|
Các học viên khóa 1 HAGL-Arsenal-JMG đã từng có những thành công ở lứa tuổi U19 (ảnh VietTimes) |
Thứ hạng V-League của “những đứa con nhà bầu Đức” từ 2015 đến nay lần lượt là 12 (24 điểm), 12 (30 điểm), 11 (30 điểm), 10 (31 điểm) và sau lượt đi V-League mùa này đang đứng vị trí thứ 10 với (15 điểm).
Trong 5 năm HAGL đã dùng hết 4 HLV, trong đó có 2 ông thầy ngoại, 2 ông thầy nội và cũng được xem là một trong những đội bóng “sát thầy” tại V-League. Nhưng bao giờ HAGL mới có thể nâng chiếc cúp vô địch V-League thì không có bất cứ ai có thể trả lời một cách tương đối chính xác. Có thể 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn nữa.
Điều trớ trêu trên Cao nguyên
2 chức vô địch V-League của họ từ 2003, 2004 khi bầu Đức “ăn xổi, ở thì” bằng cách tung tiền mua cầu thủ Thái. Kể từ năm 2007, khi có sự hợp tác giữa tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và câu lạc bộ Arsenal thành lập học viện bóng đá mang tên HAGL-Arsenal-JMG thì họ lại trắng tay dù tốn hàng trăm tỷ đồng đầu tư.
|
Đã 5 mùa bóng V-League, nhưng lứa quả ngọt đầu mùa của HAGL vẫn chỉ vật lộn cuối BXH (ảnh CLB)
|
Đó thực sự là nghịch lý mà bầu Đức, ông bầu yêu bóng đá bậc nhất Việt Nam loay hoay mãi chưa tìm được lời giải. Nói như ông Vinh “bạc” một người bạn thân cận, từng làm Giám đốc kỹ thuật HAGL: “Bóng đá có ngôn ngữ riêng của nó. Anh Đức chỉ thành công khi dừng lại ở vai nhà đầu tư, càng lún sâu vào chuyên môn, HAGL càng khó thành công”.
Thực tế, lời can ngăn của người bạn già am hiểu chuyên môn này khi bầu Đức đưa vị huấn luyện viên dẫn dắt lứa U19, ông Guillaume Graechen lên nắm đội 1 hay việc “chín ép” lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường là hoàn toàn chính xác. Phương pháp đào tạo của HAGL-Arsenal-JMG cho ra đời lứa cầu thủ chỉn chu, kỹ thuật cá nhân tốt với đặc trưng “tấn công, không phòng thủ” đã chuốc không biết bao nhiêu thất bại, cả sân khách lẫn sân nhà.
Không được cọ xát nhiều khi còn tập luyện, thể hình mỏng nên Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường dù đá V-League hay xuất ngoại đều gặp khó khăn. Kỹ thuật và trình độ của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chưa đạt tầm sao châu lục để cả đội bóng phục vụ, nên đi đến đâu họ cũng chỉ ngồi ghế dự bị.
Trong những thành công của bóng đá Việt Nam thời Park Hang-Seo, những đóng góp của lò HAGL ngày càng ít dần. Nếu như Tuấn Anh phải vật lộn với chấn thương thì việc Công Phượng, Xuân Trường phải làm quen với ghế dự bị là điều khiến cho bầu Đức không thể chấp nhận được. Phương án để Công Phượng, Xuân Trường xuất ngoại sang Hàn Quốc, Thái Lan là quyết định không sai, nó còn giải quyết mục tiêu “2 trong 1”.
Những toan tính của bầu Đức
Bầu Đức tính toán phương án để Công Phượng, Xuân Trường sang môi trường cao hơn để có điều kiện nâng cao trình độ. Trong khi đó, tại HAGL thì Tuấn Anh, Văn Toàn và đồng đội có điều kiện thoát khỏi cái bóng của đồng nghiệp.
|
Trong những thành công của bóng đá Việt Nam thời Park Hang-Seo, những đóng góp của lò HAGL ngày càng ít dần (ảnh VietTimes)
|
Đây là một tư duy chính xác nhưng có vẻ việc chọn điểm đến Buriram United (Thái Lan) cho Xuân Trường và Incheon United (Hàn Quốc) cho Công Phượng “có cái gì đó sai sai”. Rõ ràng đó là những chiếc áo rộng quá khổ Công Phượng, Xuân Trường và họ không phát huy được tác dụng.
