Kinh tế số tăng trưởng mạnh
Với chủ đề của năm là “Tập trung khơi thông các nguồn lực, đặc biệt là từ dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, sản phẩm mới, phát triển ngành/lĩnh vực mới, nămm 2023, ngành công nghiệp CNTT Đà Nẵng tiếp tục khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, tổng doanh thu ngành TT&TT năm 2023 của Đà Nẵng ước đạt 17.598 tỉ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước khoảng 147,8 triệu USD, đạt 101,25% so với kế hoạch, tăng 12% so với năm 2022.
Quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 9.841 tỉ đồng, mở rộng hơn 768 tỉ đồng so với năm 2022, chiếm 7,33% trong cơ cấu GRDP toàn nền kinh tế. Tăng trưởng VA toàn ngành theo giá so sánh 2010 ước đạt 4,86% so với năm 2022, đóng góp 0,57 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP toàn nền kinh tế TP. Đặc biệt, theo ước tính của Bộ TT&TT, tỷ trọng kinh tế số của Đà Nẵng chiếm 19,76% GRDP TP.
Hàng loạt danh hiệu danh giá về chuyển đổi số
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả bộ máy chính trị, năm 2023, Đà Nẵng đã hoàn thành hầu hết các nội dung, mục tiêu chuyển đổi sốđã đặt ra. Gần 50% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số (dùng với 1 Kho dữ liệu cá nhân trên Hệ thống chính quyền) để thuận lợi trong sử dụng các dịch vụ công, tiện ích số; có 96,4% dịch vụ công trực tuyến dưới dạng toàn trình; đã tích hợp được 1.569 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm tỷ lệ 82% (cao hơn 2 lần so với mục tiêu của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là 40%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt tỷ lệ 80% (vượt chỉ tiêu toàn quốc là 60%)
Cùng với các hoạt động chuyển đổi số, 100% quận huyện, phường xã trên địa bàn TP đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.424 tổ và gần 15.000 thành viên tham gia. Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đã thực sự đi vào đời sống và phát huy được hiệu quả hoạt động, là cánh tay đắc lực, hiệu quả của chính quyền thành phố trong công tác triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyển đổi số tại địa phương; phát huy tốt vai trò tiên phong trong triển khai và nhân rộng các mô hình điển hình trong chuyển đổi số.
Với những nỗ lực này, năm 2023 là năm liên tiếp Đà Nẵng nhận được những danh hiệu danh giá về chuyển đổi số và TP thông minh.
Trước tiên phải nói đến vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng nhất chỉ số Vietnam ICT Index khối các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương năm 2023, 4 năm liên tiếp ở vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số này và là địa phương có 13 năm đứng đầu cả nước về chỉ số ICT Index.
Chưa dừng lại, Đà Nẵng lại liên tiếp 3 năm liền (2020-2022) được Bộ TT&TT đánh giá, xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) và xếp hạng Nhất cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
4 năm liên tiếp (2020-2023), Đà Nẵng đạt Giải thưởng TP thông minh (duy nhất) Việt Nam, cùng 12 giải thưởng thành phố thông minh chuyên đề; 4 năm liên tiếp (2020-2023), Đà Nẵng đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam.
Năm 2023, cũng là năm thứ 2 liên tiếp Đà Nẵng được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chứng nhận Top tổ chức, địa phương tiêu biểu thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chuyển đổi số.
Bên cạnh các giải thưởng trong nước, năm nay, TP Đà Nẵng đã được trao tặng giải thưởng TP thông minh Seoul ở lĩnh vực “lấy con người làm trung tâm” tại Hội nghị thị trưởng các TP thông minh Thế giới (tổ chức tại Hàn Quốc).
Ngoài ra, Cổng dịch vụ công của TP Đà Nẵng được Bộ TT&TT giám sát, đo lường, kiểm tra, đánh giá và xếp loại A (tốt nhất). Đặc biệt Tổ Công nghệ số cộng đồng thôn Tà Lang - Giàn Bí (huyện Hoà Vang) là 1 trong 3 Tổ đạt danh hiệu xuất sắt toàn quốc (trong 74.500 tổ), đươc tôn vinh tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2023.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – chia sẻ đây là niềm vui của TP. Để có kết quả này, phải kể đến sự chỉ đạo quyết liệt, thống nhất, đồng bộ của cả bộ máy chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong công tác chuyển đổi số.
Đà Nẵng đã có sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, thiết bị, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số. Thêm vào đó là sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số. Đặc biệt là có sự hưởng ứng, tích cực tham gia của mọi tầng lớp người dân trong tiến trình chuyển đổi số.
