức 5.000 USD. Bitcoin hiện ở mức 38.000 USD mỗi đồng.

Theo Forbes, vào tháng 6 DHI đang có kế hoạch bán bớt kho dự trữ Bitcoin của mình để tài trợ cho việc tăng 50% lương cho các quan chức chính phủ trong bối cảnh Bhutan phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị với thâm hụt thương mại khiến dự trữ tiền tệ của nước này giảm xuống chỉ còn 689 triệu USD.

DHI, công ty cũng điều hành hãng hàng không hàng đầu quốc gia, nhà máy thủy điện và nhà máy sản xuất phô mai, không cung cấp bất kỳ phân tích doanh thu hoặc đầu tư nào vào khai thác Bitcoin trong tài khoản hàng năm của mình ngoài việc lưu ý rằng họ đã huy động trái phiếu ngoại tệ để tài trợ cho dự án. Bộ Tài chính Bhutan cũng im lặng không kém. Các học giả bên ngoài và những người trong cuộc chuyên theo dõi hoạt động Bitcoin toàn cầu chia sẻ với Forbes rằng hoạt động khai thác của đất nước vẫn là một dấu hỏi lớn.

Được biết, bốn mỏ đào kể trên chưa phải lớn nhất. Năm 2022, Bhutan đã ký kết hợp tác với Bitdeer - gã khổng lồ khai thác Bitcoin của Singapore - để xây dựng nhà máy. Vào tháng 3, Bitdeer đã động thổ một mỏ đào ở thị trấn phía nam tỉnh Gedu, theo hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs. Bitdeer từng nói hồi tháng 7 rằng công ty đã chạy 11.000 máy khai thác Bitcoin ở đây và đã đặt hàng thêm 15.000 máy khác.

Theo một nhân viên Bitdeer, việc chính phủ Bhutan ủng hộ Bitcoin có thể giúp công ty huy động được nguồn vốn từ các quỹ khai thác thác Bitcoin xanh trị giá 500 triệu USD. Trong khi đó, DHI ước tính sẽ tạo ra 300-400 việc làm mới ở đây. Các chuyên gia đánh giá, nguồn vốn và việc làm mới là hai yếu tố cần thiết cho Bhutan trong bối cảnh Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chậm lại còn 4,6% trong năm nay. Các nhà kinh tế của chính phủ kêu gọi cải cách kinh tế và cắt giảm ngân sách để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo Forbes