Trở lại V-League, không phải bầu Đức không biết điểm yếu ở khâu phòng ngự của HAGL. Việc bổ sung Trọng Sáng (từ Đà Nẵng), Hoàng Lâm (Long An) hay ngoại binh Kim Bong-Jin (Hàn Quốc) là để cùng với các cầu thủ bản địa Hồng Duy, Đức Lương, Văn Sơn gia cố lại hàng phòng thủ. Thậm chí, để chống bóng bổng, HAGL “chơi sang” dùng thủ môn ngoại Sietsma, trở thành đội duy nhất V-League chơi “hàng hiệu”.
Nhưng họ vẫn để thua tới 21 bàn, đứng thứ 3 trong danh sách các hàng phòng ngự kém nhất V-League (chỉ hơn S.Khánh Hòa và Hải Phòng 23 bàn). Trong 21 bàn thua, có đến 11 bàn đến từ việc có đủ quân số phòng ngự, 4 bàn thua từ các tình huống phản công và có 6 bàn thua từ các tình huống cố định (trong đó có 1 bàn penalty và 3 bàn phạt góc).
Con số 11 bàn phản ánh lỗi hệ thống trong khâu tổ chức phòng thủ, 3 bàn thua từ các tình huống phạt góc cho thấy dù sở hữu các cầu thủ có chiều cao nhưng khâu kèm người của HAGL không tốt. Đến giờ chỉ có hàng tiền đạo được cho là cùn của Nam Định và Viettel là không chọc thủng lưới thủ môn Sietsma, có đến 11 hàng tiền đạo đều ghi bàn khi gặp HAGL.
|
HLV Lee Tae-Hoon vẫn chưa tìm được mảnh ghép ưng ý với Tuấn Anh ở vị trí tiền vệ trung tâm (ảnh CLB)
|
Hàng tiền vệ với những cái tên Tuấn Anh, Minh Vương, Việt Hưng được coi là chủ chốt của HAGL, cầu thủ còn lại xoay tua là Thanh Sơn (5 trận), Thanh Tùng (3 trận)…và có sự trở lại của Vũ Văn Thanh (5 trận) sau chấn thương. HLV Lee Tae-Hoon vẫn chưa tìm được mảnh ghép ưng ý với Tuấn Anh ở vị trí tiền vệ trung tâm.
Sơ đồ hình khối di chuyển của HAGL vẫn mong manh, dễ vỡ với bất cứ hàng tấn công nào. Trận thua 3-0 trên sân Vinh là một ví dụ điển hình nhất, SLNA có đến 6 trận chỉ hòa và thua, hầu như không ghi bàn được, cho đến khi gặp Văn Toàn và các cầu thủ HAGL.
Trong các khâu kèm người, tranh cướp bóng, vây ráp đối phương hầu như các cầu thủ phố Núi đều chậm hơn đối phương 1 nhịp. HAGL đang thừa các thủ lĩnh hàng công nhưng lại thiếu một “công nhân” giỏi đánh chặn kiểu Ngô Hoàng Thịnh, Văn Thuận (TP.HCM).
Vĩ thanh
Việc sử dụng 3 ngoại binh 1 cho hàng công, 1 hàng hậu vệ, 1 cho vị trí thủ môn khiến cho hàng tiền vệ HAGL trở nên “mong manh, dễ vỡ”. Điều các nhà báo thể thao biết, không phải BHL HAGL không biết, có điều họ làm sao thuyết phục được bầu Đức để thay đổi phù hợp mới là điều quan trọng.
|
Bài toán “nâng trình” Văn Toàn của bầu Đức lại có đáp số (ảnh VietTimes)
|
Bài toán “nâng trình” Văn Toàn của bầu Đức lại có đáp số chuẩn xác, cầu thủ này đến nay đã có 5 bàn thắng và đối tác của anh, ngoại binh Chevaughn cũng đá có 7 bàn thắng. Không có Công Phượng, Xuân Trường lối đá của HAGL tốc độ hơn và Văn Toàn đã có những cú nước rút còn nhanh hơn Nghiêm Xuân Tú (Quảng Ninh).
Những năm gần đây, người ta đang thấy “những đứa con nhà bầu Hiển” Quang Hải, Văn Hậu, Hùng Dũng, Đức Huy…đang làm mưa, làm gió cả tại V-League lẫn trên đội tuyển. Những cuộc ganh đua lò HAGL, lò Hà Nội, lò PVF…đang làm cho công tác đào tạo trẻ có những bước tiến trông thấy. Bóng đá Việt Nam rất cần những khuôn mặt như bầu Đức, bầu Hiển, bầu Vượng, dù có thể họ chưa có thành công liền!