Những giải pháp trên được Đà Nẵng áp dụng, triển khai đã giúp người dân và các doanh nghiệp của Đà Nẵng được hưởng những lợi ích của dịch vụ công, gia tăng tiện ích xã hội, không phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy vậy, theo ông Lê Trung Chinh, kết quả thành công trong chuyển đổi số của Đà Nẵng ngày hôm nay mới chỉ là kết quả bước đầu. Đà Nẵng sẽ tiếp tục nỗ lực để làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số nhằm phục vụ công tác phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
“Khát vọng mà Đà Nẵng hướng tới từ việc chuyển đổi số đó là phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, hướng đến người dân và doanh nghiệp, làm sao người dân và doanh nghiệp thực sự được hưởng thụ công tác chuyển đổi số này. Việc chuyển đổi số này góp phần quan trọng, chiếm tỷ lệ cao trong tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, chuyển đổi số luôn là mục tiêu hướng đến của chúng tôi” – ông Lê Trung Chinh nói.
Khánh thành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh
Tháng 8/2023, Trung tâm giám sát, điều hành thông TP Đà Nẵng (Trung tâm IOC Giai đoạn 1) đã được vận hành và đưa vào hoạt động. Đây là một hợp phần quan trọng được xác định trong Kiến trúc tổng thể TP thông minh của Đà Nẵng và trong Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh của Bộ TT&TT.
Trung tâm IOC (giai đoạn 1) kế thừa, sử dụng dữ liệu tức thời từ 400 trạm cảm biến (IoT) ngoài đô thị (không kể camera); dữ liệu từ các ứng dụng hiện có của TP, của các cơ quan TƯ và công đồng; từ đó phân tích tập trung, đưa ra 140 loại số liệu thống kê, biểu đồ trực quan và 50 loại cảnh báo, dự báo sớm; cung cấp để phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TP, các sở ngành, quận huyện; đồng thời thông tin cho người dân, cộng đồng biết.
Trong cuối năm 2023, dữ liệu về mưa, ngập, hoạt động tàu cá trên biển được sử dụng hiệu quả điều hành trong phòng tránh thiên tai; dữ liệu cung cấp dịch vụ công, xử lý đơn thư phục vụ tốt công tác cải cách hành chính; dữ liệu quan trắc môi trường, góp ý- phản ánh phục vụ tốt công tác quản lý đô thị, dữ liệu phân tích thông tin trên mạng xã hội phục vụ tốt công tác quản lý truyền thông trên địa bàn TP, …
Ông Lê Trung Chinh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho biết, Trung tâm IOC là mô hình mới, áp dụng công nghệ mới, sử dụng dữ liệu số, đặc biệt là yêu cầu cao về quy trình, nghiệp vụ liên ngành. Trung tâm đã kế thừa kết quả triển khai, đặc biệt là hạ tầng và dữ liệu số, là hạt nhân lan toả, thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TP đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
“Việc đưa Trung tâm IOC TP vào hoạt động thể hiện cam kết, quyết tâm cao nhất của lãnh đạo TP Đà Nẵng trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh. Đặc biệt, Trung tâm IOC được xây dựng đảm bảo tuân thủ theo Khung kiến trúc, lấy hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả" - ông Lê Trung Chinh nói.
Tiếp cận ngành công nghiệp chip bán dẫn
Với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thành phố theo hướng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, phù hợp với định hướng, lợi thế của TP, Đà Nẵng đã nhanh chóng xây dựng chương trình hành động để từng bước đưa địa phương tiếp cận, phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Đà Nẵng đã tổ chức thành công hội thảo về nguồn nhân lực phục vụ ngành chíp bán dẫn với sự tham gia của các doanh nhân, đại diện các trường đại học để đưa ra các ý kiến, đề xuất, gợi mở có tính định hướng quan trọng để TP triển khai các biện pháp, giải pháp cụ thể để phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Đặc biệt, sự kiện giữa tháng 11/2023, đoàn công tác của TP Đà Nẵng do Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng làm Trưởng đoàn đã có những buổi tiếp xúc, làm việc với các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ về lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Tại đây, Đà Nẵng đã đạt được một loạt thoả thuận với các tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ.
Đáng chú ý nhất là sự kiện tại San Francisco (Hoa Kỳ), trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, UBND TP Đà Nẵng và Công ty Synopsys đã ký bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian tới.
Việc ký kết bản ghi nhớ giữa UBND TP Đà Nẵng và Synopsys sẽ góp phần thực hiện một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2020-2025 là “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, TP thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, TP Đà Nẵng cũng đã ký một loạt bản ghi nhớ với các tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ như: Công ty ITSG-J, Công ty Qorvo, Công ty Marvell, Tập đoàn Intel… về việc thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn từ Hoa Kỳ vào TP Đà Nẵng, hỗ trợ các doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đào tạo kỹ sư lĩnh vực bán dẫn, mở văn phòng tại Đà Nẵng, hỗ trợ Đà Nẵng thực chương trình Trí tuệ nhân tạo…
Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - cho biết, với xu hướng phát triển và dịch chuyển trong sản xuất của ngành công nghiệp chíp, bán dẫn, trên thế giới, TP Đà Nẵng đang nỗ lực để xác định vị trí trong chuỗi sản phẩm công nghệ này.
Để sớm tham gia vào chuỗi phát triển công nghiệp chíp bán dẫn, ông Thanh cho rằng, trong thời gian tới, Đà Nẵng cần ưu tiên nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách thúc đẩy triển khai đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, xây dựng Trung tâm tính toán hiệu năng cao tại Trung tâm dữ liệu khu công viên phần mềm số 2 để vận hành hạ tầng phục vụ đào tạo và thiết kế chip bán dẫn và vi mạch; đồng thời thành lập đơn vị nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI Đà Nẵng.
Đề xuất hướng đi cho Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Thanh cho rằng, Đà Nẵng định hướng tiếp cận tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch, bán dẫn toàn cầu dựa trên nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và ưu tiên phát triển nhân lực cho khâu thiết kế và khâu kiểm thử.
Hạ tầng khu công nghiệp CNTT được phát triển mạnh mẽ
Việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 261/QĐ-TTg công nhận Khu phức hợp Văn phòng FPT là Khu CNTT tập trung đã nâng hạ tầng khu công nghiệp CNTT ở Đà Nẵng lên một vị thế mới.
Tính đến nay, Đà Nẵng đã sở hữu 3 Khu CNTT tập trung được Thủ tướng Chính phủ công nhận gồm: Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng; Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1; Khu phức hợp Văn phòng FPT.
Cùng với đó, 1 khu CNTT tập trung đang triển khai xây dựng là Khu Công viên phần mềm số 2 và 3 Khu CNTT đang thực hiện ở bước chủ trương đầu tư, gồm: Dự án Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân; Dự án Khu CNTT Đà Nẵng Bay; Tòa nhà Viettel Đà Nẵng sẽ mở ra cơ hội cho Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
“Việc đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT được Đà Nẵng xác định đi trước một bước, sẵn sàng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phục vụ phát triển công nghiệp CNTT, góp phần chuyển dịch kinh tế theo hướng bền vững”- lãnh đạo Sở TT&TT TP Đà Nẵng chia sẻ.
Hạ tầng số tiếp tục được nâng cao
Trong năm 2023, bên cạnh các nỗ lực phát triển chuyển đổi số, hạ tầng viễn thông - CNTT phục vụ cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân tiếp tục được nâng cấp và phát triển.
Tính đến hiện tại, Đà Nẵng đã có 250 điểm wifi công cộng miễn phí cho người dân do TP triển khai với tốc độ bình quân đạt 40Mb/s. Các doanh nghiệp, nhà mạng viễn thông triển khai gần 1.000 điểm phát sóng wifi tại khu vực: sân bay, trường học, bệnh viện..
Sở TT&TT phối hợp cùng Viettel Đà Nẵng trao tặng 100 điện thoại thông minh cho đồng bào Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang - Giàn Bí (huyện Hòa Vang) và các hộ gia đình chính sách, thanh niên khuyết tật trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến đến người dân.
Với những kết quả đạt được trong năm 2023, năm 2024, Đà Nẵng kỳ vọng tiếp tục triển khai mô hình chuyển đổi số toàn diện nhằm nâng cao chất luợng cuộc sống của nguời dân; tiếp tục dẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, góp phần cải thiện chất luợng phục vụ và công tác chỉ đạo diều hành của chính quyền; hỗ trợ quản lý có hiệu quả đô thị và các nguồn tài nguyên của TP; hòa nhập vào mạng luới các thành phố thông minh ASEAN…
Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, TP thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới Đà Nẵng kỳ vọng năm 2024, ngành công nghiệp CNTT đóng góp khoảng gần 10% vào GRDP của địa phương. Trong đó, doanh thu toàn ngành TT&TT đạt 38.800 tỉ đồng tăng 6,2% so với năm 2023; doanh thu xuất khẩu phần mềm đạt 159 triệu USD, tăng 7,4% so với năm 2023.