|
Phục sinh. 1988. Lụa. 50x70cm (Tranh Nguyễn Đức Toàn) |
Việt Nam có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có ba nhạc sĩ coi vẽ như nghề-nghiệp thứ hai của mình. Đó là Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn.
Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đức Toàn đều đã tham dự các lớp dự bị tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào những năm 1940-1945. Bản thân Nguyễn Đức Toàn còn được thừa hưởng dòng máu tạo hình ở người cha – nhà điêu khắc Nguyễn Đức Thục, nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20.
Nếu Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc đã có tác phẩm hội họa từ trước Cách mạng Tháng Tám, thì ngay trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đức Toàn, trẻ hơn nhiều, cũng đã được xem như một họa sĩ.
“Khi náo động nhất, có khi ta bỗng lắng lại để tìm một thi hứng âm nhạc. Và khi ngồi một mình suy ngẫm về thế sự, bỗng nhiên ta lại muốn bộc lộ ta bằng những mảng, khối, đường nét của nghệ thuật tạo hình” - Nguyễn Đức Toàn viết.
|
Đôi bạn, vẽ năm 1980, lụa, 38x50cm
|
Từ những năm 1980, Nguyễn Đức Toàn hầu như chỉ chuyên tâm vào vẽ, vừa để thỏa lòng say mê, những ước vọng về hội họa ấp ủ đã lâu, mà cũng vừa để “sống” trong thời kỳ bao cấp quá khó khăn của đất nước khi đó. Ông vẽ rất nhiều và vẽ bằng đủ các chất liệu, từ khắc gỗ, bột màu, mực nho, lụa cho đến sơn dầu, sơn mài (vẽ sơn mài thiếu vóc, ông tự làm lấy vóc). Trong các họa sĩ - nhạc sĩ, ông là người sử dụng nhiều loại chất liệu nhất.
“Đã nhiều lần tôi thử vẽ đề tài chiến đấu và sản xuất, xây dựng đều không ổn, lại quay về cây đa, giếng nước, chùa làng. Trong hội họa lắm khi nhỏ mà có ý nghĩa về cuộc đời, về nghệ thuật lại lớn, nên tôi yên tâm nhảy múa trên mảnh đất của mình. Qua nhiều năm tôi vẽ và vẽ, tưởng như đã phụ tình với âm nhạc. Tranh của tôi bán được khá nhiều, có dư luận rằng tranh tôi vẽ chạy theo thị hiếu của khách nước ngoài. Đã nhiều lần tôi tiếp xúc với các khách mua tranh (nguyên văn: các họa sĩ) Pháp, Ý, Thụy Điển… đến Hà Nội, tôi hỏi các ông vì lẽ gì mà mua tranh tôi thì họ đều trả lời rằng vì tranh tôi vẽ rất Việt Nam. Trong nghệ thuật lắm khi chỉ cần một tiêu chí ấy, đã đủ cho mình yên tâm và tiếp tục làm việc. Trong những năm cuối của thế kỷ 20, tôi đã đi và tổ chức triển lãm tranh của tôi ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả 10 lần” – Cố nhạc sĩ viết, in trong tập “Nguyễn Đức Toàn- Hà Nội trái tim hồng”, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2016).
|
Chải tóc. 1983. Lụa. 46 x 39 cm
|
|
Cô gái Hà Nội. 1988. Lụa. 56 x 34cm
|
|
Thương nhớ mùa thu. 1988. Lụa. 39 x 48cm
|
Nếu ông hay bắt đầu một bài hát với một câu văn thật giản dị như một câu nói thường ngày, kiểu như: “Một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến cảng. Ta chia tay nhau, trong lòng bao lưu luyến” - thì ông cũng hay bắt đầu một bức tranh với một cấu tứ giản dị tưởng như đã quen thuộc lắm, quen tới mức sáo cũ, chẳng hạn: những con đường làng, gốc đa, những cái cổng, mảng ruộng, ngôi nhà, đống rơm; mái chùa cổ… Rồi sau đó, là sự thăng hoa lấp lánh của mộng tưởng và liên tưởng.
Ông sinh năm 1929 tại Hà Nội, số nhà 61 phố Huế (thời Pháp thuộc gọi là Route de Húe, tức đường Huế). Nhạc sĩ – họa sĩ Nguyễn Đức Toàn mất năm 2016.
“Ông là một trong số vô cùng ít những nghệ sĩ đã liên kết được sức mạnh của cả âm nhạc và hội họa. Bên cạnh một Văn Cao họa sĩ “lập thể”, một Nguyễn Đình Phúc họa sĩ “biểu hiện”- Nguyễn Đức Toàn là một họa sĩ “trữ tình” như có cả hai cái đó” – Giám tuyển độc lập của bộ sưu tập tranh tư nhân về họa sĩ – nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt nhận định.
Triển lãm “Nguyễn Đức Toàn - Những giai điệu vẽ bằng màu sắc” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, khai mạc chiều 19/7 tại Nhà triển lãm 16 phố Ngô Quyền, Hà Nội, nhân kỷ niệm 90 năm sinh của họa sĩ, kéo dài đến hết ngày 28/7/2019.