|
Những điều iPhone làm được còn smartphone Android thì không (Ảnh: Slash Gear) |
Nếu bạn muốn một chiếc điện thoại dễ sử dụng thì bạn có thể lựa chọn iPhone. Còn nếu bạn là một người thường xuyên tìm tòi và muốn cài đặt nhiều ứng dụng độc lạ trên chiếc smartphone của mình thì hãy lựa chọn những chiếc smartphone Android. Khoảng cách đã được thu hẹp trong những năm gần đây. Apple đã bổ sung thêm nhiều khả năng tùy chỉnh cho người dùng iOS. Các nhà sản xuất Android đã khóa quyền truy cập bootloader và thêm các phương pháp bảo mật khác như Knox của Samsung.
Apple có lợi thế ở chỗ họ kiểm soát phần cứng, phần mềm và có hệ sinh thái bao gồm rất nhiều thiết bị khác nhau. Có rất nhiều hãng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android nên việc tạo ra một hệ sinh thái khép kín như Apple là một nhiệm vụ khó khăn. Điểm mấu chốt để người dùng liên tục lên đời những chiếc iPhone mà không chuyển sang sử dụng các mẫu smartphone Android là vì có những tính năng trên iPhone mà những mẫu điện thoại Android không có.
iMessage
Ai trong số chúng ta khi đã sử dụng iPhone chắc chắn đều sẽ sử dụng tính năng nhắn tin miễn phí iMessage. Ngoài việc không tốn phí, người dùng có thể gửi các tệp đính kèm như ảnh, video trong phần tin nhắn của mình, đây là thứ mà các tin nhắn SMS thông thường không thể làm được. Đặc biệt hơn, iMessage còn có thể đồng bộ hóa giữa các thiết bị Apple thông qua tài khoản Apple ID, giúp người dùng có thể nhắn tin trên nhiều thiết bị khác nhau như iPhone, iPad, Macbook.
Đó chỉ là bề nổi của chức năng bên trong iMessage. Dịch vụ này hỗ trợ trả lời nội tuyến, ghim cuộc trò chuyện và lọc những người gửi không xác định vào hộp thư đến của riêng họ. Dịch vụ này không còn là một trình nhắn tin SMS cơ bản nữa, với khả năng gắn thẻ những người tham gia trò chuyện nhóm, gửi ghi chú viết tay, chia sẻ vị trí của bạn với bạn bè và gia đình, gửi tiền và chơi trò chơi với những người liên hệ của bạn.
Tính năng Continuity Camera
Người dùng điện thoại thông minh đã có thể sử dụng thiết bị của họ làm webcam cho máy tính Windows hoặc Mac. Các ứng dụng như DroidCam hoặc Camo đồng bộ hóa nguồn cấp dữ liệu từ camera của điện thoại thông minh vào máy tính, biến chiếc điện thoại của bạn thành webcam máy tính. Cả hai tùy chọn đều hoạt động không dây hoặc có dây nhưng yêu cầu cài đặt phần mềm bổ sung trên máy tính của bạn và mất chút thời gian thiết lập. Cũng không có gì đảm bảo rằng chúng sẽ hoạt động tốt đối với các phần mềm họp trực tuyến như Zoom hay Google Meet. Và các ứng dụng kể trên đều yêu cầu bạn trả phí nếu muốn sử dụng các công cụ nâng cao.
Với việc phát hành macOS Ventura và iOS 16, người dùng iPhone không cần cài đặt hoặc thiết lập ứng dụng của bên thứ ba để sử dụng iPhone làm webcam. Continuity Camera chỉ yêu cầu người dùng đăng nhập vào tài khoản Apple ID trên cả hai thiết bị. Người dùng sau đó có thể sử dụng camera phía sau trên iPhone để làm webcam của mac, điều này giúp cải thiện rất nhiều chất lượng hình ảnh.
Để kết nối bạn chỉ cần đưa chiếc iPhone của bạn đến gần với máy Mac, hai thiết bị sẽ tự động kết nối với nhau.
Ngoài ra Continuity Camera còn cung cấp cho người dùng một tính năng mà không ứng dụng nào có, đó là Desk View. Tính năng này cho phép người dùng sử dụng camera góc siêu rộng của iPhone, giúp người dùng dễ dàng show các thao tác tay khi thực hiện cuộc họp hoặc các cuộc gọi video.
FaceTime
Sự đơn giản của FaceTime là điều mà người dùng iPhone yêu thích. FaceTime được cài đặt sẵn trên iPhone, iPad và Mac, mang lại trải nghiệm gọi điện video nhất quán trên tất cả các nền tảng của Apple. Về chất lượng, FaceTime đem đến cho người dùng trải nghiệm gọi video mượt mà, chất lượng hình ảnh sắc nét. Những người dùng iPhone, iPad, Mac có thể thực hiện các cuộc gọi video dễ dàng mà không cần phải sử dụng một ứng dụng bên thứ ba.
SharePlay
FaceTime cho phép bạn thực hiện các cuộc gọi video cho bạn bè và người thân trong gia đình, nhưng bất kỳ ứng dụng gọi điện video nào cũng có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, các ứng dụng gọi video của bên thứ ba không có tính năng SharePlay như FaceTime.
Tính năng SharePlay cho phép người dùng chia sẻ phim, video, nghe nhạc với người khác thông qua FaceTime. Người dùng Apple có thể bắt đầu nội dung khi đang thực hiện cuộc gọi FaceTime, sau đó nội dung này sẽ được đồng bộ hóa trên màn hình của mọi người trong cuộc gọi để họ có thể xem cùng nhau. Để bắt kịp với Apple, Google đã hợp tác với Samsung để tạo ra tính năng Live Sharing, tính năng này gần giống với tính năng SharePlay.
Hệ điều hành iOS được các nhà phát triển ứng dụng ưu ái
Android là hệ điều hành được sử dụng rộng rãi nhất, chiếm 72% thị trường hệ điều hành di động trên toàn thế giới. Nhiều người nghĩ rằng khi một ứng dụng đưa ra một bản cập nhật mới, họ sẽ ưu tiên hệ điều hành được sử dụng phổ biến rộng rãi hơn. Điều này không hoàn toàn đúng. Chính vì số lượng người cài đặt ứng dụng trên hệ điều hành Android quá lớn khiến các nhà phát triển ứng dụng gặp khó khăn khi tung ra các bản cập nhật mới. Nhà phát triển cần tối ưu hóa cho nhiều thiết bị trên nhiều mẫu điện thoại sử dụng hệ điều hành Android.
Mặt khác, những chiếc iPhone trên thị trường hầu như đều chạy trên cùng một phiên bản iOS giống nhau. Điều này khiến việc tung ra các bản cập nhật ứng dụng cho hệ điều hành iOS sẽ dễ dàng hơn. Chắc hẳn bạn đã từng gặp trường hợp các ứng dụng có trên hệ điều hành iOS lại không được tìm thấy trên Google Play Store. Chính đại diện app Moment (app theo dõi sức khỏe) cho biết chính sự phân mảnh của hệ điều hành Android đã khiến công ty quyết định chỉ tập trung phát triển ứng dụng trên hệ điều hành iOS.
Một điều khác khiến các nhà phát triển ứng dụng "ưu ái" hệ điều hành iOS hơn là vì người dùng iPhone có xu hướng chi nhiều tiền hơn, vượt xa người dùng Android ở mọi danh mục trong một cuộc khảo sát gần đây.
Bảo mật tốt hơn
iPhone được đánh giá là một trong những chiếc smartphone có khả năng bảo mật tốt nhất trên thị trường. Người dùng iPhone không thể dễ dàng tải xuống các ứng dụng ngoài App Store, điều này giúp người dùng đảm bảo an toàn, tránh tải xuống các ứng dụng chứa các phần mềm độc hại. Mọi ứng dụng trong App Store đều được kiểm tra các vấn đề về phần mềm độc hại và bảo mật.
Việc tích hợp chặt chẽ phần mềm và phần cứng trên iPhone cũng giúp hạn chế những cuộc tấn công của tin tặc. Các tính năng trên iPhone có phần bị hạn chế hơn các mẫu smartphone Android, nhưng điều này nhằm tăng tính bảo mật trên những chiếc iPhone. Phạm vi phần cứng lớn hơn của Android cũng là nguyên nhân tạo ra các lỗ hổng trên hệ điều hành này. Bản chất đóng của iOS cũng hạn chế khả năng tin tặc có thể dễ dàng tìm ra lỗ hổng so với bản chất nguồn mở của Android. App Tracking Transparency của Apple cũng khiến các nhà quảng cáo gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu thập dữ liệu vị trí và lịch sử duyệt web của người dùng.
Chuyển đổi giữa các thiết bị một cách liền mạch
Hệ sinh thái của Apple, bao gồm cả iPhone, được thiết kế để chuyển đổi liền mạch giữa các thiết bị của hãng. AirPods có thể chuyển đổi kết nối linh hoạt giữa các thiết bị của Apple; các cuộc gọi có thể được thực hiện trên iPhone và sau đó chuyển sang máy Mac hoặc iPad. Continuity cung cấp một hệ thống liên lạc thống nhất giữa các thiết bị. Hệ thống này hỗ trợ các tính năng như Universal Clipboard, nơi bạn có thể sao chép hình ảnh, văn bản hoặc tệp trên iPhone và chuyển chúng sang một máy Mac gần đó mà không cần kết nối có dây. Chính sự liên kết chặt chẽ giữa các thiết bị của Apple khiến cho người dùng khó có thể thoát ra khỏi hệ sinh thái của công ty.
Giảm tải ứng dụng để tiết kiệm dung lượng
Bộ nhớ trong của iPhone là không thể thay đổi. Bộ nhớ chiếc iPhone sẽ sớm đầy vì hình ảnh, tập tin, ứng dụng và dữ liệu được lưu trên máy. Bạn có thể chuyển một phần dung lượng lưu trữ đó sang iCloud nhưng sau đó bạn phải trả thêm chi phí để có được đặc quyền lưu trữ đám mây đó. Kể từ phiên bản iOS 11, Apple đã cung cấp một tính năng giúp người dùng tiết kiệm dung lượng bộ nhớ bằng cách loại bỏ đi các ứng dụng ít được sử dụng.
Kể từ phiên bản iOS 11, iPhone sẽ tự động kiểm tra xem tần suất các ứng dụng được sử dụng. Nếu máy nhận thấy các ứng dụng ít được người dùng sử dụng, iPhone sẽ tự động xóa đi các ứng dụng khỏi bộ nhớ trong của máy và đẩy chúng lên iCloud. Chỉ khi người dùng sử dụng lại ứng dụng đó, máy mới bắt đầu tải lại dữ liệu của ứng dụng để người dùng có thể sử dụng chúng một cách liền mạch. Để bật tính năng này, hãy mở Cài đặt, nhấn vào App Store và bật Tự động xóa các ứng dụng không sử dụng.
Tính năng Always-On Display
Always-On Display không phải là một công nghệ gì mới, nó đã xuất hiện trên những chiếc smartphone Android kể từ năm 2013, cụ thể là trên chiếc Moto X của Motorola. Tính năng này được hỗ trợ trên màn hình AMOLED, giúp hiển thị thời gian, ngày tháng và thông báo. Điểm đặc biệt của Always-On Display là khiến màn hình điện thoại luôn bật, từ đó người dùng có thể dễ dàng kiểm tra các thông báo mà không cần phải mở màn hình. Vài năm sau, Samsung đã đưa tính năng Always-On Display lên Galaxy S7 và S7 Edge.
Trên thực tế, đây không phải là một tính năng mà các hãng điện thoại Android nghĩ ra đầu tiên. Nokia mới là hãng đầu tiên trang bị tính năng tương tự Always-On Display trên chiếc N70, sử dụng màn hình TFT. Bây giờ iPhone đã tiến thêm một bước nữa về công nghệ này. iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max được tích hợp tính năng Always-On Display, hiển thị toàn bộ màn hình khóa với đầy đủ màu sắc. Đây được coi là sự nâng cấp của tính năng Always-On Display mà chưa hãng điện thoại nào có thể làm được.
Tính năng này cho phép iPhone hiển thị các tiện ích và đồng hồ trên màn hình khóa luôn bật. Máy có thể làm được điều này nhờ màn hình LTPO ProMotion mới, giúp máy có khả năng giảm tần số quét màn hình xuống mức tối thiểu 1Hz. Khi bật tính năng Always On Display, màn hình iPhone sẽ được làm mờ thay vì tối đen khi bạn tắt màn hình, qua đó bạn có thể thêm vào các tiện ích để có thể xem nhanh chúng mà không cần phải mở màn hình khóa.
Theo Slash Gear