Khoản vay từ IFC, ADB giúp SeABank hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do phụ nữ làm chủ tiếp cận vốn, ổn định sản xuất.
Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt rơi vào tình trạng khó khăn. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, các ngân hàng đã nỗ lực huy động nguồn lực, kết hợp nguồn vốn nội sinh và nguồn vốn được rót từ các tổ chức tài chính quốc tế cũng như có chính sách phù hợp để giúp đỡ doanh nghiệp. Từ đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã hai lần nhận khoản vay từ IFC và ADB.
IFC cấp 40 triệu USD cho SeABank
Ngày 28/6, tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)- một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) cấp khoản vay 40 triệu USD cho SeABank. Đây là hợp phần đầu tiên của gói tài trợ lên đến 150 triệu USD nhằm giúp mở rộng cho vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính khí hậu, và thúc đẩy thương mại quốc tế.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, khoản đầu tư này thể hiện sự tin tưởng của IFC vào SeABank và định hướng chiến lược của ngân hàng trong việc gia tăng tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các dự án thân thiện với môi trường. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm, hỗ trợ Việt Nam phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa sau đại dịch Covid-19.
|
Lễ ký kết hợp tác giữa IFC và SeABank. |
ADB nâng hạn mức tín dụng cho SeABank từ 18 triệu USD lên 30 triệu USD
Cũng trong tháng 6, nhà băng này được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nâng hạn mức bảo lãnh thực hiện các giao dịch thương mại với tổng giá trị tại một thời điểm đến 30 triệu USD. Bên cạnh đó, ADB tiếp tục cấp hạn mức 5 triệu USD vay tuần hoàn kỳ hạn 6 tháng cho SeABank.
Hạn mức tín dụng của ADB giúp SeABank phát triển các hoạt động tài trợ thương mại với quy mô ngày càng được mở rộng. Nhà băng cũng cam kết sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và chuỗi cung ứng của họ, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo việc làm cho người lao động.
Để được cấp khoản vay hay nâng hạn mức bảo lãnh từ các tổ chức tài chính quốc tế, SeABank phải đảm bảo các yếu tố như: uy tín, sự minh bạch, lành mạnh cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn của ngân hàng, quản trị rủi ro tốt, định hướng phát triển rõ ràng, đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược...
|
Khách hàng tới giao dịch tại SeABank. |
Bà Lê Thu Thủy, Tổng giám đốc SeABank cho biết, nhờ vào nguồn vốn huy động được, ngân hàng có thêm dư địa để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp, đồng thời tập trung vào phân khúc khách hàng mục tiêu. Cụ thể, khoản tài trợ dài hạn và tư vấn kỹ thuật của IFC sẽ cho phép nhà băng này tập trung vào hai phân khúc chiến lược - doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và tài trợ khí hậu. Điều này góp phần định vị ngân hàng trở thành ngân hàng được lựa chọn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các dự án thân thiện với môi trường trong 5 năm tới.
Trong khi đó, những khoản tài trợ kịp thời của các tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu như IFC, ADB cho phép SeABank mở rộng hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để vượt qua dịch Covid-19, đón đầu cơ hội phát triển mới, đồng thời góp phần cho sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam nói chung.
Cũng theo Tổng giám đốc SeABank, sự hỗ trợ của ngân hàng sẽ căn cứ theo đặc thù ngành nghề, chia nhỏ nhóm đối tượng, từ đó có các gói chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn vốn. Đơn cử như đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, SeABank sẽ được IFC tư vấn xây dựng chiến lược ngân hàng dành cho phụ nữ bằng cách thu thập dữ liệu phân tách theo giới và xem xét giới là một phần quan trọng trong quá trình sàng lọc đầu tư và thẩm định... qua đó giúp thu hẹp mức thiếu hụt tài chính, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.
Bên cạnh việc xây dựng chính sách phù hợp, ngân hàng cũng hướng tới nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của doanh nghiệp sau khi giải ngân; tăng cường quản lý rủi ro, quản lý nợ xấu... Nhà băng này cũng sẽ phân tích và đánh giá chính xác mức sinh lời của doanh nghiệp để từ đó xác định mức lãi suất cho vay hợp lý, đảm bảo đôi bên cùng phát triển.
Song song đó, SeABank cũng điều chỉnh lãi suất cho vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tập trung vào một số ngành như vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, y tế... Cụ thể, ngân hàng này giảm lãi suất tối đa 1% mỗi năm so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng đối với khoản vay cũ còn dư nợ của khách hàng hiện hữu.
Bên cạnh đó, nhà băng này còn triển khai chương trình "Lãi suất giảm sốc - Giải ngân siêu tốc" hỗ trợ dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với hạn mức 2.000 tỷ đồng, lãi suất dao động 6,5-8% một năm, áp dụng đến hết ngày 31/12. SeABank cũng áp dụng lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với mức vay ưu đãi 5,6-6,4% một năm đối với đồng Việt Nam, 2,6-3% một năm đối với USD.
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và sẽ còn tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. SeABank cũng như nhiều ngân hàng vẫn đang rà soát, điều chỉnh chương trình cho vay phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục thực thi các chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn.